'Thư từ Roma' - Tám chuyện - Bài 5: 'Chơi' chợ ở Roma
Bài 5 trong phần 'Tám chuyện' từ thành Hà đến thành Roma: 'Chơi' chợ ở Roma' của tác giả Tô Phương Thủy, Phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học, thường trú tại Italia cho mục 'Thư từ Roma'.
Bài 5 – "Chơi" chợ ở Roma
Tô Phương Thủy
Phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học, thường trú tại Italia
Roma không chỉ là thành phố ắp đầy nghệ thuật và lịch sử. Đây còn là mảnh đất mà bạn có thể hòa lẫn vào các tầng văn hóa mạnh mẽ đang chảy tràn ở các khu chợ của người Ý.
Có một câu nói mà tôi rất thích, đó là "Khám phá đời sống các khu chợ của Roma, cũng giống như bước chân vào một hành trình tiếp cận trái tim của người dân thành phố". Mỗi khu chợ của Rome mang đến một hương vị khác nhau của cuộc sống thường nhật, kết nối quá khứ và tương lai, lịch sử và truyền thống. Đó là các "mảnh hồn" thấm đẫm hương vị ngồn ngộn của cuộc sống thường ngày tại Rome, cũng như lịch sử kỳ diệu của mảnh đất này.
Nghe tên thì như vậy, nhưng Campo de' Fiori bày bán tất cả các mặt hàng mà du khách, hay người dân Roma cần như hoa quả, phomai, đồ lưu niệm và cả các quán ăn với hương vị ẩm thực nổi tiếng của Ý.
Đây có thể nói là khu chợ nổi tiếng nhất đối với bất kỳ du khách nào khi đến thăm Roma, một phần vì vị trí của Campo de' Fiori chỉ cách 2km từ các khu du lịch nổi tiếng của Roma, như Vatican hay đấu trường Colosseo. Song sự nổi tiếng của Capo de' Fiori có một phần khác là nhờ sản phẩm điện ảnh, khi trở thành tiêu đề chính của bộ phim cùng tên "Campo de' Fiori" đã được điện ảnh Italia trình chiếu tại LHP thế giới.
Giống như những khu chợ khác của Roma, Campo de' Fiori mở hàng từ sáng sớm song đóng cửa cũng rất sớm, vào khoảng 2-3 giờ chiều. Ở nơi này bày bán đủ thứ, từ kẹo truffle từ Tusany, đến các loại cà chua ngọt đặc trưng của Sicili và pecorino, một gia vị truyền thống cho món pasta của Ý (Cacio e Pepe), cho đến các loại thực phẩm tươi sống. Cũng giống như các khu chợ khác có đông du khách, Campo de's Fiori có rất nhiều người bán hàng không phải gốc Ý, mà là dân nhập cư da màu.
Tôi rất ấn tượng với một người bán hàng ở quầy rau củ, khi gần như nói không ngừng nghỉ chỉ để thuyết phục hai mẹ con du khách phương Tây mua một chiếc nạo rau củ. "Hãy nhìn này, con voi của Châu Phi có kích cỡ như thế này, mà khi đến Ý thành xinh đẹp thế này đây" – người đàn ông da đen giơ lên một củ màu đen đen có hình như động vật, và một củ cà rốt đã được chiếc nạo gọt tỉa chuyên nghiệp.
Song, tôi quan tâm đến khu chợ nổi tiếng này không phải vì các mặt hàng bày bán, mà là lịch sử lâu đời và cả thăng trầm của nền văn minh. Những viên gạch đen sáng bóng vết chân người tại quảng trường Campo de' Fiori, nơi giờ đây vẫn đang liên tục được bào mòn bởi vết chân các du khách, đã có niên đại từ thời trung cổ hơn 500 năm. Quảng trường này đã được đế chế La Mã thời kỳ đó sử dụng làm nơi hành hình công cộng, mà trong đó, nổi tiếng nhất là vụ hỏa thiêu nhà triết học Giordano Bruno vào năm 1600.
Bruno sinh ra tại Naples, là một trong những nhà khoa học đầu tiên khẳng định vũ trụ là bao la vô tận, và trái đất chỉ là một hạt bụi, còn hệ mặt trời nhỏ bé ở một góc khuất của thiên hà. Ông bị buộc tội chống lại giáo hội và bị tuyên bố là dị giáo do không chịu chấp nhận thuyết trái đất là trung tâm của vũ trụ. Ông buộc phải trốn khỏi Ý, và sau đó bị bắt ở Venice khi trở về nước. Ông bị bỏ tù, bị thẩm vấn trong bảy năm trước khi bị hỏa thiêu ngay tại quảng trường Campo de' Fiori vào năm 1600, nơi giờ đây bức tượng chân dung ông đang sừng sững như minh chứng cho chân lý mà ông đã theo đuổi.
Lịch sử khủng khiếp của quảng trường dần dần bị dấu thời gian che mờ. Khu chợ Campo de' Fiori ngày nay là một nơi nhộn nhịp, náo nhiệt sức sống với dòng du khách bất tận liên tục đến với nơi này, như chưa từng bao giờ có lịch sử đau thương của Giordano Bruno.Cùng với thời gian, chợ Campo de' Fiori dần mở rộng. Ngày nay, khu chợ này đã trở thành trung tâm du lịch, nơi bày bán các sản vật truyền thống cũng như các đồ tạo tác lưu niệm, nhằm thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Sức sống của những khu chợ trước sự cạnh tranh của siêu thị
Sáu giờ sáng, những người bán hàng tại các khu chợ của Ý trưng bày những kỳ quan đầy màu sắc của họ - trái cây của trái đất, biển và nhân tạo - và cảnh tượng hàng ngày bắt đầu. Những khu chợ đã trở thành điểm tham chiếu xã hội và tụ tập cộng đồng của người La Mã kể từ thời cổ đại, nơi mọi người dân sống quanh khu chợ đó đều biết về nhau.
Đa số sản phẩm bày bán tại Rome, đều có nguồn gốc từ các vùng nông thôn xung quanh. "Cô có muốn thử những bông hoa atisô này đi? Hay những quả cà chua cuối cùng của mùa nhé!" người bán rau vừa nói vừa nhét những quả cà chua vào túi giấy và chìa cho tôi.
Dù Campo de' Fiori nổi tiếng với du khách, song tôi thì ưa thích nhất là đến thăm khu chợ Mercato Trionfale, cũng cách Vatican chỉ chừng 2 km. Với hơn 270 gian hàng, Mercato Trionfale là một trong những khu chợ lớn nhất ở Ý và Châu Âu, với lịch sử hình thành từ cuối thế kỷ 19. Chợ được chia thành các lối đi với các hộp có màu sắc khác nhau tùy theo chủng loại được kinh doanh: màu xanh dành cho trái cây và rau quả (màu xanh nhạt dành cho người sản xuất trực tiếp), màu xanh lam dành cho cá và màu đỏ dành cho thịt.
Tôi thích nhất là mua pizza margherita vừa ra lò nóng hổi, đế mỏng giòn rụm với lớp phomai béo ngậy tại một quầy hàng tại khu chợ, cùng 2 cốc rượu vang khai vị (dry) và một cốc rượu vang ngọt (d0lce) điểm tâm cuối cùng với giá 50 cent/cốc. Cuộc sống thật thi vị, khi vừa ăn pizza, vừa thưởng lãm rượu vang, và ngắm dòng người qua lại trên một đường phố Ý tấp nập.
Cuộc sống thật thi vị, khi vừa ăn pizza, vừa thưởng lãm rượu vang, và ngắm dòng người qua lại trên một đường phố Ý tấp nập.
Duy trì truyền thống văn hóa, và mối quan hệ liên kết giữa người thân bạn bè rất quan trọng đối với người Ý. Và các khu chợ đóng góp vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng các mối quan hệ cộng đồng này. Chẳng hạn như bác Eugenio và Teresa thường sẽ đi khu chợ sản vật địa phương vào thứ 3 hàng tuần, họp gần phố Fausto Coppi nơi sinh sống. Các bác rành rẽ về những người bán hàng, và thường mua sỉ dầu oliu hay salami, phomai được những người nông dân làm thủ công và bán với mức giá rẻ hơn nhiều so với tại siêu thị.
Dù giờ đây, các siêu thị mọc lên như nấm, và len lỏi vào từng ngõ ngách của thành Rome, song những khu chợ vẫn tạo dựng giá trị riêng và tồn tại cùng các dấu ấn hiện đại. Bởi chúng góp phần tạo nên một nền văn hóa A Dolce Vita – cuộc sống tươi đẹp, nơi bạn có thể thưởng thức những sản vật theo mùa, hay tận hưởng bản thân với apperitivo (happy hour) tại các quán Il bar gần chợ. Văn hóa ẩm thực Ý và những khu chợ, sau hàng thiên niên kỷ, vẫn là điểm nhấn quan trọng kết nối sợi dây trong mỗi gia đình người Ý.