Bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật: Việc không dễ (Bài 2): Chuyện về những người hiến tặng hiện vật
Những năm qua, phong trào hiến tặng hiện vật cho các bảo tàng, đơn vị nghiên cứu văn hóa - lịch sử ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó có những người đã dành toàn bộ kỷ vật và cả những phần thưởng cao quý của cuộc đời mình trong những năm tháng chiến tranh, với mong muốn trao truyền lại lịch sử cho thế hệ mai sau.

Nhiều cá nhân tích cực tham gia hiến tặng hiện vật, làm phong phú thêm các không gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: PV
Đến Bảo tàng tỉnh tìm hiểu về những tấm gương tiêu biểu trong việc hiến tặng hiện vật, chúng tôi không khỏi xúc động trước tấm gương của người lính kiên trung của Đoàn tàu không số Đồng Xuân Chế (sinh năm 1936, quê thị xã Nghi Sơn). Được biết, ngày 19/2/1961, ông nhập ngũ và bắt đầu hành trình cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tháng 9/1970, ông được điều động làm thuyền phó 1 trên tàu 54, thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 125. Với tinh thần dũng cảm và sự mưu trí, ông Đồng Xuân Chế nhanh chóng khẳng định được năng lực chỉ huy. Năm 1971, ông được tín nhiệm giao trọng trách thuyền trưởng tàu 56, sau đổi thành tàu 649 thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 125. Trong suốt những năm tháng chiến đấu gian khổ, ông cùng đồng đội đã vượt qua biết bao hiểm nguy, đối mặt với kẻ thù và sự khắc nghiệt của thiên nhiên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau chiến tranh, đầu năm 1976, ông trở về tham gia phát triển kinh tế tại địa phương. Với tấm lòng trân trọng lịch sử và mong muốn trao truyền lại tinh thần yêu nước, năm 2017 ông Đồng Xuân Chế đã trao lại toàn bộ kỷ vật và những phần thưởng danh giá nhất của cuộc đời mình gồm: bộ quân phục sĩ quan hải quân; mũ hải quân; Huy hiệu người cao tuổi Việt Nam; Huy hiệu Hội Cựu chiến binh Việt Nam; logo Đường Hồ Chí Minh trên biển, đoàn tàu không số; Huy hiệu thuyền trưởng; kỷ niệm chương “Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn 19/5/1959”; kỷ niệm chương “Đường Hồ Chí Minh trên biển 23/10/1961”; kỷ niệm chương Hải quân Việt Nam “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo 7/5/1955”; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì; Huy hiệu Chiến sĩ giải phóng; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang Việt Nam hạng Nhất, Nhì, Ba... cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Nghĩa cử cao đẹp ấy không chỉ thể hiện phẩm chất cao quý của một người lính Cụ Hồ mà còn là một bài học sâu sắc đối với thế hệ trẻ về lòng yêu nước, sự hy sinh.
Còn với ông Nguyễn Hữu Ngôn (Hoằng Hóa), nhiều người vẫn thường gọi với cái tên thân mật “ông Ngôn cổ vật”. Trong suốt hành trình hơn 35 năm theo đuổi niềm đam mê sưu tầm hiện vật cổ, ông đã sở hữu hàng nghìn hiện vật như xe đạp cổ, đèn dầu cổ, đồng hồ cổ, tem thư qua các thời kỳ... Trong đó, số lượng hiện vật chiếm phần lớn trong kho sưu tầm của ông là những nông cụ gắn với cuộc sống thường ngày của người dân vùng quê Bắc bộ, tập trung vào các nhóm nông cụ sản xuất, đánh bắt, bảo quản và chế biến trong nông nghiệp, ngư nghiệp. Mỗi hiện vật đều được ông giữ gìn cẩn thận, có ghi chú nguồn gốc rõ ràng, thể hiện sự trân trọng và ý thức trách nhiệm cao với lịch sử. Trân trọng và dành nhiều thời gian, tâm huyết là thế, nhưng ông không giữ lại cho riêng mình, ông đã hiến tặng hàng trăm hiện vật có giá trị cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa... Trong đó có nhiều hiện vật quý giá của ông và gia đình như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân; con dấu Hợp tác xã; xe đạp; sách...

Ông Nguyễn Hữu Ngôn trao tặng lại chiếc xe đạp thời kỳ bao cấp cho Bảo tàng tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở việc hiến tặng, “ông Ngôn cổ vật” còn tích cực tham gia các buổi trưng bày, nói chuyện truyền thống vào mỗi dịp tọa đàm kỷ niệm “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam” do Bảo tàng tỉnh tổ chức. Với giọng nói mộc mạc, chân thành, ông say sưa kể lại những kỷ niệm về những chuyến đi sưu tầm hiện vật. “Có những món đồ tôi phải mất rất nhiều thời gian, có khi phải mất cả tháng đi lại và tiền của để thuyết phục mới sở hữu được. Mỗi lần như thế tôi cảm thấy rất trân trọng và quý món đồ mà mình mua được. Nhưng “cho đi là còn mãi” chính là cách để bảo vệ, bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất những giá trị văn hóa vật thể mà các thế hệ cha ông đã để lại”, ông Ngôn chia sẻ.
Cùng mang trong mình tình yêu sâu sắc với văn hóa quê hương, ông Cao Bá Các là người sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở xã Vân Sơn (Triệu Sơn). Dù đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn miệt mài rong ruổi khắp các vùng quê để tìm kiếm những cổ vật có giá trị gắn liền với văn hóa - lịch sử quê hương, đất nước. Ông chia sẻ rằng, nhiều hiện vật ông tìm thấy rất tình cờ trong cuộc sống hàng ngày, nhờ vào kiến thức và sự hiểu biết nhất định về khảo cổ, ông đã nhận ra giá trị của những hiện vật bé nhỏ tưởng chừng như là đồ bỏ đi.
Trong suốt hàng chục năm, ông Cao Bá Các đã sưu tầm được hàng trăm hiện vật có niên đại từ thời Đông Sơn, thời Lý - Trần đến thời Nguyễn. Những chiếc rìu xòe cân, rìu lưỡi xéo, bát chiết yêu, ăng-gô, ấm chén... Đây thực sự là những báu vật vô giá đối với các nhà sưu tầm cổ vật như ông. Thay vì giữ cho riêng mình hay bán ra thị trường, ông chọn cách trao gửi lại cho Bảo tàng tỉnh để các hiện vật được bảo quản và phát huy giá trị một cách tốt nhất. Cùng với đó, ông còn thường xuyên tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương khi phát hiện hiện vật cần thông báo cho chính quyền địa phương hoặc Bảo tàng tỉnh để có phương án xử lý phù hợp. Đóng góp của ông đã góp phần không nhỏ vào việc phát hiện và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời ở vùng đất Triệu Sơn nói riêng, quê hương Thanh Hóa nói chung.
Ba con người, ba câu chuyện, ba hành trình khác nhau nhưng họ đã gặp nhau ở một điểm chung đó là tình yêu quê hương, đất nước, sự trân trọng giá trị văn hóa - lịch sử và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương nhận định: “Các ông Đồng Xuân Chế, Nguyễn Hữu Ngôn và Cao Bá Các là 3 trong số gần 20 cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho kho tàng tư liệu, hiện vật của Bảo tàng tỉnh. Trong đó có những tấm huân, huy chương tiêu biểu, hiện vật tiêu biểu của chính cá nhân người hiến tặng đã giúp bổ sung vào các nhóm tư liệu, hiện vật mà Bảo tàng tỉnh chưa có. Với tinh thần “hiến tặng để bảo tồn”, những tấm gương này chính là điểm tựa để lịch sử được tiếp nối và những giá trị truyền thống tiếp tục bảo tồn, phát huy”.