Phường Xuân Đỉnh: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Xuân Đỉnh được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Xuân Tảo, Xuân Đỉnh (thuộc quận Bắc Từ Liêm), Xuân La (thuộc quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Cổ Nhuế 1 (thuộc quận Bắc Từ Liêm).

Lý do lấy tên phường mới là Xuân Đỉnh bởi Xuân Đỉnh là một phường thuộc quận Bắc Từ Liêm; là một vùng đất cổ nằm ở phía tây bắc kinh thành Thăng Long xưa. Làng lớn ngày nay bao gồm hai làng cổ là: Xuân Tảo “Cáo” và Giàn “Cáo Đỉnh” hợp nhất từ thời kháng chiến chống Pháp 1948 đến nay. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Xuân Đỉnh bảo đảm yếu tố truyền thống văn hóa lịch sử; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Xuân Đỉnh.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Xuân Đỉnh.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Xuân Đỉnh

Phường Xuân Đỉnh giáp các phường: Tây Hồ, Đông Ngạc, Nghĩa Đô, Phú Thượng, Phú Diễn của thành phố Hà Nội. Phường có diện tích tự nhiên là 5,46 km²; quy mô dân số là 48.658 người.

Phường Cổ Nhuế 1 (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 0,38 km²; Quy mô dân số: 4.620 người
Phường Xuân Đỉnh (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,82 km²; Quy mô dân số: 26.209 người
Phường Xuân Tảo (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 2,20 km²; Quy mô dân số: 13.636 người
Phường Xuân La (Quận Tây Hồ): Diện tích: 1,06 km²; Quy mô dân số: 4.193 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Xuân Đỉnh

Phường Xuân Đỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao và giàu tiềm năng phát triển. Kinh tế phường phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề, nhiều thành phần, gắn với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển bền vững của địa phương.

Phường là điểm kết nối giữa khu đô thị cũ và khu đô thị mở rộng phía Tây Hà Nội, nhờ đó, phường trở thành một trong những cửa ngõ kết nối trung tâm Thủ đô với các khu vực phát triển mới. Trên địa bàn có nhiều tuyến đường giao thông lớn như: đường Võ Chí Công, đường vành đai 3... giúp kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận. Việc mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông giúp tăng cường khả năng liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của phường.

Đặc điểm kinh tế phường Xuân Đỉnh

Phường Xuân Đỉnh có đặc điểm kinh tế chủ yếu là phát triển theo hướng dịch vụ và thương mại, với nhiều hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ và các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời, phường cũng có những ngành nghề truyền thống, đặc biệt là các loại bánh mứt Tết và bánh Trung thu, với hương vị đặc trưng của vùng đất này. Phường nổi tiếng với hồng xiêm Xuân Đỉnh, đây là niềm tự hào, món quà quý của người Hà Nội.

Về dịch vụ và thương mại: Phường Xuân Đỉnh có nhiều cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và các hoạt động dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu của cư dân địa phương và các khu vực lân cận.

Xuân Đỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí, hạ tầng và thị trường bất động sản. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của khu vực trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội trong tương lai. Cơ cấu kinh tế chính của phường Xuân Đỉnh dựa chủ yếu vào dịch vụ và thương mại. Phường có nhiều hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực này, bao gồm chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, dịch vụ cho thuê nhà trọ, các quán ăn và dịch vụ vận tải.

Hạ tầng thương mại phát triển với các chợ truyền thống như chợ Xuân Đỉnh II. Ngoài ra phường có nhiều tiện ích thương mại hiện đại, đặc biệt là trong Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn, nơi có các shophouse và trung tâm mua sắm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cư dân.

Đặc điểm văn hóa, xã hội phường Xuân Đỉnh

Phường có nhiều di tích lịch sử văn hóa - lịch sử có giá trị. Một số di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia trên địa bàn phường Xuân Đỉnh như: đền Sóc, nhà thờ và mộ Nguyễn Công Cơ, miếu Vũ, đình Giàn, đình Xuân Tảo .

Di tích đền Sóc (thờ Thánh Gióng) được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Theo truyền thuyết, sau khi đánh tan giặc Ân, trên đường về Thánh Gióng đã nghỉ chân tại nơi đây và từ đó dân làng đã lập đền thờ ngài. Lễ hội đền Sóc diễn ra vào mùng sáu tháng Giêng âm lịch hàng năm và hội lớn được tổ chức 5 năm một lần. Ngoài ra, còn có di tích đình làng Giàn, cây đa Tân Xuân, chùa Táo, miếu Vũ, di tích cách mạng kháng chiến Pháo đài Xuân Tảo.

Di tích Đình làng Giàn: Đình Giàn thờ Lý Phục Man là một tướng thời Lý Nam Đế, có công trong cuộc kháng chiến chống quân Lương ở phương Bắc và Chiêm Thành ở phía Nam, đình đã được xây dựng từ lâu đời và tu sửa nhiều lần. Đình đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1990 .

Miếu Vũ, di tích cách mạng kháng chiến Pháo đài Xuân Tảo: Căn cứ cuốn thần phả và theo truyền thuyết dân gian, thì miếu Vũ có nguồn gốc tạo dựng từ thời Lý. Căn cứ theo khối kiến trúc vật chất và bộ sưu tập di vật còn lưu lại trong di tích như các bức chạm trang trí trên kiến trúc, kiệu rước, ngai thờ, có thể đoán niên đại xây dựng ngôi miếu khoảng thời Lê và được tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn. Vị thánh được thờ ở miếu Vũ là đức Thành hoàng Bản thổ ông Dầu, bà Dầu. Miếu Vũ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2000 .

Hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn phường được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh. Trên địa bàn phường có Bệnh viện Đa khoa Mặt Trời, gần các bệnh viện lớn như: Bệnh viện E, Bệnh viện Nam Thăng Long, phòng khám đa khoa Medlatec Tây Hồ, Thu Cúc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Về giáo dục, trên địa bàn phường hệ thống trường học từ cấp mầm non đến bậc THPT được phân bổ hợp lý, cơ sở vật chất được đầu tư trang thiết bị hiện đại, khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học tập của người dân trên địa bàn. Một số trường tiêu biểu: Mầm non Xuân Đỉnh, Mầm non Xuân Đỉnh A, Mầm non Xuân Tảo, Mầm non Xuân Tảo B, Mầm non Xuân La và các trường mầm non tư thục, tiêu biểu như Trường Mầm non song ngữ Blue Stars Montessori; Tiểu học Xuân Đỉnh, Tiểu học Xuân Tảo, Tiểu học Cổ Nhuế; THCS Xuân Đỉnh, Trường THPT Xuân Đỉnh.

● Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Xuân Đỉnh: Phố Minh Tảo

● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Xuân Đỉnh: đồng chí Nguyễn Tiến Thành

● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh: đồng chí Nguyễn Thường Sơn

● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Xuân Đỉnh: đồng chí Nguyễn Thu Hương.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phuong-xuan-dinh-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344235.htm
Zalo