Phương án sắp xếp bộ máy TP Đà Nẵng mới sau hợp nhất với Quảng Nam

Thành phố Đà Nẵng mới sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam có 107 xã phường, đặc khu, có diện tích hơn 11.800 km2, dân số hơn 3 triệu người..

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 18-4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết về sắp xếp, sáp nhập tổ chức đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thống nhất thông qua phương án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Cụ thể, thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Nam (có 88 xã, phường) và thành phố Đà Nẵng (có 19 xã phường, đặc khu). Diện tích thành phố Đà Nẵng mới là 11.867,25 km2, dân số hơn 3 triệu người. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện tại.

Thành phố Đà Nẵng mới có phía Bắc giáp với TP Huế, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp Biển Đông.

Trung tâm chính trị - hành chính của TP Đà Nẵng mới đặt tại TP Đà Nẵng hiện tại.

TP Đà Nẵng hiện tại có diện tích chỉ 1.285 km2 với quy mô dân số khoảng 1,3 triệu người

TP Đà Nẵng hiện tại có diện tích chỉ 1.285 km2 với quy mô dân số khoảng 1,3 triệu người

Hiện tại thành phố Đà Nẵng có diện tích gần 1.285 km2, nhỏ nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Quy mô dân số khoảng 1,3 triệu người.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố dự kiến còn 19 đơn vị gồm 15 phường, 3 xã và đặc khu Hoàng Sa. Trước đó, thành phố có tổng cộng 47 đơn vị hành chính cấp xã.

Tỉnh Quảng Nam có diện tích khoảng 10.574 km², quy mô dân số khoảng 1,7 triệu người. Tỉnh này đặt trung tâm hành chính - chính trị tại thành phố Tam Kỳ, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 70km về phía Nam. Theo phương án sắp xếp mới công bố, tỉnh Quảng Nam dự kiến còn 88 đơn vị hành chính cấp xã.

Phương án sắp xếp bộ máy TP Đà Nẵng mới như sau:

1. Sáp nhập nguyên trạng 2 Đoàn đại biểu Quốc hội của 2 địa phương, sau sáp nhập Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng (mới) có 12 đại biểu.

2. Hợp nhất số lượng đại biểu HĐND hiện có của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là 98 đại biểu (trong đó, có 48 đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam và 50 đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng).

Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

HĐND thành phố Đà Nẵng (mới) có 4 ban như sau:

(1) Thành lập Ban Pháp chế trên cơ sở hợp nhất Ban Pháp chế HĐND thành phố Đà Nẵng và Ban pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam.

(2) Thành lập Ban Kinh tế - Ngân sách trên cơ sở hợp nhất Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Đà Nẵng và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam.

(3) Thành lập Ban Đô thị HĐND: Trên cơ sở giữ nguyên Ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng và xem xét, bổ sung đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách vào Phó Trưởng Ban Đô thị để đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ.

(4) Thành lập Ban Văn hóa - Xã hội (trong đó bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc).

3. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng mới

3.1. Sáp nhập 12 sở có tên gọi giống nhau và chức năng, nhiệm vụ tương đồng; đồng thời, giữ nguyên 2 sở khác biệt. Sau khi hợp nhất thành phố Đà Nẵng (mới) có 14 sở như sau: (1) Sở Tài chính, (2) Sở Nội vụ, (3) Sở Xây dựng, (4) Sở Nông nghiệp và Môi trường, (5) Sở Công Thương, (6) Sở Khoa học và Công nghệ, (7) Sở Giáo dục và Đào tạo, (8) Sở Y tế, (9) Sở Tư pháp, (10) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, (11) Văn phòng Ủy ban nhân dân, (12) Thanh tra, (13) Sở Ngoại vụ (14), Sở Dân tộc và Tôn giáo.

3.2. Các đơn vị đặc thù được Chính phủ thành lập

Giữ nguyên 2 ban: (1) Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tiếp nhận chức năng quản lý các khu công nghiệp từ Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam. (2) Đổi tên Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam thành Ban Quản lý các khu kinh tế (chuyển chức năng quản lý các khu công nghiệp về cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng)

3.3. Các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam

(1) Trước mắt giữ nguyên tổ chức bộ máy của 5 ban quản lý dự án, gồm: (1) Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng; (2) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và hạ tầng đô thị thành phố; (3) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp thành phố; (4) Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam; (5) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam.

(2) Đối với các đơn vị sự nghiệp khác và Trường Đại học Quảng Nam, Trường Cao đẳng Quảng Nam và Trường Cao đẳng thành phố sắp xếp như sau:

- Giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy của Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Quảng Nam;

- Giữ nguyên Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh Quảng Nam.

- Sáp nhập, hợp nhất Trường Cao đẳng Quảng Nam và Trường Cao đẳng thành phố thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng.

Tuyến đường Hùng Vương - TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam Ảnh: Cảnh December

Tuyến đường Hùng Vương - TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam Ảnh: Cảnh December

- Thống nhất chủ trương để trao đổi với Đại học Đà Nẵng và xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét chuyển giao Trường Đại học Quảng Nam về Đại học Đà Nẵng.

3.4. Đối với doanh nghiệp nhà nước:

- Hợp nhất, sáp nhập Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết thành phố Đà Nẵng với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Nam.

- Hợp nhất, sáp nhập Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi thành phố Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam

- Giữ nguyên Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai.

4. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

4.1. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội

Sáp nhập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam gồm 9 đầu mối, trong đó có 1 Văn phòng và 8 Ban chuyên môn; 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng (mới).

4.2. Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

Trước mắt giữ nguyên hiện trạng 48 tổ chức Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hiện và sẽ sắp xếp theo Đề án của Trung ương.

5. Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy Đà Nẵng

5.1. Thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng

Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp thành phố sau khi sắp xếp nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo quy định của Trung ương.

5.2. Thành lập các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy

Hợp nhất 5 cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng, gồm: (1) Văn phòng Thành ủy, (2) Ban Tổ chức Thành ủy, (3) Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, (4) Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, (5) Ban Nội chính Thành ủy.

6. Các đơn vị sự nghiệp của đảng trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng

(1) Hợp nhất Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng và Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam thành Trường Chính trị thành phố.

(2) Hợp nhất Báo và Đài Phát thanh Truyền hình thành phố Đà Nẵng và Báo và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Nam thành Báo và Đài Phát thanh Truyền hình thành phố; đồng thời, đề nghị chỉ đạo cơ cấu lại tổ chức bộ máy bên trong đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

7. Phương án sắp xếp tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng (sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh)

7.1. Kết thúc đảng bộ cấp quận, huyện (thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện) và thành lập đảng bộ xã, phường (mới).

Kết thúc hoạt động các đảng bộ cấp quận, huyện và thành lập đảng bộ phường, xã, đặc khu, đồng bộ với 107 xã, phường, đặc khu.

7.2. Thành lập Đảng bộ các cơ quan đảng, đảng bộ Ủy ban nhân dân, đảng bộ Công an, đảng bộ Quân sự, đảng bộ Bộ đội Biên phòng cấp thành phố.

Trần Thường- Bích Vân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phuong-an-sap-xep-bo-may-tp-da-nang-moi-sau-hop-nhat-voi-quang-nam-196250419153659307.htm
Zalo