Gia Lai: Đưa cồng chiêng thành sản phẩm du lịch
Nhận thức được giá trị to lớn của văn hóa cồng chiêng cũng như các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên đối với sự phát triển du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của các di sản văn hóa phi vật thể này.
Để tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T'rưng, Goong… tiếp tục ngân vang và góp phần tạo nên thương hiệu du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, việc bảo tồn và phát huy giá trị của chúng là vô cùng cấp thiết. Các nghệ nhân, những người giữ gìn và truyền dạy những giá trị văn hóa quý báu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Nhận thức được điều này, năm 2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã triển khai các hoạt động hỗ trợ 4 Nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm gìn giữ và truyền dạy cho người kế cận. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, 4 Nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ (2 người Ba Na, 2 người Jrai), gồm: A Lip - nghệ nhân chỉnh chiêng (làng Groi Wêt, xã Glar, huyện Đak Đoa); Rơ Châm Tih - nghệ nhân chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai); Đinh Văn Hmưnh - nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng (làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang); Rơ Ô Bhung - nghệ nhân thực hành lễ hội truyền thống, chỉnh chiêng và truyền dạy cồng chiêng (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa).
Trong số 4 nghệ nhân được hỗ trợ, không thể không nhắc đến ông Rơ Châm Tih - một cái tên đã trở nên quen thuộc với người dân Tây Nguyên bởi tài năng chế tác nhạc cụ dân tộc độc đáo. Từ những vật liệu như tre, nứa, đá, dưới bàn tay khéo léo của ông, những chiếc đàn T'rưng, Goong, K'lông Bút hay Ting ning... đã ra đời và ngân vang, mang đậm hồn cốt của núi rừng Tây Nguyên.
Ông Rơ Châm Tih được đại diện các nghệ nhân của tỉnh Gia Lai đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông còn thường xuyên góp mặt trong Đoàn nghệ thuật dân tộc của Việt Nam đến nhiều nước biểu diễn như: Hà Lan, Australia, Đức, Anh…
Không chỉ là một nghệ nhân tài hoa chế tác hàng trăm bộ nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Rơ Châm Tih còn là một người thầy tận tâm, truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò cách làm và chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống. Với ông, việc truyền dạy không chỉ là truyền đạt kiến thức về âm nhạc mà còn là truyền ngọn lửa đam mê, tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu.
"Ở mỗi lần công diễn, tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng về bảo tồn văn hóa dân tộc trước cuộc sống hiện đại. Tôi mong muốn con cháu đời sau sẽ tiếp tục giữ được nghề làm nhạc cụ dân tộc, gìn giữ văn hóa, tôi sẵn lòng chỉ dạy để lưu giữ nét đẹp văn hóa này", nghệ nhân Rơ Châm Tih bộc bạch.
Song song với việc khuyến khích các nghệ nhân có thêm nhiều hoạt động, sáng tạo trong việc trao truyền văn hóa, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai còn triển khai nhiều hoạt động, mô hình tạo mang dấu ấn riêng. Trong đó, nổi bật là chương trình "Cồng chiêng cuối tuần" không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án mà còn mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo cho bức tranh du lịch địa phương.
Hằng tuần, vào tối thứ Bảy, quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku) lại rộn ràng bởi âm thanh của cồng chiêng. Chương trình "Cồng chiêng cuối tuần" đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và du khách, tạo cơ hội để các nghệ nhân Jrai và Ba Na luân phiên trình diễn tài năng, giới thiệu nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Chương trình góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đưa âm thanh truyền thống đến gần hơn với cộng đồng. Tiếng cồng chiêng, một bản giao hưởng của núi rừng, đã trở thành linh hồn của Tây Nguyên, gắn kết con người với thiên nhiên và là biểu tượng tự hào của cộng đồng. Hơn thế, âm thanh của cồng chiêng còn là yếu tố thu hút du khách đến khám phá vẻ đẹp hoang sơ và văn hóa độc đáo của vùng đất Gia Lai.
Bà Đinh Thị Khóp, Đội trưởng Đội Cồng chiêng nữ làng Leng (Tơ Tung, Kbang, Gia Lai), cho biết: "Theo tập tục của người Ba Na, phụ nữ không được đánh cồng chiêng. Nhưng với tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, chúng tôi thuyết phục mọi người, già làng đồng ý cho phụ nữ đánh chiêng, vậy là Đội Cồng chiêng nữ làng Leng được thành lập với gần 60 thành viên. Từ trình diễn trong các ngày hội, lễ ở làng, chúng tôi đã được biểu diễn ở không gian phố phường, đông đảo người xem. Chúng tôi cũng rất tự hào về văn hóa dân tộc mình".
Du khách đến tham dự chương trình "Cồng chiêng cuối tuần" còn được thưởng thức các tiết mục trình tấu cồng chiêng kết hợp múa truyền thống, hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng trích đoạn các nghi lễ, lễ hội truyền thống…
Ngoài những chương trình trên, thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khác như phục dựng, tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Ông Trần Ngọc Nhung, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết: Mục tiêu của Dự án 6 là bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Vì vậy, đơn vị đã tập trung nguồn lực của dự án cho cộng đồng các DTTS. Từ đó, chủ nhân văn hóa tiếp tục bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc theo hướng tự nhiên và bền vững.