Picasso từng bị hắt hủi tại Paris
Cuốn sách của Annie Cohen-Solal là bức chân dung Picasso với tư cách là một kẻ bị ruồng bỏ về văn hóa. Đó cũng là một bản cáo trạng đối với văn hóa bài ngoại.
Kỷ niệm nửa thế kỷ ngày mất của Pablo Picasso (ngày 8 tháng 4 năm 1973), một số ấn phẩm về danh họa được thực hiện. Và một tác phẩm quan trọng đã xuất bản là cuốn sách Picasso the Foreigner: An Artist in France, 1900-1973 của Annie Cohen-Solal, một tác phẩm dày về dung lượng (600 trang).
Tác phẩm là bức chân dung của Picasso - họa sĩ tiên phong nổi bật của thế kỷ XX - với tư cách là một kẻ bị ruồng bỏ về văn hóa, một kẻ bị coi thường. Đó vừa là một bản cáo trạng đối với nền văn hóa bài ngoại.
Kẻ bị khước từ
Tác phẩm bắt đầu với nghệ sĩ người Tây Ban Nha 19 tuổi, tràn đầy tham vọng trong chuyến đi đầu tiên đến Paris từ Barcelona và tiếp tục sự nghiệp kéo dài bảy thập kỷ của mình.
Hầu hết câu chuyện trong sách, toàn bộ hoặc từng phần, đã được kể, với những nhân vật (nghệ sĩ khác, đại lý nghệ thuật, vợ, người tình), những địa điểm (Tây Ban Nha, Paris, miền Nam nước Pháp), quá trình tương tác, sáng tạo với những thay đổi giữa việc phá vỡ khuôn thước…
Điểm khác biệt của cuốn sách chính là bộ lọc “người ngoài cuộc” mà Cohen-Solal áp dụng. Như để báo hiệu rằng tác giả đang thử nghiệm lĩnh vực mới, Cohen-Solal tự giới thiệu mình ở những trang mở đầu. Chúng ta thấy nữ tác giả đang ngồi trong tòa nhà trống rỗng, lạnh lẽo ở Paris, nơi lưu giữ tài liệu lưu trữ của Sở cảnh sát thành phố, một thùng tài liệu trên bàn trước mặt bà.
Cohen-Solal viết: “Tôi vừa chạm trán với một kẻ tình nghi - một 'người nước ngoài', đến Paris lần đầu tiên vào ngày 25 tháng 10 năm 1900, chỉ để rồi vài tháng sau anh ta bị cảnh sát lần ra dấu vết. Hồ sơ vụ án của anh ấy sẽ tăng lên theo từng năm trong suốt quãng đời còn lại của anh ấy”.
Kẻ tình nghi này là Picasso. Ông bị nghi ngờ chỉ vì không phải người Pháp. Ông sinh ra ở Málaga, theo học nghệ thuật chính thức ở Barcelona và Madrid - nhưng, thực sự, việc ông là người di cư từ bất cứ đâu cũng sẽ tự động bị coi là một mối đe dọa xã hội và văn hóa.
Theo lời kể của Cohen-Solal, tư tưởng bài ngoại của người Pháp là nhân tố chính tạo nên tiểu sử của Picasso, và chính việc bà lần theo dấu vết đó đã khiến cuốn sách của bà trở nên đặc biệt.
Bà trích dẫn các ví dụ, bắt đầu với sự quấy rối của cảnh sát và tiếp tục với điều kiện sống tồi tệ mà Picasso đã trải qua trong những năm đầu tiên ở Paris khi ông sống trong một ngôi nhà xiêu vẹo ở Montmartre được gọi là Bateau-Lavoir. Nơi này đã được lãng mạn hóa, là nơi sinh của Chủ nghĩa Lập thể - chính Picasso đã bày tỏ nỗi nhớ về thời gian ở đó - nhưng đối với Cohen-Solal, nó gợi ý một nguyên mẫu “đáng thương… đầy bọ chét và khốn khổ” của những khu ổ chuột.
Là một công dân nước ngoài, Picasso bị loại khỏi các đặc quyền và sự bảo vệ gắn liền với quyền công dân Pháp. Hoạt động của Picasso bị gạt khỏi đời sống văn hóa Pháp.
Đến người được chào đón
Cuộc cách mạng theo chủ nghĩa lập thể từng bị coi là một hành vi phạm tội không thể tha thứ. Căn cứ vào những tác phẩm của ông, Picasso bị quy kết là "phần tử nổi loạn", nguy hiểm.
Tác giả nhấn mạnh vào việc các cơ sở nghệ thuật chính thức từ chối tranh của Picasso và nói rộng ra là từ chối bất cứ điều gì Picasso đã làm.
Theo Cohen-Solal, trong nhiều thập kỷ, các viện bảo tàng quốc gia hàng đầu của Pháp đã từ chối triển lãm hoặc sưu tầm về ông. Khi Louvre được tặng Les Demoiselles d'Avignon như một món quà vào năm 1929, nó đã bị từ chối. Thay vào đó, bức tranh đã được chuyển đến Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, cũng như một kho tác phẩm vô giá của người khai sinh trường phái Lập thể.
Làn sóng chỉ thay đổi ở Pháp sau Thế chiến thứ hai, khi Picasso, lúc đó là một nhân vật thu hút, bắt đầu tặng các tác phẩm cho các bảo tàng nhỏ của Pháp. Sự hào phóng của Picasso đã gieo mầm vào công chúng, tăng lượng khán giả, truyền bá thương hiệu của họa sĩ.
Cohen-Solal - người đã viết tiểu sử của Sartre và Leo Castelli - chỉ ra một số điểm “khó ưa” trong tính cách của Picasso, nhưng quan điểm của tác giả về Picasso là tích cực, thậm chí là hoan nghênh. Ngay cả khi họa sĩ rõ ràng là có vấn đề, Cohen-Solal vẫn làm giảm nhẹ vấn đề ấy.
Có phải ông là một kẻ cơ hội? Gần như chắc chắn đó là lý do trong thời kỳ Đức chiếm đóng Pháp, ông đã kết thân với Cocteau, có liên hệ với Đức Quốc xã để được bảo vệ. Và có lẽ đó là lý do tại sao, sau chiến tranh, ông rẽ sang một hướng khác và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cohen-Solal gợi ý rằng những động thái có vẻ mâu thuẫn như vậy - mà một số nhà sử học nhận thấy được phản ánh qua sự dao động giữa các giai đoạn cấp tiến và “cổ điển” trong nghệ thuật của ông - có thể được giải thích bằng tính dễ bị tổn thương hiện sinh mà thân phận “người nước ngoài” đã thấm nhuần trong ông.
Picasso nắm bắt được thực tế và áp lực khác biệt của chính mình. Thay vì cố gắng né tránh hoặc hạ thấp nó, ông đã biến nó thành sức mạnh của mình, biến nó thành con người của mình. Vào năm 1959, chính phủ Pháp trao quyền công dân cho Picasso, ông thậm chí không phản hồi đề nghị này.