Phương Tây quyết định sử dụng tiền đóng băng của Nga để trang bị vũ khí cho Ukraine

Phương Tây sẽ sử dụng tiền được tạo ra từ các tài sản tài chính của Nga bị đóng băng ở châu Âu để gửi đến Ukraine, nhằm hy vọng giúp Kiev có thể chống lại được sức tấn công mạnh mẽ của Nga trên chiến trường.

Ngày 24/5, các bộ trưởng tài chính của G7 thảo luận về những cách mới để sử dụng số tiền thu được từ khoảng 260 tỷ euro (282 tỷ USD) dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng sau chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi tháng 2/2022.

Đề xuất của G7 liên quan đến việc cho Ukraine vay tới 50 tỷ USD, trong đó sử dụng chính khoản lợi nhuận và tiền lãi từ tài sản của Nga bị đóng băng ở Liên minh châu Âu làm vật thế chấp.

Điều này có thể mang lại khoản tiền lớn hơn nhiều ngay lập tức cho Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết con số 50 tỷ USD đã được các bộ trưởng G7 thảo luận.

 Binh sĩ Ukraine bắn pháo D-30 về phía quân đội Nga ở vùng Kherson. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine bắn pháo D-30 về phía quân đội Nga ở vùng Kherson. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc phỏng vấn tuần này, bà Yellen cho biết, kế hoạch về cơ bản sẽ mang lại dòng tiền lãi từ tài sản, thông qua một khoản vay và được trao cho Ukraine. Kế hoạch không tịch thu tài sản ngay lập tức. EU lo ngại rằng động thái như vậy sẽ ngăn cản các nước khác giữ tài sản của họ trong khối.

Cuộc họp G7 ở Ý diễn ra chỉ vài tuần sau khi Nga bất ngờ tiến hành cuộc tấn công ở khu vực phía bắc Kharkiv. Khi các cuộc tấn công của Nga ngày càng gia tăng, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho lực lượng vũ trang đang bị dàn trải của Kiev.

Hầu hết số tiền bị đóng băng của Nga được giữ ở châu Âu. Khoảng 2/3 tài sản cố định của Nga, tương đương khoảng 210 tỷ euro, nằm ở EU, chủ yếu tại Euroclear, một tổ chức tài chính chuyên đảm bảo an toàn tài sản cho các ngân hàng, sàn giao dịch và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng thảo luận, EU mới đây cũng chính thức thông qua một thỏa thuận nhằm khai thác lợi nhuận bất ngờ mà Euroclear kiếm được bằng cách tái đầu tư tiền mặt được tạo ra bởi những tài sản đó, chẳng hạn như thanh toán lãi trái phiếu. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến các khoản thanh toán lãi và tài sản đáo hạn không thể được gửi đến Nga.

Theo thỏa thuận của EU, từ 2,5 đến 3 tỷ euro lợi nhuận này sẽ được gửi hàng năm đến Kiev. Khoản thanh toán đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 7, với 90% dành cho vũ khí và thiết bị quân sự.

Việc phân chia quỹ sẽ được xem xét lại hàng năm, bắt đầu từ tháng 1/2025 và có thể chuyển chi tiêu sang tái thiết nền kinh tế nếu cần thiết.

Ủy viên Thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis đánh giá lựa chọn của EU là con đường hợp lý về mặt pháp lý, cũng như linh hoạt trong việc điều chỉnh hỗ trợ theo nhu cầu cấp bách nhất của Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ được coi là nguồn tài trợ nhỏ giọt.

Ngoài việc tịch thu tài sản tích trữ hoặc cho Kiev vay tiền dựa trên lãi suất, phương Tây có thể cân nhắc lựa chọn thứ ba là khoản vay bồi thường. Theo đó, Ukraine sẽ vay tiền từ một nhóm đồng minh, bao gồm cả các thành viên G7, và cam kết làm tài sản thế chấp cho yêu cầu bồi thường từ Nga. Điều này sẽ giúp Kiev tiếp cận được số tiền lớn hơn nhiều so với việc sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ tài sản của Nga.

Theo cơ chế này, Ukraine có yêu cầu bồi thường Nga và trên thực tế, Ukraine sẽ kiếm tiền từ một phần yêu cầu đó bằng cách cam kết đảm bảo khoản vay này từ G7. Nếu Nga không trả tiền bồi thường thì G7 có thể sử dụng tài sản bị đóng băng để thu hồi giá trị khoản vay cho Ukraine. Cơ chế này cũng đảm bảo rằng Nga sẽ gánh một phần chi phí khổng lồ để tái thiết Ukraine.

Ngọc Ánh (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phuong-tay-quyet-dinh-su-dung-tien-dong-bang-cua-nga-de-trang-bi-vu-khi-cho-ukraine-post296830.html
Zalo