Bàn cách để công nghiệp văn hóa góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh con người TP.HCM

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, để phát triển công nghiệp văn hóa, TP.HCM cần có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để cho thấy văn hóa không chỉ xài tiền mà có thể kiếm ra tiền.

Sáng 12-12, Viện Nghiên cứu phát triển, Sở VH&TT TP.HCM phối hợp với Trường ĐH KHXH&NV tổ chức buổi Tọa đàm phát triển công nghiệp văn hóa ở TP.HCM hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố.

 Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu Trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết: "Với vị thế là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, tập trung đông du khách quốc tế và bạn bè nước ngoài, TP.HCM có nhiều thuận lợi trong phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Điều này góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân thành phố, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo" - GS.TS Ngô Thị Phương Lan nói.

Còn nhiều trăn trở, hạn chế

Tham dự tọa đàm, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Pháp chế Cinestar tâm sự hằng ngày đi ngang qua các tuyến đường có những rạp chiếu phim cũ hay nhà hát cũ trước đây được sử dụng sai với công năng, thậm chí có các điểm không sử dụng thì ông rất tiếc và ao ước được tham gia đầu vào những cơ sở này.

"Thời điểm gần mười năm trước, quy định pháp luật chưa cho phép làm điều này nhưng sau đó may mắn có Nghị quyết 98 - nút thắt quan trọng mở ra cho lĩnh vực văn hóa của TP.HCM có cơ hội được đầu tư và phát triển" – ông Nguyễn Sơn bày tỏ và cho rằng ngoài thành tựu thì để phát triển công nghiệp văn hóa, TP.HCM vẫn còn một số hạn chế.

 Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Pháp chế Cinestar.

Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Pháp chế Cinestar.

Cụ thể, chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa (chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; chính sách ưu đãi về tín dụng....) còn hạn chế, chưa tạo ra động lực thực sự cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

Cạnh đó, các dự án xã hội hóa chưa phân bố đồng đều mà chủ yếu tập trung ở các quận trung tâm của thành phố; một số địa bàn xa trung tâm thành phố chưa có nhiều dự án xã hội hóa.

Các hoạt động lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của thành phố chưa tạo được điểm nhấn quan trọng để tạo được hiệu ứng trong phạm vi quốc gia.

 TS Lê Hồng Phước, Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM

TS Lê Hồng Phước, Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM

TS Lê Hồng Phước, Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH KHXH&NV cho rằng khái niệm công nghiệp văn hóa rất rộng và công nghiệp văn hóa là thách thức rất lớn đối với bản sắc văn hóa.

"Bản sắc văn hóa trong nền công nghiệp văn hóa có 3 lợi ích, gồm bản sắc văn hóa có thể mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa không chỉ biết xài tiền mà văn hóa có thể đẻ ra tiền. Nó hỗ trợ cho việc kết nối cộng đồng và tạo ra việc tự hào dân tộc ví dụ như đờn ca tài tử của Việt Nam” – TS Lê Hồng Phước nói.

Theo TS Lê Hồng Phước khi bàn về bản sắc văn hóa Việt Nam thì không thể bỏ qua văn hóa đất phương Nam, trong đó, được nhắc đến nhiều là đờn ca tài tử và cải lương.

"Đây là nét đặc trưng bản sắc văn hóa Nam Bộ và đờn ca tài tử có thể góp phần vào câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, khi nói về công nghệp văn hóa thì không thể nào không mang tính chuyên nghiệp, phải có sự bài bản.

Nhưng việc cẩn trọng và chuyên nghiệp quá lại làm méo mó đờn ca tài tử. Hiện tại có thể thấy đờn ca tài tử thoái hóa rất nhiều, mất đi sự đặc trưng của nó” – TS Lê Hồng Phước bày tỏ.

 TS Đào Lê Na.

TS Đào Lê Na.

Vừa làm việc trong lĩnh vực giáo dục, vừa có sự kết nối với các nghệ sĩ độc lập, TS Đào Lê Na cho rằng hiện tại, TP.HCM đang thiếu cơ chế đối thoại, lắng nghe ý kiến trong cộng đồng, đặc biệt là với người trẻ; thiếu không gian sáng tạo nghệ thuật, khoảng cách giữa thực hành sáng tạo và lý luận còn rất lớn….

“Nhắc đến Liên hoan phim quốc tế TP.HCM, nhìn bề ngoài nó rất thành công nhưng phải hiểu chữ thành công là chúng ta nói trên phương diện nào?

Riêng với tôi, chất lượng của liên hoan phim không thành công vì vẫn còn nhiều bất cập, ví dụ như lịch chiếu phim, phim được công chiếu thay đổi liên tục…” – TS Đào Lê Na nhìn nhận.

 Liên hoan phim quốc tế TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập

Liên hoan phim quốc tế TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập

Để công nghiệp văn hóa thực sự phát triển

Cụ thể, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhìn nhận: "Văn hóa không phải để xài tiền mà có thể kiếm được rất nhiều tiền chủ yếu là trong vai trò quản lý, phát huy nó ra sao.

Hiện nay, nhu cầu đầu tư cho văn hóa rất lớn. Đến 2030, văn hóa được nhà nước đầu khoảng 15.000 tỉ. Với lĩnh vực văn hóa đó là số tiền lớn nhưng 15.000 tỉ mà quy ra chắc chỉ bằng được 1 cây cầu. Do đó làm sao huy động được nguồn lực xã hội để đầu tư vào lĩnh vực thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa con người và quảng cáo thương hiệu…"

 Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu.

TS Lê Hồng Phước và đạo diễn Vũ Thành Vinh cùng nhìn nhận để phát triển công nghiệp văn hóa thì ở hiện tại cần đào tạo con người trong tương lai.

Ở lĩnh vực đờn ca tài tử, TS Lê Hồng Phước cho biết cần có chính sách đối với các CLB đờn ca tài tử, hỗ trợ không gian địa điểm sáng tạo, hỗ trợ đào tạo, tặng học bổng cho thế hệ trẻ đam mê…

Ở lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Vũ Thành Vinh nhìn nhận cần phải biết cách kiếm tiền để đầu tư cho những dự án tiếp theo. Đồng thời, theo nam đạo diễn, những người trong vai quản lý cần có sự thay đổi, cần có chính sách hỗ trợ cho những người làm văn hóa; hướng không gian văn hóa ra bên ngoài đến gần hơn với khán giả.

 Đạo diễn Vũ Thành Vinh.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh.

TS Đào Lê Na cũng nhận định thành phố cần quan tâm tạo không gian sáng tạo văn hóa và tạo cơ chế chính sách thu hút nhân tài ở các lĩnh vực liên quan đến văn hóa.

NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, cũng cho rằng cần tập trung xây dựng làm sao để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TP.HCM.

 NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM.

NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM.

"Cụ thể, chúng ta cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ như nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch thành phố các khu công nghiệp văn hóa, hoàn thiện cơ chế - chính sách, phát triển nguồn nhân lực.

Vận dụng chủ trương, chính sách và sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển điện ảnh trên địa bàn thành phố xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh đang được khẳng định trong giai đoạn hiện nay" – NSND Thanh Thúy nhấn mạnh.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-cach-de-cong-nghiep-van-hoa-gop-phan-nang-cao-vi-the-hinh-anh-con-nguoi-tphcm-post824580.html
Zalo