Qua một chuyến tàu
Ngấp nghé 30 tuổi chị kết hôn, có thai bốn tháng thì phát hiện chồng ngoại tình, sang tháng thứ năm chị quyết định ly thân. Cuộc đời chị như một đoạn tua nhanh của bộ phim bi kịch. Đó là quãng thời gian muốn quên lại không cách nào xóa bỏ. Chị chẳng nhớ nổi mình đã để nước mắt thấm dài qua bao nhiêu lớp gối. Nhiều lần đứng trước sông, chị thấy đời mình như đám lục bình miên man và vô định. Cảm giác bị cả thế giới ruồng bỏ có lẽ sẽ nhấn chìm chị như đám lục bình ấy, đắm mình, trôi dạt. Nhưng may sao, chị còn có người bạn như Đức.
Đức là cậu bạn đồng nghiệp hồi chị còn đi làm ở ngân hàng. Chị là chuyên viên tín dụng, còn Đức là nhân viên công nghệ thông tin (IT). Hai đứa đều là dân miền Trung vào thành phố lập nghiệp. Có một dạo mọi người còn ghép cặp, nhưng cả hai chỉ biết cười xòa. Trên tình bạn, dưới tình yêu, thiếu sự rung động để nhen lửa cảm tình. Hai đứa chỉ có thể là tri kỉ.
Đức kết hôn được một năm thì chị cũng làm đám cưới. Mỗi đứa đều có gia đình riêng, thời gian để hỏi han nhau cũng ít dần. Nhưng mỗi khi có chuyện gì cần hỗ trợ thì người còn lại luôn giúp đỡ hết mình. Và lần gặp nhau của hai đứa sau ba năm chị chuyển công tác, có ai ngờ, lại trước một toa tàu hỏa. Ga tàu - nơi chứng kiến vô số những cuộc hội ngộ, chia ly.
Đó là hôm chị quyết định về quê, mang theo cái bụng bầu gần tới ngày sinh cùng mớ đồ đạc lỉnh kỉnh sau khi trả phòng trọ. Chuyến tàu khởi hành trễ so với giờ ghi trên vé, vì vài sự cố ở một đoạn đường ray. Chị ngồi trên băng ghế nhựa của phòng chờ, thẫn thờ nhìn thành phố đã gắn bó chục năm trời từ thời sinh viên, tự nhiên thấy lòng đắng chát. Chị đã chẳng thể quay lại cái thời ngây ngô ấy, với trái tim chằng chịt vết sẹo và sự tổn thương chưa lành. Có lẽ mỗi người đều cần học cách lớn lên từ những đổ vỡ, dù rằng quá trình đôi khi lắm đớn đau.
- Hiền!
Chị nghe tiếng gọi. Cách vài hàng ghế là một hình dáng quen lạ đan xen.
- Đức nè, không nhận ra hả?
Rồi Đức chạy chậm tới. Vẫn nụ cười với chiếc răng khểnh, cùng cái kính cận rặc dân IT. Chị nhoẻn miệng đáp lời: “Ừ, xém chút là tưởng người lạ”.
Đức ngồi lên băng ghế bên cạnh. Hôm nay cậu ta đi đón em gái vào thành phố nhập học. Chẳng biết run rủi thế nào, lại chạm mặt chị khi sắp rời xa nơi này. Đức ngó bao đồ, nhìn cái bụng bầu quá cỡ, rồi lia mắt nhìn xung quanh.
- Chồng Hiền đâu? Về quê sinh hả?
- Ừ, về quê sinh. Hiền đi một mình?
Đức nhìn gương mặt mệt mỏi của chị, cùng mấy túi đồ to quanh chân, mày nhíu chặt. Làm bạn bao nhiêu năm, chắc cậu ta đã kịp nhận ra sự bất thường nào đó. Nhưng cả hai giấu nhẹm trong lòng, để giữ lại chút tự tôn cuối cùng cho chị.
- Ngồi đây chờ Đức tý nhé.
Vừa dứt lời, cậu ta chạy vội đi. Lát sau, Đức quay lại với một túi đồ khệ nệ. Sữa, bánh kẹo, dầu gió, cùng vài món ăn dọc đường. Đức nhét vào tay chị, dặn dò đủ thứ:
- Bầu bì thế này, nhớ ăn uống đủ chất. Đồ đạc thì lát Đức xách lên tàu cho, đừng bưng bê nặng. Xuống tàu thì gọi cho gia đình, hoặc thuê xe đẩy, bắt taxi mà chở, đừng có khiêng vác.
Cuối cùng, Đức còn không quên chúc chị mẹ tròn con vuông. Nắm chặt túi đồ, mắt chị tự nhiên hoe đỏ.
Lát sau, chuyến tàu khởi hành đưa chị ra xa khỏi nơi đau thương. Ngoài cửa sổ, chị thấy bóng Đức đang lùi dần. Chị khẽ mở cái túi Đức đưa, chợt thấy lẫn giữa mớ đồ hộp là một phong bì tiền cùng lời nhắn: “Chẳng đáng bao nhiêu, Hiền cầm lấy mà lo cho bé”. Phút chốc, nước mắt chị như cái vòi quên khóa. Đã bao lâu rồi chị mới lại cảm nhận được sự tử tế giữa cuộc đời?
Tình bạn chân thành của Đức đã sưởi ấm trái tim chị giữa cơn tuyệt vọng, giúp chị có thêm niềm tin sau bao nhiêu thất vọng tràn trề. Có lẽ, chị cũng không cô đơn đến thế.