Quản Bạ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

BHG - Cùng với việc đẩy mạnh phát triển KT - XH, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Quản Bạ có nhiều giải pháp tích cực trong việc khơi dậy, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Quản Bạ có 12 xã, 1 thị trấn với 107 thôn, tổ dân phố và 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm gần 95%, gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… Người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp. Các dân tộc đoàn kết, sinh sống với nhiều sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc. Mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa cộng đồng. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một và dần bị pha tạp. Vì vậy, việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được địa phương xác định có ý nghĩa quan trọng.

Nghề dệt vải của đồng bào dân tộc Mông.

Nghề dệt vải của đồng bào dân tộc Mông.

Cán Tỷ là xã vùng 3 của huyện Quản Bạ với 98% dân số là dân tộc Mông. Để lưu giữ bản sắc văn hóa, đồng bào dân tộc Mông đã gìn giữ và phát triển nghề se lanh, dệt vải. Đây được coi là một nét đẹp truyền thống, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Nghệ nhân Sùng Thị Máy, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dệt lanh Cán Tỷ cho biết: “Nghề dệt vải lanh truyền thống có từ lâu và được truyền qua nhiều thế hệ. Với người Mông, dệt vải lanh không chỉ để phục vụ nhu cầu về vật chất, mà cây lanh, sợi lanh đã đi vào đời sống tâm linh, trở thành một thứ biểu tượng cho sự bền chắc của đời người, của tuổi thọ, sự gắn bó lứa đôi, là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết trở về với tổ tiên, là cầu nối để linh hồn tổ tiên đầu thai trở lại với con cháu. Để tạo nên tấm vải lanh dệt tay hoàn chỉnh phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mỷ và nhẹ nhàng. Từ những vỏ cây lanh trở thành những tấm vải rồi vẽ sáp ong, làm ra những bộ áo, váy mang nhiều màu sắc sặc sỡ. Bên cạnh năng khiếu, người làm cần có tính kiên trì cao, cẩn thận và đặc biệt phải thực sự yêu nghề, đam mê mới có thể làm được”.

Chị Sùng Thị Hoa, người dân xã Cán Tỷ chia sẻ: “Tôi được mẹ dạy cách se lanh, dệt vải từ lúc 12 tuổi. Đối với chúng tôi, nghề dệt vải lanh truyền thống này là niềm tự hào và là bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi nghĩ cần được bảo tồn và gìn giữ phát huy giá trị trong cuộc sống. Đặc biệt là để truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau”.

Trang phục truyền thống dân tộc Dao là nét đẹp văn hóa thu hút khách du lịch.

Trang phục truyền thống dân tộc Dao là nét đẹp văn hóa thu hút khách du lịch.

Tại xã Quản Bạ, nơi đây đa số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Từ khi Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm đi vào hoạt động, người dân nơi đây thường xuyên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và giới thiệu cho du khách những nét đẹp như: Kiến trúc nhà trình tường, làn điệu hát đối, hát giao duyên, lễ hội cầu mùa, lễ cấp sắc, nghệ thuật thêu, may tinh xảo; phục vụ du khách những món ăn truyền thống và tắm lá thuốc để du khách trải nghiệm.

Anh Lý Tà Sàng, người dân thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ chia sẻ: “Tôi đã được đi nhiều nơi, tham quan những bản, làng của người dân tộc thiểu số ở các địa phương khác, sau đó về xây dựng homestay. Tôi và những người trong làng đã biến văn hóa thành sản phẩm du lịch đó là cung cấp dịch vụ tham quan, tắm và ngâm chân bằng lá thuốc, dịch vụ ăn uống, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian. Từ khi Nặm Đăm trở thành điểm du lịch cộng đồng, đời sống của gia đình tôi tốt lên rất nhiều”.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và lâu dài. Huyện Quản Bạ coi đây là nguồn lực để thúc đẩy du lịch phát triển và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng. Công tác văn hóa, văn nghệ được quan tâm chú trọng, thường xuyên tổ chức đưa thông tin về cơ sở, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương; tổ chức hội thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc; tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan do tỉnh, khu vực tổ chức. Hiện, toàn huyện có 1 đội văn nghệ bán chuyên nghiệp, 107 đội văn nghệ quần chúng cơ sở, 14 đội văn nghệ xung kích, 3 đội văn nghệ dân gian thường xuyên hoạt động phục vụ nhân dân; 100% các thôn, tổ dân phố xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước. Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp.

Đồng chí Lệnh Thế Tuân, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quản Bạ cho biết: “Mỗi dân tộc trên địa bàn huyện đều có những bản sắc văn hóa độc đáo riêng, được cộng đồng các dân tộc chung tay gìn giữ và phát huy. Để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, địa phương thường xuyên tuyên truyền, chú trọng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng; định hình rõ nét bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc huyện Quản Bạ; quan tâm tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian nghiên cứu, lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy cho những người kế cận”.

Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202411/quan-ba-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-0283c22/
Zalo