Quá cầu toàn khiến bạn 'xôi hỏng bỏng không' khi tìm việc như thế nào?

Nghe thì có vẻ hay ho, nhưng nếu bạn quá cầu toàn khi tìm việc, có khi lại tự đóng sập cánh cửa cơ hội của mình lúc nào không hay. Dưới đây là những kiểu cầu toàn dễ khiến bạn… 'xôi hỏng bỏng không', hãy cùng tham khảo để có sự điều chỉnh phù hợp nhé.

Chờ công việc hoàn hảo mới chịu nộp đơn

Khi tham gia tuyển dụng ở TPHCM và nhiều nơi khác, nhiều bạn cứ đi tìm một công việc “phải đúng ngành học, đúng sở thích, lương cao, sếp dễ thương, đồng nghiệp vui tính, văn phòng đẹp” mới chịu ứng tuyển. Thực tế là có không ít sinh viên mới ra trường thấy công việc chỉ phù hợp 80% nên quyết định “thôi để tìm cái khác đã”, vài ngày quay lại thì công việc đó không còn, mà các vị trí khác cũng chẳng thấy đâu. Công việc hoàn hảo thường chỉ có trong mơ hoặc đến sau vài lần đổi việc. Nếu cứ đợi hoài, đợi mãi trong khi những người khác đã mạnh dạn nộp hồ sơ và có lịch phỏng vấn thì bạn có thể đánh mất cơ hội của chính mình.

Thấy mình chưa đủ giỏi là không dám ứng tuyển

Đây là cái bẫy tâm lý mà rất nhiều người (đặc biệt là sinh viên mới ra trường) mắc phải. Bạn đọc mô tả công việc và thấy yêu cầu “thành thạo Excel”, “2 năm kinh nghiệm”, “giao tiếp tiếng Anh tốt” rồi tự nhủ: “Mình không đáp ứng các tiêu chí này, chắc không có cơ hội đâu” và thế là không nộp nữa. Nhưng thực tế, nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng nhận ứng viên chưa đủ 100% yêu cầu, miễn là có thái độ tốt và tiềm năng học hỏi.

Đừng tự loại mình ra khỏi cuộc chơi chỉ vì nghĩ mình chưa đủ giỏi. Cứ thử đi, biết đâu bạn lại là người họ đang tìm?

Dành quá nhiều thời gian để “hoàn thiện” CV

Dành quá nhiều thời gian để chỉnh sửa CV nghe thì có vẻ là chăm chút cho tương lai, nhưng nếu bạn cứ chăm chăm “hoàn hảo hóa” từng câu chữ mà không chịu nộp, thì cơ hội có thể sẽ trôi qua lúc nào không hay. Nhiều bạn mất hàng tuần chỉ để căn lề, chọn phông chữ, chỉnh từng dấu chấm, dấu phẩy và viết câu giới thiệu sao cho “ngầu” mà quên mất: job đẹp thì cũng có nhiều người ứng tuyển.

Thay vì dành cả 10 ngày chỉ để viết lại phần “mục tiêu nghề nghiệp” cho thật “deep”, hãy tạo một bản CV tốt đủ dùng (không cần quá hoàn hảo) và nộp trước để chắc một “suất”. Nếu có thời gian thì chỉnh dần cho các vị trí sau. Đừng vì quá cầu toàn khi tìm việc mà tự đánh mất cơ hội, hãy để nhà tuyển dụng thấy bạn trước, rồi từ từ bạn có thể “nâng cấp” sau!

Nhờ quá nhiều người xem hồ sơ

Nghe qua thì tưởng là cẩn thận nhưng đôi khi điều này lại khiến bạn mất phương hướng. Ai cũng có quan điểm riêng: người thì bảo nên viết ngắn gọn, người khác lại kêu phải chi tiết hơn; người thích CV màu mè, người khác lại thích trắng đen tối giản. Cuối cùng bạn rối tung, sửa tới sửa lui, chẳng biết nên theo ai mà công việc thì càng ngày càng đến gần ngày kết thúc ứng tuyển.

Cách hiệu quả là chỉ nhờ 1-2 người có kinh nghiệm hoặc làm trong ngành bạn ứng tuyển góp ý là đủ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lắng nghe một cách có chọn lọc và bạn nên là người đưa ra quyết định cuối cùng. CV là của bạn, đừng để nó bị biến thành “phiên bản tổng hợp của cả thế giới”!

Áp lực phải trả lời hoàn hảo trong buổi phỏng vấn

Bạn muốn mỗi câu trả lời phải thật hay, ấn tượng, đúng trọng tâm và thật đúng ý nhà tuyển dụng. Nhưng bạn biết không, càng cố gắng hoàn hảo thì bạn càng căng thẳng, nói gượng gạo, thiếu tự nhiên và điều đó lại khiến bạn mất điểm. Phỏng vấn không phải là kỳ thi mà là cuộc trò chuyện để hai bên hiểu nhau. Thế nên, hãy chuẩn bị trước một số câu hỏi thường gặp, luyện nói thành lời chứ không chỉ nghĩ trong đầu và quan trọng nhất là chia sẻ một cách rõ ràng và chân thành.

Thay vì lúng túng, quanh co về điểm yếu của mình, hãy trả lời đơn giản “Em từng thiếu kiên nhẫn khi làm việc nhóm nhưng đã cải thiện bằng cách học cách chủ động lắng nghe”. Vậy là đã đủ để ghi điểm.

Sự kỹ tính, chỉn chu là điểm mạnh nhưng nếu quá cầu toàn khi tìm việc, bạn có thể tự đánh mất cơ hội của chính mình. Đôi khi, “cứ làm đi rồi sẽ giỏi”, “cứ thử trước khi bạn chắc chắn” vì cơ hội không chờ người cứ mãi do dự.

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/thong-tin-dich-vu-viec-lam/qua-cau-toan-khien-ban-xoi-hong-bong-khong-khi-tim-viec-nhu-the-nao-46087.html
Zalo