Quà tặng du lịch: Không chỉ là kỷ niệm, mà còn là định vị thương hiệu
Phát triển quà lưu niệm độc đáo, đậm bản sắc không chỉ giúp tăng chi tiêu du khách mà còn bảo tồn, quảng bá văn hóa địa phương.
Quà tặng lưu niệm – Cầu nối văn hóa và kinh tế cho các địa phương
Trong ba năm gần đây, quà tặng lưu niệm đã vươn lên trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc mang lại giá trị kinh tế, các sản phẩm này còn là phương tiện hiệu quả để quảng bá hình ảnh địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa và thu hút khách du lịch.
Hà Nội, với bề dày lịch sử nghìn năm, không chỉ nổi tiếng bởi các di tích và danh thắng mà còn bởi những sản phẩm thủ công mang đậm hồn quê. Cốm làng Vòng, gốm Bát Tràng, bánh cuốn Thanh Trì hay sơn mài Đường Lâm không chỉ là món quà, mà còn là biểu tượng văn hóa, lưu giữ ký ức về vùng đất kinh kỳ.
Hàng năm, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội được tổ chức nhằm tôn vinh và đưa các sản phẩm đặc sắc này đến gần hơn với du khách. Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, việc xây dựng câu chuyện văn hóa gắn liền với các sản phẩm lưu niệm chính là chìa khóa tạo nên sự khác biệt.
"Chúng tôi hiểu rằng, mỗi món quà lưu niệm không chỉ là vật phẩm để trao tay, mà còn phải mang trong mình một linh hồn, đó là câu chuyện văn hóa, lịch sử của vùng đất Hà Nội. Nếu không biết cách thổi hồn vào từng sản phẩm, chúng ta chỉ đang bán một món hàng vô tri.
Nhưng khi gắn kết sản phẩm với những câu chuyện ấy, chúng trở thành sứ giả văn hóa, chạm đến trái tim người nhận, dù họ ở bất cứ đâu trên thế giới", vị Giám đốc nói.
Bà Vũ Thị Phúc - chủ cơ sở cốm Mộc Lam tại làng Mễ Trì chia sẻ: "Mỗi sản phẩm cốm, từ cốm tươi đến xôi cốm hay cốm xào, đều chứa đựng tình yêu và nỗ lực của chúng tôi để bảo tồn hương vị truyền thống.
Chúng tôi không ngừng sáng tạo để làm mới sản phẩm, từ việc thiết kế những gói quà đẹp mắt đến việc tạo ra những món ăn mới lạ như bánh cốm trà xanh hay cốm sấy giòn. Những gói quà này không chỉ mang đậm hồn quê mà còn phù hợp với thị hiếu hiện đại, giúp khách du lịch dễ dàng lựa chọn làm quà biếu hay kỷ niệm".
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đối mặt với không ít thách thức. Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nhận định các sản phẩm lưu niệm ở Hà Nội hiện nay còn thiếu tính đặc trưng rõ nét. Phần lớn các sản phẩm na ná nhau, không tạo được dấu ấn riêng để hấp dẫn du khách.
Là vùng đất cố đô, Ninh Bình sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và nền văn hóa phong phú. Các sản phẩm lưu niệm tại đây, từ gốm Bồ Bát, thêu ren Văn Lâm đến cơm cháy, thịt dê, đều gắn liền với nét đặc trưng văn hóa địa phương.
Với 101 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao, tỉnh không chỉ quảng bá được thương hiệu mà còn nâng cao thu nhập cho người dân thông qua sản phẩm lưu niệm.
Dù vậy, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cũng thừa nhận hạn chế: "Sản phẩm quà lưu niệm tại địa phương còn đơn điệu, trùng lặp, chưa thể hiện được nét độc đáo riêng có của vùng đất cố đô".
Ở vùng đất biên cương Cao Bằng, quà tặng lưu niệm gắn liền với văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông... Các sản phẩm như thổ cẩm, vật dụng tre nứa, chạm bạc hay giấy bản đều ẩn chứa câu chuyện về đời sống, truyền thống của người dân vùng cao.
Đặc biệt, các làng nghề như rèn Phúc Sen, dệt thổ cẩm Luống Nọi hay in hoa văn bằng sáp ong tại Nguyên Bình đã tạo ra những sản phẩm không chỉ đẹp mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Tuyên Quang hiện có 240 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, cùng nhiều làng nghề truyền thống như nghề chè ở Sơn Dương, bánh gai Chiêm Hóa hay thổ cẩm Lâm Bình. Các sản phẩm này được quảng bá mạnh mẽ qua các chương trình trưng bày, xúc tiến du lịch và thương mại.
Bà Ma Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, cho biết: "Trung bình, mỗi kỳ hội chợ hay sự kiện du lịch lớn, gian hàng của chúng tôi đón khoảng 500-700 lượt khách tham quan và mua sắm. Các sản phẩm như khăn thổ cẩm, túi xách và váy áo truyền thống,... rất được ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế vì họ muốn mang về những món đồ có giá trị văn hóa độc đáo".
Bà Hồng cho biết thêm, doanh thu từ các sự kiện này thường dao động từ 80 - 100 triệu đồng, một con số không nhỏ đối với các nghệ nhân địa phương. Quan trọng hơn, sự quan tâm của du khách còn tiếp thêm động lực để bà con gìn giữ nghề truyền thống và tiếp tục sáng tạo những sản phẩm mới.
Lạng Sơn, với những làng nghề truyền thống lâu đời, cũng phát triển các sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như Tày, Nùng, Dao. Các sản phẩm nổi bật tại đây bao gồm tinh dầu hồi, quế, quạt cầm tay, túi xách, mũ, với giá cả hợp lý, dễ dàng tiếp cận với du khách.
Theo thống kê của Sở VHTTDL Lạng Sơn, mỗi năm có khoảng 2.000 – 5.000 sản phẩm lưu niệm được tiêu thụ, trong đó các sản phẩm như đĩa đồng, quạt in logo tỉnh hay các biểu tượng pha lê được du khách ưa chuộng.
Bà Trần Thị Bích Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Để tăng cường sức hấp dẫn, chúng tôi đang phối hợp với các làng nghề và doanh nghiệp địa phương nâng cao chất lượng thiết kế, đầu tư thêm bao bì và kể câu chuyện văn hóa đằng sau mỗi sản phẩm.
Mục tiêu không chỉ là gia tăng doanh thu mà còn quảng bá hình ảnh Lạng Sơn như một điểm đến vừa đẹp, vừa giàu bản sắc".
Vẫn "khát" sản phẩm lưu niệm giàu bản sắc
Sản phẩm lưu niệm không chỉ đơn thuần là những món quà nhỏ xinh để mang về sau mỗi chuyến đi, mà còn là cầu nối văn hóa, phản ánh tinh thần và dấu ấn riêng biệt của từng vùng đất. Tuy vậy, ngành công nghiệp này vẫn đang đứng trước bài toán khó: Làm sao dung hòa giá trị truyền thống với nhu cầu hiện đại, tạo ra sức hút lâu dài đối với du khách.
Mang về một món đồ lưu niệm là cách nhiều người lưu giữ ký ức, nhưng vượt xa ý nghĩa cá nhân, chúng còn trở thành phương tiện truyền tải văn hóa hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng, nguyên Trưởng khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương Mại, nhận định:
"Quà lưu niệm không chỉ kích thích chi tiêu của du khách mà còn là công cụ quảng bá văn hóa. Khi được thiết kế sáng tạo và mang đậm bản sắc địa phương, chúng có thể lan tỏa giá trị văn hóa tới những nơi xa hơn, qua những câu chuyện mà du khách kể lại hoặc những món quà họ tặng".
Tuy nhiên, hiện trạng sản phẩm lưu niệm còn nhiều hạn chế. Bà Tạ Thị Tú Uyên - Giám đốc Ban Sản phẩm Dịch vụ của Vietravel, chỉ ra:
"Dù nhiều địa phương sở hữu làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm hiện vẫn thiếu tính độc đáo, chưa tạo được dấu ấn riêng. Điều này khiến ngành du lịch chưa khai thác hết tiềm năng từ nhu cầu mua sắm của du khách".
Đồng quan điểm, TS. Lê Quang Đăng - Phó trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, bổ sung: "Nhiều quà tặng tại các điểm đến thiếu bản sắc văn hóa đặc trưng, thậm chí không phải sản phẩm sản xuất tại địa phương. Điều này làm giảm giá trị cả về chất lượng lẫn ý nghĩa văn hóa".
Các chuyên gia cho rằng để sản phẩm lưu niệm thực sự trở thành cầu nối văn hóa, cần chú trọng đổi mới từ thiết kế, chất lượng đến cách kể câu chuyện đằng sau mỗi món quà. Một sản phẩm vừa đáp ứng thị hiếu hiện đại vừa gắn liền với bản sắc truyền thống sẽ thu hút được sự chú ý và thiện cảm của du khách.
Đặc biệt, việc phát triển đa dạng dòng sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng là hướng đi cần thiết, từ những món đồ nhỏ gọn, tiện lợi cho khách quốc tế, đến các sản phẩm cao cấp dành riêng cho nhóm khách hàng nội địa với khả năng chi tiêu lớn.
Song song với đó, khâu tiếp thị cần được đầu tư bài bản hơn. Một câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, con người hay lịch sử vùng đất sẽ tăng thêm giá trị cảm xúc cho sản phẩm, giúp chúng vượt qua ranh giới của một món hàng thông thường, trở thành biểu tượng đầy ý nghĩa của điểm đến.