PTC1 đào tạo cán bộ tinh nhuệ cho trạm biến áp

Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) vừa khai mạc khóa đào tạo 6 tháng nâng cao năng lực vận hành, sửa chữa thiết bị trạm biến áp cho đội ngũ kỹ thuật nòng cốt.

Ngày 19/5/2025 tại Hà Nội, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã tổ chức khai mạc khóa đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho nhân viên kỹ thuật vận hành và sửa chữa thiết bị trạm biến áp.

Xây dựng đội ngũ kỹ sư truyền tải tinh nhuệ

Khóa học có sự tham gia của 20 học viên, được tuyển chọn từ các Truyền tải điện trực thuộc, mỗi đơn vị cử 2 cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, gồm một người chuyên về nhị thứ và một người chuyên về nhất thứ.

Các đại biểu và học viên tham dự khai mạc khóa đào tạo. Ảnh: PTC1

Các đại biểu và học viên tham dự khai mạc khóa đào tạo. Ảnh: PTC1

Khóa đào tạo kéo dài trong 6 tháng, do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 1 (Trung tâm) chủ trì tổ chức và triển khai theo kế hoạch được phê duyệt. Phòng Tổ chức và Nhân sự phối hợp điều phối, quản lý lớp học, đồng thời tổng hợp kết quả báo cáo lãnh đạo Công ty khi khóa học kết thúc.

Phát biểu tại khóa đào tạo, ông Lưu Bình Công, Phó phòng Tổ chức và Nhân sự, đại diện lãnh đạo PTC1 nhấn mạnh: “Đây là một khóa đào tạo đặc biệt quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo ra đội ngũ kỹ thuật viên nòng cốt, những người không chỉ làm chủ công nghệ hiện đại trong sửa chữa, thí nghiệm, mà còn là cánh tay nối dài hỗ trợ Trung tâm trong thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật chuyên sâu tại cơ sở. Đồng thời, đây cũng là bước đi mang tính chiến lược, phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng vận hành và đảm bảo an toàn, liên tục của hệ thống truyền tải điện quốc gia.”

Theo ông Phạm Thành Long, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 1, đơn vị hiện đang phụ trách công tác sửa chữa, thí nghiệm và hiệu chỉnh tại 85 trạm biến áp. Trong vòng 3 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm 3 TBA 220kV và 1 TBA 500kV được đưa vào vận hành, dẫn đến khối lượng công việc tăng đều từ 12–15% mỗi năm.

Ông Phạm Thành Long phát biểu tại khóa đào tạo

Ông Phạm Thành Long phát biểu tại khóa đào tạo

Chính vì vậy, việc bổ sung đội ngũ có chuyên môn và được đào tạo bài bản là yêu cầu cấp thiết. Các học viên sẽ được giảng dạy trực tiếp bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu của PTC1 và Trung tâm, với sự hỗ trợ tối đa về cơ sở vật chất, thiết bị học tập và môi trường thực hành chuyên sâu”- ông Long cho biết.

Kết hợp thực tiễn và công nghệ trong huấn luyện kỹ thuật viên

Khóa học được chia thành Lớp thí nghiệm, sửa chữa nhị thứ và Lớp thí nghiệm, sửa chữa nhất thứ, với tổng thời lượng 204 tiết, trong đó có 124 tiết thực hành và 40 tiết kiểm tra, đánh giá.

Đối với Lớp thí nghiệm, sửa chữa nhị thứ, học viên được đào tạo từ tổng quan hệ thống mạch nhị thứ TBA, mạch điều khiển, tín hiệu, rơ le bảo vệ đến cách truy cập, khai thác và rà soát thông tin kỹ thuật, cài đặt thông số, quy trình thí nghiệm và nghiệm thu theo chuẩn của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và PTC1.

Lãnh đạo Công ty và Trung tâm, Giảng viên cùng học viên chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: PTC1

Lãnh đạo Công ty và Trung tâm, Giảng viên cùng học viên chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: PTC1

Phần thực hành tập trung vào công tác thí nghiệm định kỳ tại hiện trường, khai thác dữ liệu từ rơ le bảo vệ, xử lý tín hiệu lỗi, thực hành tại phòng thí nghiệm của Trung tâm và phối hợp nghiệm thu các công trình xây dựng điện.

Đối với Lớp thí nghiệm, sửa chữa nhất thứ, nội dung lý thuyết bao gồm sửa chữa và bảo trì các thiết bị quan trọng như máy biến áp, máy biến dòng (TU, TI), máy cắt, dao cách ly, chống sét van… cùng các phương pháp xử lý các lỗi cơ khí, rò rỉ khí SF6, giám sát thi công và đánh giá chất lượng sửa chữa.

Nội dung thực hành được tổ chức cả tại Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 1 và tại hiện trường đào tạo Thái Thụy (Thái Bình), bao gồm mô phỏng tình huống thực tế, làm việc nhóm và phối hợp trực tiếp với các đơn vị đang triển khai công tác trên lưới.

Đặc biệt, sau khóa học, các học viên sẽ trải qua một buổi sát hạch kết quả thực hành, nhằm đánh giá hiệu quả đào tạo và năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Trong bối cảnh hệ thống truyền tải điện không ngừng mở rộng cả về quy mô lẫn công nghệ, việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để đảm bảo vận hành an toàn, liên tục và hiệu quả. Khóa đào tạo lần này là minh chứng cụ thể cho cam kết của PTC1 trong việc chủ động đào tạo nội bộ, phát triển đội ngũ kỹ thuật viên “tại chỗ” có trình độ chuyên môn cao, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống trên lưới điện.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung chuyên sâu và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, khóa đào tạo được kỳ vọng sẽ trang bị đầy đủ kỹ năng, tư duy và công cụ thực tiễn cho lực lượng kỹ thuật viên, góp phần nâng cao chất lượng vận hành và độ tin cậy của hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Minh Kỳ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ptc1-dao-tao-can-bo-tinh-nhue-cho-tram-bien-ap-388419.html
Zalo