Phùng Thị Hương Ly, hạt thóc mở ra ý niệm

1. Khi Phùng Thị Hương Ly, nhà thơ 9X từ núi rừng Bắc Kạn bước ra sân khấu lộng lẫy của đêm thơ Rằm Nguyên tiêu 2025, với chủ đề “Tổ quốc bay lên” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thành phố Hoa Lư (Ninh Bình), tôi nhớ mấy câu thơ này của chị. Phùng Thị Hương Ly nhỏ nhắn, trong sắc phục dân tộc Tày bước ra kiêu hãnh.

Mặt trời nhìn người Tày thương nhau / Mái ngói âm dương mưa nắng chụm đầu / Lòng khắc ghi lời tiên tổ / Xà tích qua bản còn vọng thổ âm / Vòng bạc đơm hoa trên cổ cao ba ngấn”, Phùng Thị Hương Ly đọc bài thơ “Bài ca của núi”, xác tín bài ca của núi, con chim sơn ca của núi.

 Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề "Tổ quốc bay lên" do Hội Nhà văn tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.

Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề "Tổ quốc bay lên" do Hội Nhà văn tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.

Phùng Thị Hương Ly – tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024 còn trẻ, nếu không muốn nói là rất trẻ, nhưng thơ đầy chiêm nghiệm. Điều đáng quý là chiêm nghiệm bước ra từ những điều gần gũi, thuộc về cố thổ, cuộc sống xung quanh bản thân mình.

Tuy tuổi còn trẻ, nhưng Phùng Thị Hương Ly đã từng bước khẳng định giọng điệu trên văn đàn và đã kịp nhận về nhiều giải thưởng. Đi qua tôi thật chậm của chị đã đạt giải Khuyến khích của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2014). Cùng năm, chùm thơ “Câu chuyện mùa mưa”, “Nhớ Pá” đoạt giải Khuyến khích cuộc thi thơ do tạp chí Người Hà Nội tổ chức. Chùm thơ “Trên những hố bom”, “Thổ Sơn”, “Viết ở Tiểu đoàn 804” của chị đã được Tạp chí Văn nghệ quân đội trao giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ năm 2021 – 2022.

 Tập thơ "Dưới vòm hoa đại khải" năm 2023, Phùng Thị Hương Ly đã được vinh danh với Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tập thơ "Dưới vòm hoa đại khải" năm 2023, Phùng Thị Hương Ly đã được vinh danh với Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Đặc biệt, với tập thơ Dưới vòm hoa đại khải, năm 2023, Phùng Thị Hương Ly đã được vinh danh với Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây mới là tập thơ thứ 2, sau tập thơ Đi qua tôi thật chậm, xuất bản cách đó 10 năm. Đó hẳn là dấu mốc trưởng thành của chị trên hành trình sáng tạo.

Không chỉ trong sáng tác thơ, nhà thơ Phùng Thị Hương Ly còn thành công trong các thế loại truyện ngắn, bút ký, tùy bút. Chị từng nhận được giải thưởng qua các cuộc thi viết của báo Thanh Niên, Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh và giải ở địa phương Bắc Kạn.

Viết là tìm đến những cái mới, tạo ra những thông điệp mới, hoặc ít nhất là làm tươi lại những chuyện đã cũ… Đó chính là vấn đề được đặt ra đối với người viết, Phùng Thị Hương Ly đã làm được điều này, biết “thi ca hóa” những “câu chuyện cuộc sống” tưởng như đã cũ.

2. Tại Ngày thơ Việt Nam năm 2025, như đã nói, tôi mới chính thức được gặp gỡ Phùng Thị Hương Ly ngoài đời. Tại sự kiện này, chị tặng tôi tập thơ Dưới vòm hoa đại khải, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2023.

 Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly trong trang phục truyền thống dân tộc Tày tự tin đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam năm 2025.

Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly trong trang phục truyền thống dân tộc Tày tự tin đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam năm 2025.

Tập thơ gồm 32 bài thơ. Lướt qua mục lục đã biết Phùng Thị Hương Ly viết về cố thổ, về cộng đồng dân tộc mình. “Hoa chuối đỏ”, “Người canh nương”, “Ngày xuân bên bếp lửa”, “Trên núi”, “Nắng bên kia đồi”, “Bên kia núi”... Đọc thơ Phùng Thị Hương Ly, tôi nhớ đến nhà thơ Nga Gamzatov, hiểu vì sao ông dành cả cuộc đời sáng tạo của mình để viết về Ddaghexxtan của mình. Và nhớ nhà thơ Trần Quang Quý với câu nói: “Không ai bứng được tôi ra khỏi cố hương”.

Sông Năng mùa tôm cá/ Thuyền độc mộc khua bóng nhà sàn/ Mái ngói nâu mặc nhiên tỏa khói/ Dòng nước chảy về từ trăm năm/ Rượu men lá lên hương/ Trăng loang trên nghìn giọt chưng cất/ Trầm tích nào giấu bí mật hồ xanh”, (Trên núi).

Đọc bài thơ này của Phùng Thị Hương Ly, không ai không nhớ đến sông Năng. Đó là con sông, về tự nhiên, khởi nguồn từ nhiều khe suối nhỏ cả trên phần đất Cao Bằng và Bắc Kạn, qua hồ Ba Bể. Từ ngã ba giao với hồ Ba Bể, sông Năng có khoảng 4km chảy trên đất Bắc Kạn trước khi đổ về Tuyên Quang. Đây là đoạn sông rất đẹp, hòa mình giữa thiên nhiên hùng vĩ.

 Thơ Phùng Thị Hương Ly đầy chiêm nghiệm. Đáng quý là chiêm nghiệm bước ra từ những điều gần gũi, thuộc về cố thổ, cuộc sống xung quanh bản thân mình.

Thơ Phùng Thị Hương Ly đầy chiêm nghiệm. Đáng quý là chiêm nghiệm bước ra từ những điều gần gũi, thuộc về cố thổ, cuộc sống xung quanh bản thân mình.

Với Phùng Thị Hương Ly đó là “Dòng nước chảy về từ trăm năm”, “Trên núi” bên dòng Năng, nấm hương, thân gỗ mục, khăn chàm, đồi lau, tôm cá, rượu men lá... trở thành không gian nghệ thuật. Thế nhưng, trong không gian ấy, có trăn trở của nhọc nhằn, thân phận: “Tiếng kèn lá vi vu/ Giấc mơ bay qua đỉnh núi”; “Những tấm vải nhuộm màu đêm ba mươi / Ngấm trọn biếc rờn của cây và nỗi nhọc nhằn vui sướng”.

...

Những người lên núi

Bước đi trong thao thức mùa màng

Tai măng bật lên đắng ngọt

Núi bốn mùa gió lộng thênh thang

(Trên núi)

Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly từng chia sẻ: “Viết về quê hương, dân tộc miền núi, bản sắc truyền thống vừa là thế mạnh song cũng là hạn chế của tôi”. Chị cắt nghĩa “thế mạnh” , bởi được sinh ra và sống trong bản làng của người Tày; và “hạn chế” là không được chứng kiến và trải nghiệm trực tiếp trong không gian đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Nguyên nhân, những dấu ấn bản sắc đang dần phai mờ theo năm tháng.

Chị cho rằng, “điều đó khiến tôi cảm thấy tiếc nuối...". Trong câu nói của chị có trăn trở. Đây là câu chuyện không chỉ từ những lát cắt đời sống, mà nó hiển thị những “lỗ hồng” ở tầm vĩ mô; thảng thốt sự mất, còn của bản sắc trước “cơn lốc” thực dụng.

Viết về cố thổ, quê hương, nơi mỗi nhà thơ sinh ra và lớn lên là bổn phận của người sáng tạo. Bản sắc nhà thơ khó tách rời cố thổ. Gamzatop từng tự vấn: “Chẳng lẽ cái làng Đaghextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo...?”. Và ông khẳng định, đẹp hơn là chắc chắn rồi. Với ông mỗi lần trở về làng “Trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”. Ông buồn vì nhiều người sinh ra ở Đaghextan, nhưng khi đến Matxcova quên mất tiếng Avar bản địa.

3. Với các tác giả trẻ, hẳn nhiên, tạo nên được cách “lập ngôn” bao giờ cũng là đích phấn đấu. Phùng Thị Hương Ly nói về những điều giản dị nhưng luôn làm bật lên vẻ đẹp khác lạ từ những điều giản dị. “Những chú trâu mê mải gặm măng tươi / Chúng hối lỗi ngước nhìn về phía chủ/ Trên lối mòn đi về bản nhỏ/ Người vừa đi vừa đếm sao rơi”, (Chăn trâu).

...

Những đứa trẻ làng bé như cây nấm

Hò nhau lên bãi trống trên đồi

Trượt cỏ may cả ngày không chán

Ngã lăn lóc rồi vẫn cứ chơi

Biết thế nào về cũng bị phạt

Nhưng chúng đánh cược bằng niềm vui

(Nắng bên kia đồi)

Thơ Phùng Thị Hương Ly có vẻ đẹp thuần khiết, hồn nhiên, trong trẻo; tuy nhiên những ẩn dụ trong thơ chị ám gợi. Trong mỗi bài thơ đều bật lên những ẩn dụ của thông điệp. “Những cánh chuồn chẳng bao giờ say nắng / Lượn vòng quanh cũng hết buổi chiều / Người đàn bà gánh măng xuống núi / Gánh cả nỗi niềm liêu xiêu”, (Nắng bên kia đồi).

Dường như, mỗi tác phẩm của Phùng Thị Hương Ly đều bước ra từ sâu thẳm tâm hồn chị, và những ý niệm vượt thoát ra khỏi vùng biên của nội cảm để rồi thành thơ, cất lên ước vọng bao đời… của bà con dân tộc mình, quê hương mình. “Đá ngoài suối vẹt mòn/ Cây trên núi bấy nhiêu lần héo hon rồi lại mọc lên chồi biếc/ Câu hát vẫn vẹn nguyên như xưa”, (Gọi mãi câu thương).

Nói như nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, thơ ca có giá trị đối với đời sống ở chỗ, con người biết vịn vào sự tử tế do thơ ca mang đến. Phùng Thị Hương Ly cứ thế, từ hạt thóc mở ra ý niệm, như một câu thơ trong bài thơ “Mơ trung du” của chị./.

Tháng 2/2025

Ngô Đức Hành, đồ họa: Ngọc Hiển

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/phung-thi-huong-ly-hat-thoc-mo-ra-y-niem-post69267.html
Zalo