Phục dựng màu di ảnh 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), di ảnh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) đã được phục dựng màu từ những bức ảnh đen trắng và trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chương trình được tổ chức ngày 23/7, bởi sự phối hợp giữa Tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam, CLB Mãi mãi tuổi 20, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội đồng Họ Đặng Việt Nam.

Ngắm nhìn hai người cô ruột qua những di ảnh được phục dựng lại với màu sắc chân thực, ông Nguyễn Văn Kiên ở thôn Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam không giấu nổi niềm xúc động nghẹn ngào. Hai người cô ruột của ông Kiên là bà Nguyễn Thị Thu và bà Nguyễn Thị Thi đã cùng hy sinh trên mâm pháo trong trận chiến với không quân Mỹ vào ngày 1/10/1966. Sau hơn 50 năm chỉ được hồi tưởng về những người thân qua các tấm hình đen trắng đặt trên ban thờ thì nay ông Kiên đã cảm nhận rõ hơn tình cảm của những người thân yêu, ruột thịt bởi sự chân thật của những di ảnh màu.

Di ảnh màu 10 cô gái Lam Hạ được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Di ảnh màu 10 cô gái Lam Hạ được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Kiên nhớ lại: "Hai bà cô của tôi, một bà hơn tôi 4 tuổi, một bà hơn tôi 6 tuổi. Gia đình tôi bấy giờ có gần chục người ở ngoài ý. Có bố tôi, chú tôi, chị gái rồi các bà cô nhưng mà không may là bom thả trúng. Vậy là mất hai bà. Nhìn những bức ảnh chân dung của hai bà tôi thấy rất cảm động. Tôi giờ rất xúc động. Hiện tại giờ những bức ảnh thấy rất thật, có chiều sâu, nhìn thấy đã thấy hồn của tấm ảnh. Giờ tôi nhớ lại, hồi tưởng lại thì có tình cảm thật.

Những năm 1965 – 1967, bom đạn Mỹ trút xuống Hà Nam suốt ngày đêm. Lam Hạ được ví như “Đồng Lộc” thứ 2 ở Việt Nam. Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 17 đến 20. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, lần lượt 10 nữ dân quân đã anh dũng hy sinh trong những năm 1966 – 1967. Ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa, di ảnh chân dung của 10 cô gái Lam Hạ được phục dựng màu từ những bức ảnh đen trắng là kết quả của một hành trình thầm lặng, bền bỉ và kéo dài đã gần 10 năm.

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, để phục dựng thành công một bức di ảnh màu của liệt sĩ không phải là điều dễ dàng, cần sự tìm tòi, học hỏi công phu: "Để phục dựng một bức ảnh màu không khó nhưng để đúng với lịch sử, dung với quân trang, trang phục, quân hàm thì là cả một vấn đề. Chúng ta muốn phục dựng thì phải hiểu lịch sử, hiểu truyền thống, hiểu từng giai đoạn thì quần áo quân trang mới chính xác được. Nên để phục dựng được một bức ảnh có hồn, thành công thì các bạn biết kỹ thuật chưa đủ mà phải biết lịch sử, truyền thống dân tộc, thậm chí phải là người có tâm, thành kính với các liệt sĩ thì bức ảnh mới thành công được".

Trong kháng chiến chống Mỹ, “10 cô gái Đồng Lộc” là Thanh niên xung phong, đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom và bảo đảm giao thông tuyến lửa. Còn “10 cô gái Lam Hạ” là dân quân trực tiếp chiến đấu, họ hy sinh khi ngẩng cao đầu trên mâm pháo, bắn trả máy bay Mỹ. Nhưng đáng tiếc, chưa nhiều người biết về các chị! Huyền thoại về “10 cô gái Lam Hạ” diễn ra đã hơn nửa thế kỷ, mà sự tôn vinh dường như vẫn chưa được xứng tầm. Thậm chí, đã có một thời gian dài gần như bị lãng quên. Bởi vậy, việc phục dựng di ảnh màu, di ảnh thờ để tôn vinh tinh thần kiên cường bất khuất, anh dũng chiến đấu của 10 cô gái Lam Hạ có ý nghĩa vô cùng to lớn trong thời kỳ hòa bình.

Bà Trần Hồng Dung – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 nhận định: "Hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, nhóm họa sĩ trẻ của Trái tim người lính đã kết hợp cùng CLB Mãi mãi tuổi 20 phục dựng màu thành công cho di ảnh chân dung của 10 cô gái Lam Hạ, giới thiệu và trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn mỗi khi có khách tới tham quan bảo tàng, sẽ không chỉ người Việt Nam mà cả khách quốc tế cũng sẽ biết nhiều hơn đến 10 nữ dân quân anh hùng Lam Hạ của chúng ta cũng như các liệt sĩ khác đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cuộc sống của chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp vô cùng lớn lao của các cựu chiến binh, các liệt sĩ đã không tiếc tuổi xuân của mình dâng hiến cho Tổ quốc".

Tại sự kiện, ban tổ chức cũng giới thiệu cuốn nhật ký “Trở về trong giấc mơ” vừa được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản. Cuốn sách được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu từ những trang sổ tay nhật ký của liệt sỹ Trần Minh Tiến (1945-1968).

Nhân dịp này, ban Tổ chức đã tiến hành trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm trị giá 100 triệu đồng cho Trường Trung học cơ sở Lương Văn Nắm, thuộc xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là tủ sách thứ 3 được trao tại tỉnh Bắc Giang và là tủ sách thứ 14 được trao trên toàn quốc, kể từ tháng 11/2023.

Huyền Trang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phuc-dung-mau-di-anh-10-nu-anh-hung-liet-si-dan-quan-lam-ha-post1109846.vov
Zalo