Phục hồi chức năng sau đột quỵ: Tiến hành sớm giúp bệnh nhân giảm di chứng nặng nề

Theo tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), có tới 12 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm, trong đó khoảng 7,3 triệu ca tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật vĩnh viễn.

Ở Việt Nam hiện nay mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ ngày càng giảm nhưng số lượng người bệnh bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng với nhiều di chứng nặng nề.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp bệnh nhân lấy lại khả năng vận động và tái hòa nhập với cộng đồng.

Số lượng người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Ảnh: Xinhua

Số lượng người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Ảnh: Xinhua

Các giai đoạn phục hồi chức năng bệnh nhân đột quỵ

ThS.BS Nguyễn Thị Dung, Trưởng khoa Vật lí trị liệu và Phục hồi chức năng, bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết đột quỵ gây ra nhiều khiếm khuyết cũng như để lại rất nhiều biến chứng nặng nề nguy hiểm.

Thống kê cho thấy chỉ 25 – 30% người bệnh sau đột quỵ có thể tự đi lại phục vụ bản thân, 20 -25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15 – 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Các khiếm khuyết gặp phải sau đột quỵ bao gồm rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ (thất ngôn), rối loạn nuốt, rối loạn nhận thức…

ThS.BS Nguyễn Thị Dung chia sẻ vai trò quan trọng của phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân đột quỵ tại Hội thảo Quản lý đột quỵ toàn diện, tháng 4/2025. Ảnh: G.Võ

ThS.BS Nguyễn Thị Dung chia sẻ vai trò quan trọng của phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân đột quỵ tại Hội thảo Quản lý đột quỵ toàn diện, tháng 4/2025. Ảnh: G.Võ

Theo WHO, phục hồi chức năng là một quá trình can thiệp nhằm cải thiện chức năng và giảm tàn tật của người bệnh trong điều kiện sức khỏe có sự tương tác với môi trường sống của họ. Phục hồi chức năng bệnh nhân đột quỵ có thể chia thành 3 giai đoạn:

- Chăm sóc cấp cứu tại các đơn vị đột quỵ não và phục hồi chức năng sớm trong những giờ đầu tiên.

- Chuyển bệnh nhân đến các cơ sở phục hồi chức năng chuyên khoa hoặc về nhà.

- Phục hồi chức năng cộng đồng và tái hòa nhập.

Cần một chương trình phục hồi phối hợp

Điểm quan trọng của phục hồi chức năng là đưa ra một chương trình phối hợp từ nhóm chuyên gia đa ngành: bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu và chuyên ngành dinh dưỡng. Nhóm phục hồi có thể mở rộng thêm các chuyên ngành khác như tâm lý, dược sĩ lâm sàng.

BS Nguyễn Thị Dung chia sẻ về một ca bệnh đột quỵ của một người bệnh nước ngoài, gần 70 tuổi, bị đột quỵ trong chuyến du lịch tại Việt Nam. Khi được người nhà phát hiện trong trạng thái bất tỉnh và đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, được chẩn đoán nhồi máu não, chỉ định can thiệp lấy huyết khối cấp cứu.

Hình ảnh chụp MRI sọ não người bệnh cho thấy tình trạng nhồi máu diện rộng

Hình ảnh chụp MRI sọ não người bệnh cho thấy tình trạng nhồi máu diện rộng

Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển về khoa hồi sức tích cực trong trạng thái huyết động ổn định. Bệnh nhân tỉnh táo sau 4 ngày hồi sức tích cực và được đánh giá về hoạt động chức năng như sau: Rối loạn nhận thức và thất ngôn toàn bộ, rối loạn nuốt, liệt nửa người phải hoàn toàn và đại tiểu tiện không tự chủ kèm theo có viêm phổi.

Nhóm chuyên gia bao gồm các bác sĩ thần kinh, tim mạch, hô hấp, dinh dưỡng, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng đã cùng tham gia vào quá trình điều trị sau phẫu thuật. Các chuyên gia vật lý trị liệu đã tiến hành tập phục hồi chức năng sớm tại giường cho người bệnh bao gồm tập nuốt và tập phục hồi chức năng hô hấp – vận động.

Sau 2 tuần khởi phát đột quỵ, người bệnh có thể ăn bằng đường miệng, thông khí phổi tốt, đứng bằng khung chữ U có giám sát của người chăm sóc và đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe để bay về nước. Sự phối hợp điều trị liên chuyên khoa và sự nỗ lực của người bệnh đã mang lại kết quả tích cực này.

Vận động sớm: Chìa khóa quan trọng trong phục hồi

Xuất phát từ quan điểm hợp lý trong định nghĩa của WHO, phục hồi chức năng sau đột quỵ não cần được tiến hành càng sớm càng tốt.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Ảnh: G.Võ

Phục hồi chức năng sau đột quỵ cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Ảnh: G.Võ

Các nghiên cứu trong những năm gần đây như nghiên cứu tổng quan Cochrane đã chỉ ra rằng, vận động sớm là bước không thể thiếu trong phục hồi chức năng và nên bắt đầu trong 24 giờ đầu tiên sau khi khởi phát đột quỵ. Tuy nhiên, BS. Nguyễn Thị Dung lưu ý thêm, thử nghiệm mới gần đây có tên là AVERT trên 2.500 người bệnh đã chỉ ra rằng vận động sớm có thể tiến hành trong 24 giờ đầu tiên nhưng không nên bắt đầu trước 18 giờ trong giai đoạn cấp.

Nguyên tắc đầu tiên để áp dụng chính là sự phục hồi chức năng được phản ánh qua những thay đổi mềm dẻo của hệ thần kinh. Các trung tâm thần kinh sẽ được cấu trúc lại để tạo điều kiện cho sự phục hồi chức năng vận động hay nhận biết. Các bài tập được thực hiện tập trung vào việc tăng tần suất lặp lại cũng như thực hiện với cường độ cao. Ngoài ra, các phương pháp mới nhằm kích thích thần kinh, lĩnh vực robot cũng như thực tế ảo đang phát triển như vũ bão sẽ hỗ trợ phục hồi cho bệnh nhân đột quỵ rất nhiều.

Vận động sớm có thể tiến hành trong 24 giờ đầu tiên nhưng không nên bắt đầu trước 18 giờ trong giai đoạn cấp. Ảnh minh họa

Vận động sớm có thể tiến hành trong 24 giờ đầu tiên nhưng không nên bắt đầu trước 18 giờ trong giai đoạn cấp. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, BS Dung nhấn mạnh, tất cả những phương pháp mới này sẽ không thể thay thế hay xóa bỏ được nền tảng cơ bản của phục hồi chức năng thần kinh. Việc chăm sóc bệnh nhân bài bản, từng bước vận động dựa trên những nguyên tắc của tâm lý học thần kinh và sự phục hồi vẫn là chìa khóa vàng trong việc quyết định hiệu quả hồi phục cho người bệnh.

Giang Võ

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/phuc-hoi-chuc-nang-sau-dot-quy-tien-hanh-som-giup-benh-nhan-giam-di-chung-nang-ne-172250421160951429.htm
Zalo