Phum sóc rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm 2025, sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/4 với nhiều hoạt động ý nghĩa, vui tươi. Trong niềm vui được mùa, đồng bào Khmer đang đón Tết ấm áp, đậm đà bản sắc dân tộc.
Không khí tết rộn ràng, sung túc
Có dịp về với đồng bào Khmer ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... mới cảm nhận được không khí đón Tết truyền thống của đồng bào. Những ngày qua, khi đi từng phum, sóc sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền của đồng bào Khmer. Các gia đình Khmer, ngoài giờ lao động, sản xuất, đều tranh thủ sửa soạn, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa khang trang, sạch đẹp.

Một gia đình Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu làm bánh gừng đón tết. Ảnh: Nguyên Du
Theo phong tục, trước tết ít ngày, nhiều người vào chùa vệ sinh, làm mới lại nơi cất giữ hài cốt của tổ tiên, ông bà nhằm thể hiện đạo hiếu của con cháu và cầu mong sẽ được phù hộ những điều tốt đẹp trong năm mới.
Khác những năm trước, gia đình bà Thạch Thị Ngọc Phượng ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, rộn ràng, sung túc hơn. Ngoài gói bánh, mời hàng xóm đến chung vui, bà còn mua dàn karaoke để giải trí trong dịp này. “Năm nay, kinh tế gia đình tôi khấm khá, nên đón tết cũng lớn hơn, tươm tất hơn”, bà Phượng khoe.

Kéo co, bịt mặt đập nồi, nhảy bao bố là những trò chơi dân gian được bà con Khmer yêu thích. Ảnh: Nguyên Du
Theo bà Phượng, cuộc sống gia đình trong những năm gần đây khá đủ đầy, nhờ lúa màu liên tục được mùa, được giá. Bên cạnh sự nỗ lực của gia đình, có được kết quả này còn có sự giúp đỡ, quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương trong phát triển sản xuất.
Anh Triệu Thanh Thal ở ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu cho biết: Vì vậy, gia đình tôi đã tạm gác công việc ở TP Hồ Chí Minh để được sum họp bên người thân, họ hàng trong những ngày tết Chôl Chnăm Thmây. "Ngoài việc được tham gia các nghi lễ, hoạt động vui chơi trong dịp tết thì đây còn là cơ hội để giữ “lửa” hạnh phúc gia đình thông qua những phút giây cùng nhau dọn nhà, chuẩn bị cúng tổ tiên, làm các món bánh truyền thống… Từ đó, vun đắp thêm tình yêu thương, nhắc nhở con cháu biết trân trọng, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của tết Chôl chnămthmây”, anh Thal chia sẻ.
Các chùa trang hoàng rực rỡ đón Tết
Với người Khmer, chùa là nơi để đồng bào thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp vào dịp lễ, tết. Do đó, không khí Tết Chôl Chnăm Thmây vào những ngày này ở tất cả các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng không kém phần trang trọng, vui tươi.

Chùa Hộ Phòng Cũ TX Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu sơn phết các công trình nghệ thuật kiến trúc mừng tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: Nguyên Du
Tại các chùa như Hộ Phòng Mới, TX Giá Rai, chùa Xiêm Cán TP Bạc Liêu hay Cái Giá Giữa huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu tết đã tràn về trong sắc màu rực rỡ của cờ hoa, vẻ đẹp của các công trình nghệ thuật kiến trúc. Cùng với đó, các nghi lễ quan trọng như: lễ rước Đại lịch, lễ đắp núi cát, lễ tắm Phật, lễ cầu siêu được các chùa chuẩn bị chu đáo để phần lễ diễn ra trang trọng và góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp tín ngưỡng tôn giáo.

Quý sư sãi thực hiện nghi lễ tắm Phật. Ảnh: Nguyên Du
Điểm nhấn trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay là chùa làm sân khấu để rước phạm thiên và là nơi biểu diễn văn nghệ; tổ chức nhiều trò chơi dân gian kéo co, đua vỏ lãi,…
Hòa thượng Tăng Sa Vong, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu cho biết, Những năm qua được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam các cấp, trong đó, có Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tích cực, đạt được nhiều thành quả to lớn trên tất cả lĩnh vực tiếp tục tạo uy tín, vị thế của Phật giáo như ngày nay. Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh các Sở, ngành và chính quyền địa phương đã tập trung tổ chức thực hiện, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt an sinh xã hội cho nên đời sống vật chất tinh thần của đồng bào, sư sãi Khmer không ngừng cải thiện và nâng lên về mọi mặt. Các văn hóa lễ hội của đồng bào được quan tâm và tổ chức trọng thể đúng theo nghi lễ, phong tục tập quán của đồng bào.

Chùa là nơi diễn ra nhiều nghi thức, hoạt động phong phú của đồng bào Khmer trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: Nguyên Du
Riêng năm 2024, tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ vận chuyển và đóng mới nhiều ghe Ngo chùa KosThum từ Campuchia về chùa với kinh phí 550 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa lò hỏa táng chùa Chệt Sĩa 150 triệu đồng; tiếp nhận nhiều đề xuất hỗ trợ sửa chữa, đầu tư, xây dựng theo nhu cầu của các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, dự kiến hỗ trợ thêm nhiều công trình trong năm 2025.
Ngoài ra, được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, có 21 chùa Phật giáo Nam tông Khmer được cải tạo, trùng tu, xây dựng đúng với kiến trúc, văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ với tổng kinh phí trên 20 tỷ 686 triệu đồng, từng bước đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó không chỉ tạo được niềm tin, niềm phấn khởi trong đồng bào, sư sãi mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức sau vụ mùa thu hoạch, mừng mùa tươi tốt và cầu một năm mới bình an, đời sống ấm no, sung túc. Ảnh: Nguyên Du
Dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025, chính quyền và các sở, ban, ngành tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống đã và đang tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các điểm chùa, Ban quản trị, Ban hoằng pháp, các vị sư, sãi, achar, hộ nghèo, hộ cận nghèo, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang là người dân tộc Khmer… vừa chúc Tết vui tươi vừa động viên đồng bào Khmer tiếp tục làm ăn phát triển kinh tế.