Pú Nhung nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm xoài Đài Loan

Phát huy tiềm năm, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đồng thời thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, những năm qua xã Pú Nhung đã chuyển đổi diện tích đất ngô, sắn bạc màu sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Xoài Đài Loan, bưởi da xanh… Tuy nhiên tình trạng "được mùa, rớt giá" khiến nhiều hộ nông dân trồng xoài gặp khó.

Người dân xã Pú Nhung chăm sóc cây xoài.

Người dân xã Pú Nhung chăm sóc cây xoài.

Về xã vùng cao Pú Nhung hôm nay, người dân không còn độc canh cấy lúa, cây ngô mà xen vào đó là những đồi xoài, mít, bưởi da xanh, dứa. Để có được kết quả đó, những năm gần đây nhờ sự định hướng, vận động của chính quyền địa phương, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả như ngô, sắn, mía, đậu tương... sang phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Qua đó, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh của xã. Hiện toàn xã Pú Nhung có 547,4ha cà phê; 1.111,56ha mắc ca; 224ha cây ăn quả (82,4ha dứa; 107,45ha xoài và một số cây trồng khác như bưởi da xanh, nhãn, mít).

Là một trong những người đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2020 gia đình ông Cà Văn Chung, bản Háng Á, xã Pú Nhung đã chuyển đổi hơn 1ha đất trồng ngô kém năng suất sang trồng cây xoài Đài Loan. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên cây xoài sinh trưởng phát triển tốt. Năm thứ 3 cây bắt đầu cho quả bói, từ năm thứ 4 cho thu hoạch chính thức, sản lượng đạt gần 2 tấn quả với giá bán giao động từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, gia đình thu về trên 15 triệu đồng. Tuy nhiên, mùa vụ năm 2025 sản lượng xoài tăng gấp đôi nhưng thu nhập lại kém hơn so với năm trước.

Nông dân xã Pú Nhung thu hoạch xoài.

Nông dân xã Pú Nhung thu hoạch xoài.

Ông Chung chia sẻ: Sản lượng xoài tăng nhưng năm nay tiểu thương chỉ thu mua với giá từ 1.000 – 1.500 đồng/kg tại vườn nên nhiều hộ dân chúng tôi chưa đồng ý bán vì chi phí thuê nhân công hái, chọn và vận chuyển xoài còn cao hơn cả giá xoài bán ra. Nhà nào có nhân công thì hái xoài mang ra chợ phiên ngồi bán được 5.000 đồng/kg, nhưng cũng chỉ tiêu thụ được vài chục kg/ngày, không thể bán hết hàng tấn xoài.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm xoài, tránh bị tiểu thương ép giá, UBND xã Pú Nhung đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn của xã thực hiện rà soát diện tích, sản lượng xoài hiện có trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đồng chí Chủ tịch UBND xã cùng với cán bộ xã, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực tiếp đến nhà máy chế biến rau củ quả tại tỉnh Sơn La để tìm đầu ra cho quả xoài. Sau nhiều lần mang mẫu đi test và thương thảo, Trung tâm chế biến rau củ quả Deveco Sơn La (Công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Giao) đồng ý thu mua với giá 5.000 đồng/kg tại nhà máy và có hỗ trợ người dân xe, cước phí vận chuyển.

Cán bộ xã Pú Nhung trực tiếp mang xoài về Trung tâm chế biến rau củ quả Deveco Sơn La để giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cán bộ xã Pú Nhung trực tiếp mang xoài về Trung tâm chế biến rau củ quả Deveco Sơn La để giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung chia sẻ: Xã đã chỉ đạo cán bộ Khuyến nông hướng dẫn người dân lựa chọn những quả xoài đảm bảo về chất lượng, mẫu mã để xuất bán. Qua các mẫu xét nghiệm hàm lượng đường trong quả xoài đạt trên mức 6.5, nhiều mẫu đạt trên 8.0, nhờ đó số lượng xoài chuyển xuống được Trung tâm thu mua 100% với giá thỏa thuận. Hiện người dân trên địa bàn xã Pú Nhung đã xuất bán cho Trung tâm chế biến rau củ quả Deveco Sơn La trên 40 tấn xoài.

Cán bộ, người dân xã Pú Nhung tập kết, vận chuyển xoài về bán tại Sơn La.

Cán bộ, người dân xã Pú Nhung tập kết, vận chuyển xoài về bán tại Sơn La.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng xuất và giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên để tránh tình trạng “giải cứu nông sản”, được mùa, rớt giá... trong thời gian tới cấp ủy chính quyền xã Pú Nhung cần làm tốt công tác quản lý, quy hoạch vùng trồng đối với từng loại cây ăn quả, cây công nghiệp trên địa bàn. Tránh để tình trạng người dân tự phát trong chuyển đổi cây trồng. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp, công ty tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm nông sản địa phương.

Bài, ảnh: Tuấn Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/pu-nhung-no-luc-tim-dau-ra-cho-san-pham-xoai-dai-loan
Zalo