Phụ nữ Tứ Kỳ làm sạch môi trường

Phụ nữ Tứ Kỳ (Hải Dương) là lực lượng tích cực tham gia phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, góp phần làm sạch môi trường.

Sau khi được hướng dẫn, phụ nữ xã Kỳ Sơn tự làm men vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ (ảnh cơ sở cung cấp)

Sau khi được hướng dẫn, phụ nữ xã Kỳ Sơn tự làm men vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ (ảnh cơ sở cung cấp)

Tự làm men xử lý

Trước đây, ở huyện Tứ Kỳ, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 115 tấn rác thải, không được phân loại. Toàn bộ phải tập kết, xử lý tại các bãi rác, dẫn đến quá tải, ảnh hưởng môi trường.

Thực hiện Cuộc vận động “Gia đình 5 có, 3 sạch” và Đề án Xử lý chất thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 của huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tứ Kỳ đã đăng ký công việc đột phá là phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn đẩy mạnh triển khai việc tự làm men vi sinh để ủ rác thải hữu cơ tại các gia đình. “Để phân loại và xử lý được rác hữu cỡ bắt buộc phải có men vi sinh. Vì vậy, hội đã tập huấn, hướng dẫn các hộ tự làm men vi sinh”, chị Nguyễn Thị Hoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tứ Kỳ chia sẻ.

Rác hữu cơ sau khi phân loại được người dân cho vào thùng ủ men vi sinh thành phân bón

Rác hữu cơ sau khi phân loại được người dân cho vào thùng ủ men vi sinh thành phân bón

Đến nay, 100% số Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn ở huyện Tứ Kỳ đã triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải bằng men vi sinh tại hộ. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kép giúp giảm lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường, đồng thời trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng.

Sau khi được hướng dẫn, đến nay, có 5/9 Chi hội Phụ nữ của xã Kỳ Sơn triển khai làm men vi sinh IMO, thu được hơn 200 kg men vi sinh bản địa. Phấn khởi trước kết quả này, chị Phạm Thị Tươi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kỳ Sơn cho biết: “Mô hình bước đầu đã có hiệu quả tích cực về kinh tế, giảm chi phí mua phân hóa học bón cho cây trồng như trước đây, đem lại lợi ích cho môi trường. Dùng men vi sinh có thể xử lý mùi hôi của rác sinh hoạt và chất thải chăn nuôi ao, vườn, chuồng, trại. Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ xã sẽ hướng dẫn để tất cả các gia đình hội viên phụ nữ đều áp dụng mô hình này”.

Kiên trì thay đổi nếp nghĩ người dân

Rác hữu cơ sau khi ủ men vi sinh IMO trở thành nguồn phân bón, giúp cây trồng tươi tốt

Rác hữu cơ sau khi ủ men vi sinh IMO trở thành nguồn phân bón, giúp cây trồng tươi tốt

Đến nay, ở Tứ Kỳ có khoảng 60% số hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, lượng rác thải thải ra môi trường giảm từ 50 - 70% so với trước. Một số xã người dân thực hiện tốt, đạt tỷ lệ cao như: Quang Khải, Minh Đức, Tân Kỳ, Hà Kỳ... tạo nên nếp sống sạch từ nhà ra ngõ. Ở những địa phương này, có sự chung tay vào cuộc tích cực của Hội Liên hiệp phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động thay đổi hành động và nếp nghĩ của người dân.

Về xã Minh Đức những ngày này, sắc xuân ngập tràn trên những con đường làng phong quang, sạch sẽ. Những con ngõ nhỏ vắng bóng rác hữu cơ. Trong mỗi gia đình, hầu hết đều có các thùng ủ rác làm phân bón.

Nhanh tay rắc men nước vào 2 thùng ủ rác thải hữu cơ ngoài vườn, bà Nguyễn Thị Yên ở thôn Trúc Văn cho biết: “Giờ đi khắp làng, khắp xã tôi, không đâu thấy đống rác to, chảy nước bẩn như ngày xưa nữa. Rác hữu cơ đều được người dân phân loại, ủ làm phân như thế này. Nhà nào có vườn, khi bón phân này, cây trồng tươi tốt lắm. Tất cả đều rất sạch sẽ, sạch từ nhà ra ngõ”.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Đức đã vận động gia đình hội viên xây hố ủ rác hữu cơ trong nhà vườn

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Đức đã vận động gia đình hội viên xây hố ủ rác hữu cơ trong nhà vườn

Minh Đức hiện là một trong những địa phương đạt tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn cao của huyện Tứ Kỳ, với hơn 95% số gia đình thực hiện. Chị Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Đức chia sẻ, năm 2023, khi xã thực hiện chỉ thị của huyện về tăng cường bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã thành lập các tiểu ban tuyên truyền, vận động các gia đình phân loại rác, xây hố ủ rác hữu cơ, hướng dẫn làm men vi sinh IMO...

Việc này không chỉ yêu cầu người dân thay đổi thói quen mà còn phải đầu tư kinh phí xây hố ủ. Lúc đầu, không ít người dân là hội viên phụ nữ cố chấp, không muốn thay đổi thói quen, thêm phiền phức, mất thời gian trong việc xử lý rác thải. Kiên trì vận động, chứng minh bằng những giá trị thiết thực từ những gia đình làm tốt, dần dần Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã thành công trong việc thay đổi suy nghĩ và hành động của chị em.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phu-nu-tu-ky-lam-sach-moi-truong-405068.html
Zalo