Phương án nào để phát triển năng lượng sạch và giảm chi phí điện?
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với mức tiêu thụ từ 401 kWh trở lên, nếu sử dụng điện mặt trời mái nhà - năng lượng sạch, người dân có thể giảm chi phí điện.
Sáng ngày 10-4, Báo Người lao động đã tổ chức Tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp".
Sử dụng năng lượng sạch, giảm gánh nặng tài chính
Ông Hà Đăng Sơn - chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết Chính phủ đã đưa ra yêu cầu cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện mặt trời mái nhà.

Báo Người lao động đã tổ chức Tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2025, Chính phủ ban hành Nghị định 56 tập trung vào các quy định chung về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực và Nghị định 58 tập trung vào các cơ chế khuyến khích cụ thể cho từng loại hình năng lượng sạch.
Nghị định này hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng sạch với hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các hoạt động đầu tư. Từ đó, giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) khẳng định chủ đề năng lượng sạch luôn nóng và nhận được sự quan tâm trên toàn cầu. Hiện nay, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trong các doanh nghiệp là một xu hướng, mang tính cấp bách do giá điện hiện tại khá cao dù EVN vẫn đang bán điện dưới giá thành và nhà nước phải bù lỗ.
Chính phủ sẽ có lộ trình điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian tới, vì vậy giải pháp sử dụng năng lượng sạch thực sự cần thiết để giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn. Do đó, Nghị định 58 như là một trợ lực cho doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, hiện nay giới hạn đầu tư cho doanh nghiệp là dưới 1MWp nên thủ tục đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, HUBA kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét điều chỉnh các quy định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng sạch. Đồng thời, hiện nay doanh nghiệp chỉ được bán lại tối đa 20% lượng điện dư thừa cho EVN, trong tương lai có thể nâng tỉ lệ này lên được không?
Đồng hành cùng ngành điện phát triển năng lượng sạch
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết khi sử dụng năng lượng sạch, trong đó có điện mặt trời mái nhà, người dân và doanh nghiệp có thể tự cung cấp một phần điện cho chính mình. Điều này giúp ngành điện giảm áp lực huy động các nguồn điện có giá thành cao, mang lại lợi ích cho toàn hệ thống và góp phần giảm áp lực lên giá điện.
Với người dân có mức tiêu thụ từ 401 kWh trở lên, giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Trường hợp sử dụng điện mặt trời mái nhà có thể giảm đáng kể hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Tương tự đối với doanh nghiệp, nếu phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ giúp họ lập tức giảm chi phí mua điện. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, khi hệ thống điện chịu nhiều áp lực thì hệ thống điện mặt trời mái nhà lại phát ở mức tối ưu, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí điện năng trong dài hạn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp triển khai hiệu quả Nghị định 56 và 58. Trong đó, Nghị định 58 cho phép người dân và doanh nghiệp được bán lại phần điện dư với khoảng 10–20% cho ngành điện với mức giá phù hợp. Quy định này giúp bù đắp một phần chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.
Trước đây, các văn bản pháp lý chưa quy định rõ ràng về việc này, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó khăn trong triển khai. Vì vậy, khi có Nghị định 58, các rào cản pháp lý đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào năng lượng sạch.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết trong suốt thời gian phát triển điện mặt trời, EVNHCMC đã quản lý, tiếp nhận 350MWp với 14.000 khách hàng ký hợp đồng mua bán điện.
Hiện nay, một số doanh nghiệp tự lắp đặt điện mặt trời để tự sản - tự tiêu. Dự kiến thời gian tới, các khách hàng sẽ có khối lượng lắp đặt rất lớn.
Đến nay, với Nghị định 135/2024 và Nghị định 58 mới được ban hành, nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã quay trở lại triển khai điện mặt trời mái nhà. Từ khi có Nghị định 58, đã có gần 500 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất khoảng 46 MWp, tương đương 15% so với giai đoạn trước năm 2021.
Ngành điện TP.HCM rất mong muốn người dân và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành trong việc phát triển năng lượng sạch cũng như áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí sử dụng điện.