Phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh, khởi nghiệp

Nhiều chị em phụ nữ đang tiếp cận, ứng dụng công nghệ số trong hành trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và đem lại hiệu quả cao.

 Chất lượng, mẫu mã sản phẩm gừng, nghệ viên được cải thiện đáp ứng nhu cầu khách hàng nhờ ứng dụng công nghệ số

Chất lượng, mẫu mã sản phẩm gừng, nghệ viên được cải thiện đáp ứng nhu cầu khách hàng nhờ ứng dụng công nghệ số

Nhanh nhạy cập nhật công nghệ

Tự mò mẫm, rồi tham gia các khóa đào tạo bán hàng online trực tuyến, giờ đây chị Nguyễn Thị Giang, chủ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng áo quần, gia dụng, mỹ phẩm... ở phường Phường Đúc, quận Thuận Hóa đã thành thục và thường xuyên livestream bán hàng qua mạng. Nếu so với bán truyền thống trực tiếp tại quầy, lượng khách, sức tiêu thụ, doanh số thu về của cửa hàng chưa tới một nửa so với livestream bán online. Để không mất thời gian người bán và người mua, cũng như quản lý giao dịch hiệu quả, chị Giang còn đăng ký cài đặt mã QR nhận tiền thanh toán bằng chuyển khoản của khách hàng rất tiện lợi, nhanh gọn, chính xác.

Hiện nay, nền kinh tế số đã giúp rất nhiều phụ nữ là chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiếp cận thị trường thuận lợi, nhanh chóng. Nhiều phụ nữ phát triển, mở rộng kinh doanh, cải thiện thu nhập thông qua sàn giao dịch thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Chị Trần Thị Thành, chủ doanh nghiệp Thành Ân Organic với mô hình khởi nghiệp là sản phẩm hữu cơ gừng, nghệ viên. Từ một cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, một doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ, nhưng qua các hội chợ, triển lãm kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm... và ứng dụng quy trình sản xuất, tạo vùng nguyên liệu... bằng công nghệ thông minh, công nghệ số, nên quy mô sản xuất gừng, nghệ viên Thành Ân Organic đã được nhiều khách hàng biết đến. Sản phẩm của cơ sở chị Thành bây giờ không chỉ bán trong nước mà còn tiêu thụ sang Lào, Campuchia...

Nhiều chủ cơ sở chuyên trồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu... trên địa bàn bây giờ cũng khá nhàn và dễ quản lý. Vì chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, cài các thiết bị hiện đại và nhấn nút điều khiển là có thể chăm sóc, tưới, châm bón phân "từ xa" cho cây trồng. Khi ứng dụng các thiết bị, công nghệ tự động còn giúp giám sát quá trình sản xuất ra sản phẩm, quảng bá hình ảnh trực quan các công đoạn, quy trình sản xuất để tạo sự tin cậy đến với khách hàng. Thậm chí, các cơ sở còn giám sát được quá trình lao động sản xuất của công nhân.

Tại một diễn đàn thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh sản phẩm chủ lực địa phương do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện A Lưới, bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) A Lưới cũng nhấn mạnh, nhờ được kết nối, sử dụng công nghệ hiện đại, tiến bộ và được tập huấn phương thức bán hàng online, nhiều phụ nữ ở địa phương đã tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như khai phá, tận dụng những tính năng hữu ích của công nghệ số vào sáng tạo, khởi nghiệp, kinh doanh... Nhờ đó, nhiều cơ sở kinh doanh, dự án khởi nghiệp đã tăng hiệu suất, nâng giá trị sản phẩm lên cao hơn.

Mở rộng nền tảng số trên nhiều hoạt động

Bằng cách tiếp cận với các nền tảng số, kinh tế số, việc đẩy mạnh chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Để nâng cao năng lực của phụ nữ tham gia chuyển đổi số, đồng hành cùng tiến trình chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội LHPN TP. Huế ra mắt nền tảng số "Phụ nữ Huế" tích hợp trên ứng dụng Hue-S.

Nền tảng số "Phụ nữ Huế" được xây dựng với công nghệ hiện đại trên hệ thống dữ liệu số hóa tập trung của thành phố với các chức năng hỗ trợ kết nối phụ nữ trên địa bàn, thành lập một kênh thông tin chính thống và kịp thời cung cấp các tiện ích phục vụ cuộc sống; đồng thời, góp phần số hóa công tác hội phụ nữ.

Nền tảng số "Phụ nữ Huế" được thiết kế, xây dựng giao diện với cấu trúc gồm 3 khối chức năng chính: khối truyền thông; khối tích hợp Trang thông tin điện tử của Hội LHPN TP. Huế; khối các chức năng nghiệp vụ của Hội, gồm: Hoạt động hội và phong trào phụ nữ, mạng lưới hội viên phụ nữ, bình đẳng giới, mẹ đỡ đầu, Ngày Chủ nhật xanh, 60 phút sạch nhà - đẹp ngõ, phụ nữ khởi nghiệp... Qua thống kê, đến nay có hơn 3.000 hội viên, phụ nữ được Hội LHPN thành phố cấp quyền truy cập sử dụng nền tảng này.

Hiện nay, các cấp hội phụ nữ cùng các ban, ngành chức năng, địa phương tiếp tục chú trọng việc chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ tìm hiểu về thương mại điện tử, cách tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ vào tiêu thụ sản phẩm, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ 4.0 để quảng bá, phát triển các sản phẩm, cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường... Hỗ trợ này còn giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận với công nghệ số, ứng dụng công nghệ số giữa phụ nữ ở khu vực đô thị, vùng đồng bằng và phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, nhất là vùng cao đã được chị em kết nối, vươn ra tiêu thụ ở các thị trường xa hơn, tiềm năng hơn.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/phu-nu-ung-dung-cong-nghe-so-vao-kinh-doanh-khoi-nghiep-151075.html
Zalo