Quan chức Nga cảnh báo về hậu quả sử dụng đạn urani nghèo ở Ukraine

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Anh muốn biến lãnh thổ Ukraine thành 'vùng đất bị thiêu rụi' bằng cách cung cấp đạn urani nghèo cho Kiev, nhưng hậu quả không chỉ có vậy.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

“Vương quốc Anh, bằng cách cung cấp vũ khí urani đã cạn kiệt cho Kiev, muốn biến lãnh thổ Ukraine thành một vùng đất bị thiêu rụi và hoang vắng. Sẽ không còn tiếng Nga, tiếng Ukraine ở đó, sẽ chỉ có sự im lặng. giống như ở Pripyat và Chernobyl”, hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga đăng trên Telegram ngày 10/4.

Theo bà Zakharova, đạn urani nghèo từng được sản xuất hàng loạt và sử dụng trong các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Ở mức độ lớn, các hoạt động với những loại đạn như vậy trong quân đội NATO chủ yếu do quân nhân Italy thực hiện. Khu vực do Italy phụ trách ở Nam Tư bao gồm các vùng lãnh thổ nơi có trên một nửa số vũ khí uraniu nghèo đã được khai hỏa”, bà nói thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết người dân Nam Tư là nạn nhân đầu tiên và tiếp đó là quân nhân Italy. Bà Zakharova chỉ ra rằng ngày càng nhiều vụ người Italy kiện Bộ Quốc phòng. Bà nhấn mạnh: “Lý do các vụ kiện cơ bản như nhau, đó là bệnh ung thư. Ung thư do xử lý đạn urani nghèo”.

Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra sau khi Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh, Nam tước Annabel Goldie, cho biết trong một văn bản rằng Vương quốc Anh sẽ cung cấp cho Ukraine đạn pháo chứa urani nghèo và tăng hiệu quả trong việc tiêu diệt các phương tiện bọc thép. Bộ Quốc phòng Anh mô tả urani nghèo là một thành phần tiêu chuẩn của đạn xuyên giáp, đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Bình luận về quyết định của chính quyền Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ buộc phải đáp trả tương ứng với thực tế là “phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân”.

Đại sứ quán Nga tại Anh cảnh báo London không nên chuyển đạn urani nghèo cho Kiev. Bình luận của cơ quan ngoại giao nhấn mạnh động thái này có nguy cơ làm leo thang xung đột, trong khi việc sử dụng những loại vũ khí như vậy ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương.

Binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 214 của Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (OPFOR) nạp đạn cho xe tăng, tại một địa điểm không được tiết lộ dọc theo tiền tuyến phía bắc Bakhmut, vào ngày 16/3/2023. Ảnh: Anadolu/Getty Images

Binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 214 của Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (OPFOR) nạp đạn cho xe tăng, tại một địa điểm không được tiết lộ dọc theo tiền tuyến phía bắc Bakhmut, vào ngày 16/3/2023. Ảnh: Anadolu/Getty Images

Trước đó, hôm 24/3, Trung tướng Igor Kirillov - chỉ huy lực lượng phòng chống hóa học, sinh học và phóng xạ Nga - cảnh báo Ukraine tự gây hại cho người dân, binh sĩ và như kinh tế nước này nếu sử dụng đạn xuyên giáp chứa urani nghèo.

“Sử dụng đạn chứa urani nghèo sẽ làm ô nhiễm diện tích đáng kể đất canh tác của Ukraine. Điều này không chỉ gây hại cho người dân mà còn làm kinh tế Ukraine thiệt hại to lớn”, ông nói.

Ông Kirillov cho biết Mỹ từng sử dụng không dưới 300 tấn đạn chứa urani nghèo trong những năm đầu của cuộc chiến tại Iraq.

“Vào năm 2003 – 2004, Mỹ đã sử dụng rộng rãi các loại đạn này trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở các thành phố của Iraq: Amarah, Baghdad, Basra, Karbala, Fallujah. Theo Liên hợp quốc, Mỹ đã sử dụng không dưới 300 tấn urani nghèo ở Iraq”, ông nói.

Liên hợp quốc ước tính tổng khối lượng urani nghèo mà Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Iraq là ít nhất 300 tấn. Trong cuộc xung đột ở Nam Tư cũ năm 1999, NATO từng dùng 40.000 quả đạn loại này, chứa hơn 15 tấn urani nghèo.

Cuộc điều tra năm 2018 của Al Araby cũng cho thấy Iraq ghi nhận tỷ lệ dị tật bẩm sinh cao nhất thế giới trong thập kỷ trước.

“Theo Chính phủ Iraq, số người mắc ung thư ở nước này năm 2005 tăng từ 40 trường hợp lên 1.600 trường hợp/100.000 công dân. Về vấn đề này, Baghdad đã đệ đơn kiện chính thức lên Tòa án Trọng tài Quốc tế ở Stockholm vào ngày 26/12/2020 chống lại Washington, yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại đã gây ra”, ông Kirillov nói thêm.

Anh đã sử dụng urani nghèo trong các loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập kỷ qua và không coi các loại đạn dược đó là có khả năng hạt nhân. Nga được cho là cũng sử dụng đạn dược có chứa uranium nghèo.

Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Anh Cleverly cho rằng Nga là quốc gia duy nhất nói về vấn đề hạt nhân.

“Không có leo thang hạt nhân. Quốc gia duy nhất trên thế giới đang nói về vấn đề hạt nhân là Nga. Không có mối đe dọa nào đối với Nga, đây hoàn toàn là việc giúp Ukraine tự vệ”, ông Cleverly nói.
“Cần đảm bảo mọi người hiểu rằng, không phải chỉ vì có từ 'urani' trong tên của đạn urani nghèo, mà chúng là đạn hạt nhân, chúng hoàn toàn là đạn thông thường.”

Urani nghèo là sản phẩm phụ của quá trình tạo ra urani làm giàu được sử dụng chủ yếu trong nhiên liệu hạt nhân và vũ khí. Mặc dù không thể tạo ra phản ứng hạt nhân, nhưng urani nghèo có mật độ cao hơn chì khiến chúng cũng được coi là loại đạn nguy hiểm.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo TASS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-chuc-nga-canh-bao-ve-hau-qua-su-dung-dan-urani-ngheo-o-ukraine-20230411111522186.htm
Zalo