TP.HCM muốn 400.000 tài xế công nghệ chuyển sang xe điện, liệu có khả thi?

Việc chuyển đổi sang xe điện theo các chuyên gia cần sự vào cuộc đồng bộ về hạ tầng, chính sách, cũng như những hỗ trợ chi phí mua, thuê lần đầu.

Chuyển đổi xanh là bắt buộc

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn hay xu hướng đơn lẻ, TP.HCM đang ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng, đó là chuyển đổi toàn bộ đội ngũ tài xế công nghệ sang phương tiện chạy điện.

Theo thống kê của lãnh đạo thành phố, hiện đang có khoảng 400.000 xe máy của tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh trên địa bàn.

Để thực hiện đề án chuyển đổi, UBND TP.HCM sẽ lên kế hoạch thu thập ý kiến từ các chuyên gia trong tháng 6, trước khi công bố lộ trình thực hiện cụ thể vào tháng 7/2025.

Hiện tại, những khảo sát thực địa đã được tiến hành, tập trung vào việc xác định nhu cầu triển khai, các địa điểm nghỉ ngơi kết hợp trạm sạc cho tài xế, được xem là những yếu tố then chốt để đảm bảo tính khả thi của kế hoạch.

TP.HCM hiện là "điểm nóng" hoạt động của các nền tảng gọi xe, giao hàng, đồ ăn và chuyển phát hai bánh. Bên cạnh Xanh SM với đội xe điện đồng bộ, các tên tuổi như Grab, Be, ShopeeFood, Ahamove, J&T, Viettel Post, VNPost vẫn đang cho phép tài xế tự do lựa chọn phương tiện, với phần lớn vẫn là xe máy xăng truyền thống.

Nỗ lực xanh hóa giao thông của TP.HCM không chỉ dừng lại ở việc "điện hóa" xe công nghệ. Thành phố còn đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, dự kiến trình trong quý cuối năm nay.

Đề án này tập trung vào các chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho nhiều loại phương tiện khác nhau, từ taxi, xe công nghệ, ô tô khách đến xe công vụ và xe của doanh nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là kiểm soát hiệu quả lượng khí thải, hướng tới hạn chế phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm và huyện Cần Giờ, thậm chí đề xuất chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe điện.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khẳng định mạnh mẽ: "Chuyển đổi xanh là xu thế và nhu cầu bắt buộc, tạo ra giá trị lớn và động lực mới để thành phố phát triển bền vững". Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi xanh, với tổ tư vấn là bước đi đầu tiên.

Không chỉ đơn thuần thay đổi phương tiện, TP.HCM còn đang định hình một hệ sinh thái toàn diện hỗ trợ tài xế sử dụng xe điện, bao gồm các chính sách về thuê pin, trạm đổi pin và bảo dưỡng.

Góc nhìn từ doanh nghiệp trong ngành

Trong bối cảnh TP.HCM thể hiện quyết tâm chuyển đổi sang giao thông xanh, thì các doanh nghiệp trong ngành cũng có những phản ứng và sự chuẩn bị nhất định.

Be Group, một trong những nền tảng gọi xe hàng đầu tại Việt Nam đánh giá cao chủ trương này, xem đây là một phần không thể thiếu trong hành trình xây dựng một hệ sinh thái giao thông xanh, hiện đại và văn minh tại Việt Nam.

"Tại Be, chúng tôi cũng theo đuổi một chiến lược chuyển đổi giao thông bền vững một cách toàn diện", đại diện Be Group chia sẻ. "Điều này không chỉ giới hạn ở việc sử dụng phương tiện xanh mà còn bao gồm thiết kế sản phẩm, tối ưu công nghệ, nâng cấp trải nghiệm người dùng, nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực và bền vững cho cả khách hàng lẫn đối tác tài xế".

Hiện tại, theo thống kê từ Be Group, xe điện chiếm khoảng 10% trong tổng số 500.000 tài xế đang hoạt động cùng nền tảng này.

TP.HCM muốn 400.000 tài xế công nghệ chuyển sang xe điện, liệu có khả thi? Ảnh: DN

TP.HCM muốn 400.000 tài xế công nghệ chuyển sang xe điện, liệu có khả thi? Ảnh: DN

Dự kiến, số lượng xe điện sẽ tiếp tục tăng lên khi Be Group đang tích cực cùng các đối tác trong và ngoài nước để mở rộng nguồn cung xe điện, mang đến cho tài xế nhiều lựa chọn hơn để vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, Be Group cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng tài xế trong quá trình chuyển đổi sang xe điện. Điển hình là sự hợp tác với VinFast để hỗ trợ tài xế Be mua xe máy điện VinFast Feliz S với ưu đãi 4% so với giá niêm yết.

Be Group còn phối hợp với ngân hàng số Cake by VPBank để cung cấp gói vay ưu đãi với lãi suất từ 0% cho tài xế Be mua xe điện VinFast. Với Selex Motors, tài xế được giảm 3 triệu đồng/xe khi mua và hưởng ưu đãi 30% cho gói đổi pin trong năm đầu tiên.

Những nỗ lực hỗ trợ này mang lại nhiều lợi ích đồng thời, gồm tối ưu hóa vận hành và thu nhập cho tài xế nhờ tiết kiệm chi phí nhiên liệu; đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giúp Be phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng ưa chuộng xe điện.

Quan trọng hơn, chiến lược xanh hóa sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế xanh, phù hợp với Nghị quyết 98 của TP.HCM và định hướng phát triển bền vững của quốc gia.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về hạ tầng và chính sách, chẳng hạn như phần mềm tương thích, chi phí pin hợp lý, thời gian và mạng lưới sạc tối ưu.

Những "nút thắt" của xe điện

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam được đánh giá là một "sân chơi" đầy tiềm năng. Với khoảng 3 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành, Việt Nam không chỉ là thị trường lớn nhất mà còn tăng trưởng nhanh nhất (khoảng 30-35% trong năm 2022) trong số các quốc gia ASEAN, đồng thời xếp thứ hai trên toàn cầu.

Thời gian gần đây, cuộc đua cung ứng xe máy điện cũng đang nóng lên với sự tham gia của nhiều thương hiệu, nổi bật là VinFast với dải sản phẩm đa dạng.

Selex Motors thu hút tài xế công nghệ bằng các gói thuê xe kèm pin linh hoạt, trong khi Honda, DatBike, Yadea và Yamaha cũng không đứng ngoài cuộc chơi với những dòng xe điện mới cạnh tranh.

Chủ trương xanh hóa phương tiện giao thông từ phía cơ quan quản lý cũng là một động lực lớn thúc đẩy thị trường xe máy điện Việt Nam. Thực tế, với tỷ lệ người dân sử dụng xe máy xăng thuộc hàng cao nhất thế giới, việc chuyển đổi sang xe điện được xem là một giải pháp trực quan và có tác động rõ rệt nhất đến môi trường.

Không chỉ các nhà sản xuất, mà cả các siêu ứng dụng cũng đang tích cực tham gia vào quá trình này. Grab, Be đều đã thử nghiệm và công bố các hợp tác nhằm khuyến khích tài xế chuyển đổi sang xe máy điện.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố công nghệ liên quan đến việc nạp năng lượng cho xe điện, một trong những rào cản lớn mà các ứng dụng gọi xe đang phải đối mặt chính là chi phí chuyển đổi ban đầu.

Chi phí này không chỉ bao gồm việc thuyết phục tài xế thay đổi thói quen sử dụng xe xăng mà còn liên quan đến việc xây dựng một hệ sinh thái đồng bộ, bao gồm nhà sản xuất xe máy điện, ngân hàng tài trợ vốn và đơn vị chấp nhận bảo hiểm cho xe điện.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xe điện tại Việt Nam chia sẻ, chỉ khi nào các ứng dụng gọi xe xây dựng được một hệ sinh thái ba bên vững chắc xoay quanh xe máy điện, thì việc sử dụng phương tiện này trong vận tải, giao hàng mới thực sự trở nên phổ biến.

"Giá thành xe máy điện hiện tại vẫn tương đối cao so với thu nhập của tài xế", ông nhận định. "Vì vậy rất cần những gói vay ưu đãi dành riêng cho tài xế khi họ có nhu cầu đổi sang xe điện".

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, vị chuyên gia cũng chỉ ra một thách thức không nhỏ khác là đồng thời phải thay đổi hành vi của cả khách hàng lẫn đối tác. "Hiện nay ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường chưa lớn, bởi lẽ đây là các sản phẩm có giá thành cao và chưa mang lại nhiều lợi ích kinh tế rõ ràng, trong khi giá cả vẫn là yếu tố chi phối hàng đầu".

Tuy nhiên, ông cũng đề cập tới những hiệu quả kinh tế mang tính dài hạn mà việc ứng dụng xe máy điện mang lại. Với tài xế, việc sử dụng xe điện giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng.

"Doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí vận hành nếu thành công cung cấp xe máy điện cho đội ngũ tài xế theo quy mô lớn, qua đó thúc đẩy hệ sinh thái hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường", vị chuyên gia nhận định.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tphcm-muon-400000-tai-xe-cong-nghe-chuyen-sang-xe-dien-lieu-co-kha-thi-d40255.html
Zalo