Qua phố biển trăm năm

Theo Đại Nam nhất thống chí, địa danh Phan Thiết có từ năm 1697, là một trong 4 đạo thuộc dinh Bình Thuận.

Năm 1897, thực dân Pháp đã chọn nơi đây là một trong 7 thành phố đầu tiên ở Trung Kỳ. Hơn 100 năm sau, phố biển này chỉ còn thấp thoáng vài hình ảnh xưa cũ, đường phố đang hòa mình vào nhịp sống hiện đại và dòng chảy phát triển.

 Tháp nước Phan Thiết, biểu tượng của phố biển trăm năm. Ảnh: Lê Văn Chương

Tháp nước Phan Thiết, biểu tượng của phố biển trăm năm. Ảnh: Lê Văn Chương

Đi qua khu phố bờ Bắc cầu Cà Ty ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có một ngôi nhà cổ gắn dòng chữ bằng xi măng khắc nổi: “Xưởng chế tạo nước mắm”. Từ “chế tạo” chỉ sử dụng đối với việc đúc, mài dũa và những thiết bị bằng kim loại, nhưng thời đó lại sử dụng từ này đối với nước mắm đặc sản và đến nay vẫn gắn với Phan Thiết. Nếu lặng lẽ đi vào những ngóc ngách cuộc sống thì sẽ nhận ra, người dân Phan Thiết vẫn dành những góc nhỏ để kể câu chuyện, hoặc lưu lại hoài niệm về phố biển trong quá khứ.

Tại Bảo tàng Mắm ở số 360, đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, những bức tranh trên tường không chỉ kể về mắm, mà còn kể về chuyện đời của làng biển trong quá khứ. Ấn tượng nhất là tấm ảnh kể về một khu chợ ở thành phố Phan Thiết, phần lớn người trong chợ là trẻ em, phụ nữ đội nón, chít khăn, hàm răng đen, rau, cá được bày ngay dưới mặt đất quanh mái nhà tranh, dưới một rừng dừa.

Cụ Nguyễn Hữu Hoàng, một cư dân địa phương xem bức tranh chụp lại trên điện thoại và cho biết, những người đàn bà này chưa hẳn là dân gốc Phan Thiết, vì thời Pháp thuộc, phố thị Phan Thiết rất nổi tiếng, vì vậy người dân ở tận miệt ngoài như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Bình Định... đổ về Phan Thiết để làm ăn, mưu sinh và có khi bám trụ lại nơi đây. Thời đó, nhiều khi người dân không phân biệt tên của các vùng miền, gọi gộp chung là dân xứ Huế, càng đi vào tận xứ Cà Mau, cái tên gộp này càng được cô đọng thành dân Huế.

Dấu ấn Phan Thiết giờ đây chỉ còn tìm thấy được trong ký ức của người già, trên những bức tranh trong bảo tàng, những ngôi nhà cổ và vài trục đường khác lạ với những thành phố ở Việt Nam hiện nay. Ngay cầu Cà Ty, là một trục đường chính, sau đó rẽ sang các khu nhà khác nhau, tạo thành một ngã 7, trông giống như một số trục đường của thành phố Marseille (Pháp) nằm bên bờ biển Địa Trung Hải. Kiểu trục đường rất đẹp này được các nhà thiết kế đô thị xây dựng tại Khu đô thị Hoàng Hôn nằm trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đến phố biển Phan Thiết, nếu chỉ lướt qua thì thấy vùng đất này không có gì đặc biệt, vì con sông Cà Ty không quá lớn, chiếc cầu cũ, những đoàn tàu đánh cá loại nhỏ đậu san sát ở đoạn sông ngay trước trụ sở của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nhưng nếu len lỏi vào những ngõ phố thì vẫn hít thở và tìm được dấu tích của phố thị trăm năm. Có nhiều ngôi nhà ở mặt phố gắn năm xây dựng trước hiên nhà, từ năm 1927, 1930, 1945...

Du khách đến Phan Thiết đều có một địa chỉ nằm trong tour là Trường Dục Thanh nằm ngay ở trung tâm thành phố. Ngôi trường này được xây dựng vào năm 1908 trong phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh để mở mang dân trí. Đây là ngôi trường tư thục khá nổi tiếng, vì nội dung giảng dạy rất tiến bộ, bên cạnh chữ Quốc ngữ, các nam, nữ sinh còn được học thêm chữ Hán, tiếng Pháp. Từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911, có một thầy giáo mới 20 tuổi đến từ tỉnh Nghệ An và dạy 3 môn: Thể dục thể thao, tiếng Hán, tiếng Pháp, đó là Nguyễn Tất Thành.

Ông Nguyễn Xuân Lý, nguyên cán bộ ngành bảo tàng ở tỉnh Bình Thuận là người quê gốc ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nhưng cuộc đời của ông lại gắn với vùng đất Bình Thuận. Những đề tài nghiên cứu thời còn đang làm việc, ông Lý chia sẻ, có nhiều nội dung thấp thoáng câu chuyện của ngư dân, cư dân địa phương, các hoạt động văn hóa của làng biển, nhưng mang dấu tích của cư dân Thuận Thành trấn, Bình Thuận phủ, ví dụ như Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân, Lễ hội Cầu ngư (tế thần Nam Hải Đại tướng quân), Lễ hội Ka Tê...

Ông Lý cho biết, ở Phan Thiết, Lễ hội Cầu ngư diễn ra tại 12 vạn: Thủy Tú, Hiệp Hưng, Khánh Long, Nam Nghĩa... Về nội dung và quy trình đều được thể hiện theo tập tục của ông cha từ xưa để lại. Riêng ở huyện đảo Phú Quý có đến 10 ngôi vạn thờ cá voi, đa phần có từ thế kỷ XVIII, XIX, hiện còn duy trì Lễ hội Cầu ngư. Theo Đại Nam nhất thống chí, vào thế kỷ XIX, Phan Thiết đã là nơi đô hội, có “thuyền chài cá, thuyền buôn bán qua lại tấp nập, cư dân trù mật, phố xá liền nhau”.

 Nhà của gia đình ông Mai Hoài Thảo từng là xưởng sản xuất nước mắm. Ảnh: Lê Văn Chương

Nhà của gia đình ông Mai Hoài Thảo từng là xưởng sản xuất nước mắm. Ảnh: Lê Văn Chương

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Robert Moore vào năm 1931 đã viết trên Tạp chí National Geographic Magazine: “Phan Thiết quảng cáo về ngành công nghiệp của mình và phát triển nó một cách mạnh mẽ. Ngành kinh doanh của nơi này là đánh cá. Phan Thiết nổi tiếng với nghề chế biến nước mắm có mùi khắm được chuyên chở tới khắp nơi tại Đông Dương... Trên những con thuyền cũng rất thú vị, mũi thuyền có đặt các bàn thờ thần linh được sơn màu sặc sỡ, trên đó bày các đồ cúng gồm hương, hoa quả”.

Hằng đêm ở Phan Thiết, tôi thường đi bộ qua chiếc cầu đối diện tháp nước là biểu tượng của thành phố bên sông Cà Ty và liên tưởng về câu chuyện Việt-Lào, Lào-Việt qua công trình tháp nước Phan Thiết. Tôi từng gặp anh Xayyasoubat, một sinh viên người Lào đang học ở Việt Nam cùng bạn bè đến Phan Thiết chỉ để ngồi thật lâu dưới chân tháp nước và tưởng nhớ Hoàng thân Souphanouvong. Tháp nước được chính quyền bảo hộ Pháp xây dựng từ năm 1928 đến năm 1934.

Bản thiết kế tháp nước do Hoàng thân Souphanouvong vẽ và giờ đây trở thành biểu tượng, điểm đến của nhiều người dân Lào. Tháp nước Phan Thiết trở thành điểm nhấn trên hành trình của du khách yêu mến văn hóa, tìm lại dấu tích phố thị trăm năm ở thành phố bên sông Cà Ty.

Từ thành phố Phan Thiết đi ngược ra phía Bắc, đến xã Chí Công, huyện Tuy Phong sẽ đặt chân tới ngôi làng mà trong các bài hò, vè của ngư dân ở các tỉnh, thành phố miền Trung như: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình... đều nhắc tới vào các dịp cúng làng, tế thần Nam Hải: “Ngó vô thuyền đậu nghinh ngang/ Gành Son, Trại Lưới thênh thang làng nghề...”. Hơn 100 năm về trước, hành lang giao thương 3 miền chủ yếu đi lại bằng đường biển và Gành Son là điểm dừng của những chiếc thuyền buồm.

Tôi gặp những cụ già lớn tuổi ở đầu Gành Son và họ chỉ thích nói về chuyện Phan Thiết trong quá khứ, về ngôi chùa Phước An trong làng là nơi Nguyễn Tất Thành từng dừng chân. Vì quá khứ của Phan Thiết khá huy hoàng, dù bóng hình ấy giờ chỉ còn tìm thấy trong sử sách.

Theo Lê Văn Chương (Báo Biên phòng)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/qua-pho-bien-tram-nam-post302160.html
Zalo