Phuối rọi - Áng thơ tình độc đáo của người Tày

Phuối rọi, theo tiếng Tày 'phuối' nghĩa là nói, 'rọi' nghĩa là chuỗi thơ dài liên tiếp, thường có câu 5 hoặc 7 chữ, ngắn dài khác nhau tùy theo ngữ cảnh và chủ đề biểu đạt, không cầu kỳ, gò bó thanh điệu, cấu trúc. Nhưng đặc biệt là nói rất vần, câu sau vần câu trước một cách nhẹ nhàng, thanh thoát đến kỳ diệu. Yếu tố vần gần như quyết định điệu, nói như hát, hát như nói, đó là đặc trưng của loại hình dân ca này.

Phuối rọi xuất hiện từ rất lâu, được hình thành từ cuộc sống lao động của người nông dân Tày, khi họ có nhu cầu giao lưu biểu đạt tình cảm của mình; song đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào xác định rõ thời điểm sinh ra nó. Phuối rọi có thể phản ánh nhiều mặt hiện thực khách quan của xã hội với nội dung phong phú, nhưng chủ yếu được sử dụng phổ biến nhất là giao lưu tình cảm của nam thanh, nữ tú. Trong giao lưu tình cảm, bên cạnh những bài bản có sẵn từ trước, các chàng trai, cô gái còn linh hoạt ứng tác tại chỗ theo từng trường hợp, hoàn cảnh khác nhau, vì thế mà các chương phuối rọi càng dày lên và trường kỳ theo năm tháng. Mỗi lần gặp nhau của các đôi nam, nữ, phuối rọi có thể chia thành 3 cung đoạn gồm: đoạn mở đầu chào hỏi, đoạn tâm tình bên nhau và chia tay hẹn ngày gặp lại, trong đó tâm tình, bày tỏ tình yêu là nội dung chủ yếu và kéo dài thời gian hơn cả.

Hát giao duyên tại Lễ hội cổ truyền dân tộc xã Cách Linh (Quảng Hòa).

Hát giao duyên tại Lễ hội cổ truyền dân tộc xã Cách Linh (Quảng Hòa).

Không gian thể hiện của phuối rọi rất khoáng đạt và đa dạng, những cặp đôi thanh niên nam, nữ có thể gặp gỡ tỏ tình trong dịp lễ hội mùa xuân, lúc nông nhàn và khi có việc vui đến làng bản của nhau. Đặc biệt là hội chợ Háng toán và các phiên chợ 5 ngày một lần, thanh niên nam, nữ thỏa sức trưng diện những bộ trang phục Tày mới tinh thơm mùi chàm xinh tươi. Trai làng gồm là tốp 5 - 7 người sánh vai bên nhau, thấp thoáng gái bản nọ nước da trắng hồng mịn màng, duyên dáng; họ ngắm nhau từ khi dạo chợ một cách e lệ, kín đáo và bằng ánh mắt, nụ cười hướng về nhau đã có ngầm ý như lời hẹn gặp gỡ sau khi chợ tan. Thế là cùng với dòng người lũ lượt trên đường và các nẻo đường từ chợ đi về làng, bản; từng tốp nam, nữ tách nhau ra dùng khăn vẫy lên đồi non, cây bụi lúp xúp trổ hoa và hình thành từng đôi tách riêng ngồi bên nhau tâm sự trong làn gió du dương mát lành. Sau đó, thường thì họ hẹn gặp lại nhau trong phiên chợ tới.

Lần đầu gặp nhau, đôi thanh niên nam, nữ tự tình, khi chưa vào nội dung chính, họ đã dùng ngay thể rọi, người con gái hỏi thăm quê quán chàng trai thật ý nhị, khéo léo: “Pỉ ới, gẳm ngòa noọng phăn gừn đây quả/Khảm mà nâư rộp nả gần đây/Pỉ dú tâừ xâử quây pỉ nỏ/Gạ noọng thỉnh chắc rọ đảy bấu/Sle mừa lăng khảm khau noọng quá”. Tạm dịch: “Anh ơi, đêm qua em mơ hay quá/Nên sáng nay gặp mặt người hiền/Anh ở đâu xa gần, anh nhỉ/Nói em nghe biết rõ được không/Để mai sau vượt đèo em tới”. Nếu như giao tiếp bình thường chỉ cần nói: quê anh ở đâu đấy là đủ. Ban đầu, họ còn bẽn lẽn, e ấp, giữ ý nên ngồi còn xa nhau trên thảm cỏ non, người con trai hồi hộp lúng túng nói nhỏ mà không rõ lời, người con gái dịu dàng nhắc bạn: “Pỉ ơi, hạy phuối rèng/Sle mật mèng thỉnh đuổi”, tạm dịch “Anh ơi, hãy nói to lên/Để ong bướm cùng nghe với”. Câu nói thoáng nghe có vẻ đơn sơ, mộc mạc nhưng lại giàu hình ảnh trữ tình “Để ong bướm cùng nghe với”, đằng sau ẩn ý ấy chính là để em nghe, đây là cách nói ý nhị văn hoa.

Sau phiên chợ, đường về xa nên lấy cớ vào trọ trong làng người con gái, khi được hỏi thăm chàng trai đáp: “Gẳm nẩy slậy pây háng mà đăm/Khen slửa quắt tha vằn bấu tỉeo/Tha văn tẻ khảm kéo khau phia/Tốc đăm slậy khảu mà so tổ”; tạm dịch “Chiều tối nay anh đi chợ về/Tay áo vẫy mặt trời không lại/Mặt trời lặn sau đèo đồi núi/Tối rồi anh xin trọ một đêm”. Họ tâm tình bên nhau, ngỏ lời yêu, chàng đặt vấn đề: “Gần tồn đin nẩy hết kin ngải/ Pỉ so phát rẩy phải slắc đon”; tạm dịch “Người đồn đất này dễ làm ăn/Anh xin phát đám rẫy trồng bông”; người con gái đáp: “Rẩy noọng lẻ rẩy ót nhủng nhèng/Lao pỉ bấu mì rèng biai đảy”; tạm dịch “Rẫy em là rẫy cằn nhom nhem/Sợ anh không đủ sức làm cỏ”.

Khi nói lời yêu, người con gái khiêm nhường ý nhị: “Thân pỉ táy phượng hoàng chang hả/Thân noọng bặng pja phả tâử ne/Gần tâừ mà thọt khe pja phả”; tạm dịch “Thân anh tựa phượng hoàng giữa trời/Thân em như cá cờ dưới rêu/Ai mà đi quăng chài cá cờ”. Hoặc là “Nộc phượng cáp nộc phượng dẳng kha/Nộc phượng tâừ mà xa nộc slẩy/Nộc slẩy chắp co mạy nhả nhùng/Hết rừ mà bên slung chang hả”; tạm dịch “Chim phượng kết chim phượng xứng đôi/Chim phượng nào tìm đến chim ri/Chim ri chỉ đậu trên ngọn cỏ/Làm sao bay ngạo nghễ giữa trời”. Người thiếu nữ dùng hình tượng chim phượng hoàng, chim ri bằng phương pháp so sánh ví von để nói lên lòng mình. Nhưng mạnh mẽ và quả quyết hơn khi đong đầy sức mạnh tình yêu: “Thiên hạ cái gẩu mây nhằng lót/Sloong rà cái gẩu mạy hâử thông/Sle pỉ noọng khửn lồng pây tỉeo/Kéo slung noọng tọn kéo hất tàng/Phja slung pỉ tức lồng hâử tắm/Đảy pây nâư mà gẳm khỏi vuồn”; tạm dịch “Thiên hạ bắc cầu chỉ còn qua/Hai ta bắc cầu gỗ cho thông/Để bà con thuận đường đi lại/Đèo cao em dọn cả làm đường/Núi cao anh hạ cho thấp xuống/Để sáng đi về tối đỡ buồn”.

Đến khi giã bạn, chia tay họ dặn dò nhau, làm sao gìn giữ được tình yêu trọn vẹn: “Slương căn lẻ slương căn hẩu pịom/Slương căn giá thẳm tỏn chang tàng”, tạm dịch “Thương nhau thì thương cho trọn vẹn/Thương nhau chớ đứt gãy giữa đường”. Thời khắc chia tay đã đến, người con gái không muốn rời xa người yêu, họ ngân lên cháy bỏng những câu thơ: “Thai thai noọng bấu píong pỉ mừa/Píong pỉ bặng píong cưa lồng nặm/Píong cưa nhằng đảy chắng lộn rài/Píong pỉ bặng píong hai slip hả/Píong hai nhằng hăn nả bươn pày/Píong pỉ pây tàng quây cách chổn/Pền nộc noọng bân lộn thâng rườn/Bên mừa chắp chang sluôn nả táng/Khửn rườn thêm lồng lảng đảy hăn”. Tạm dịch “Có chết em không buông anh về/Buông anh như bỏ muối xuống nước/Muối xuống nước còn có lắng cặn/Buông anh như buông trăng mười rằm/Trăng mỗi tháng vẫn còn được thấy/Buông anh đi đường xa cách xa/Biến thành chim em bay đến nhà/Bay đến đậu trong vườn trước cửa/Còn thấy anh lên, xuống trong nhà”. Đoạn thơ này khó mà dịch thuật trọn vẹn từ tiếng Tày sang tiếng Kinh chuẩn đúng ngữ nghĩa tình yêu của người con gái dành cho chàng trai khi thật sự xa nhau, lại càng khó để bình phẩm mà thấy hết giá trị nghệ thuật và nội hàm ngôn ngữ. Chỉ biết rằng, tình yêu của họ thật tuyệt vời, dễ làm cho người nghe xúc động, rưng rưng.

Phuối rọi xứng danh là áng thơ tình độc đáo trong văn học dân gian, cần được sưu tầm, nghiên cứu và phát huy.

Lê Chí Thanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phuoi-roi-ang-tho-tinh-doc-dao-cua-nguoi-tay-3173921.html
Zalo