Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội

Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh giúp NKT hòa nhập xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình, tham gia lao động sản xuất, nhiều trẻ em được đến trường...

Bác sĩ Huỳnh Trần Công Hiền- Giám đốc Bệnh viện PHCN Tây Ninh báo cáo kết quả công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng năm 2024.

Chiều 12.12, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng năm 2024.

Tại hội nghị, bác sĩ Huỳnh Trần Công Hiền- Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) cho biết, trong năm 2024, bệnh viện đạt nhiều thành tựu trong công tác khám chữa bệnh, được người bệnh, người nhà người bệnh tin tưởng, số lượng bệnh dần đi vào ổn định. Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

Theo thống kê của Bệnh viện PHCN Tây Ninh, tổng số người khuyết tật (NKT) đang được bệnh viện quản lý là 15.568 người; trong đó, NKT có nhu cầu về y tế là 3.622 người, NKT đang PHCN là 1.181 người, NKT được khám sức khỏe định kỳ là 12.555 người, số lượt người được can thiệp cộng đồng là 7.022 lượt; có 72 dụng cụ trợ giúp được cung cấp.

Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh giúp cho NKT hòa nhập xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình, tham gia lao động sản xuất, nhiều trẻ em được đến trường...

Bệnh viện PHCN Tây Ninh hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh cho thân nhân bệnh nhân.

NKT- đặc biệt là trẻ em được cải thiện thể chất, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, phòng tránh được một số bệnh thường gặp; nhiều trường hợp NKT tham gia lao động sản xuất, nhiều trẻ khuyết tật đạt kết quả học tập tốt…

Trong năm, bệnh viện tổ chức được 5 đợt tập huấn cho người bệnh, NKT, người chăm sóc, qua đó cung cấp kiến thức chăm sóc, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn cho người bệnh; phục hồi chức năng hoạt động trị liệu cho NKT; cách chăm sóc và tập luyện cho trẻ bại não tại nhà…

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, năm 2024, bệnh viện tổ chức thành công Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên PHCN lần thứ III với chủ đề “Dụng cụ trợ giúp - dụng cụ chỉnh hình trong PHCN”, thu hút gần 120 đại biểu trong và ngoài tỉnh tham gia, đem về nhiều giá trị cho ngành PHCN tỉnh nhà.

Ngoài công tác chuyên môn, trong năm, bệnh viện còn phối hợp mạnh thường quân và các tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động chăm lo cho 573 NKT, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện và tại cộng đồng với tổng số tiền trên 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác PHCN dựa vào cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ chuyên trách xã thay đổi thường xuyên (hưu trí, nghỉ việc, luân chuyển vị trí công tác), chưa được tập huấn công tác quản lý chương trình, kiến thức chuyên môn; kinh phí hỗ trợ phụ cấp xăng dầu phục vụ công tác thăm hỏi, hướng dẫn tập luyện cho NKT tại nhà của cán bộ chuyên trách xã, cộng tác viên ngưng từ năm 2023 dẫn đến hiệu quả hoạt động của chương trình bị hạn chế.

Về phương hướng hoạt động năm 2025, bệnh viện nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, PHCN tại cơ sở công lập, dân lập; đưa hoạt động trị liệu đạt hiệu quả hơn, để người bệnh sớm hòa nhập cộng đồng; tăng cường khám sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; cập nhật thông tin quản lý NKT trên phần mềm quốc gia chuẩn hóa dữ liệu; hướng dẫn mới, cập nhật sử dụng ứng dụng phần mềm trong thống kê báo cáo PHCN dựa vào cộng đồng...

Yên Khuê – Ngọc Yến

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phuc-hoi-chuc-nang-dua-vao-cong-dong-giup-giam-ganh-nang-cho-gia-dinh-va-xa-hoi-a182834.html
Zalo