Phụ nữ Tam Đường nâng cao vị thế

Được triển khai từ năm 2021, Dự án 'Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam - AWEEV' đã từng bước giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tam Đường tự tin, mạnh dạn trong phát triển kinh tế. Qua đó, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, khẳng định được vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Hiệu quả từ mô hình sinh kế

Chị Đèo Thị Lả ở bản Nà Khan (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) là một trong những phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế. Năm 2022, chị Lả được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Lư giới thiệu tham gia Tổ liên kết nuôi lợn bản địa nằm trong Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam - AWEEV” do Tổ chức CARE hỗ trợ và đảm nhiệm vai trò tổ trưởng Tổ liên kết nuôi lợn đen bản địa xã Bình Lư. Đến nay, Tổ liên kết nuôi lợn đen bản địa xã Bình Lư có 9 thành viên, được hỗ trợ vay 117 triệu đồng để mua con giống và làm hầm biogas.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lả tâm sự: Khi tham gia nhóm, gia đình tôi được hỗ trợ vay 7 triệu đồng (không tính lãi), với số tiền đó tôi đã mua 2 con lợn giống và thức ăn để chăn nuôi. Để đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt tôi thường xuyên dọn vệ sinh chuồng sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Sau gần hai năm, đàn lợn sinh sản được thêm 3 lứa với 50 lợn con. Gia đình vừa bán 18 con lợn, được 18 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn lắp hầm biogas vừa bảo vệ môi trường, tạo ra chất đốt tự nhiên, tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Song song với đó, năm 2024 Hội LHPN xã Bình Lư phối hợp với Công ty Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường, UBND xã Bình Lư cấp 214 máy thái chuối cho 214 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, với tổng trị giá 484.850.000 đồng (đợt 1 và 2). Hiện nay, đang rà soát đề nghị dự án hỗ trợ cấp thêm 168 máy thái chuối (đợt 3).

Tổ hợp tác sản xuất, chế biến rau củ quả an toàn Nà Phát (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) phát triển mô hình trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao.

Tổ hợp tác sản xuất, chế biến rau củ quả an toàn Nà Phát (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) phát triển mô hình trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ giúp các hội viên phụ nữ vay vốn, dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam - AWEEV” còn mở rộng cho các tổ hợp tác vay vốn phát triển kinh tế. Chị Lò Thị Thóm và 12 thành viên trong bản Nà Phát, xã Bình Lư mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác sản xuất, chế biến rau ủ quả an toàn Nà Phát vào tháng 2 năm 2023. Để có vốn kinh doanh, tổ hợp tác được hỗ trợ vay số tiền là 214,4 triệu đồng từ dự án. Chị Lò Thị Thóm - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, chế biến rau củ quả an toàn Nà Phát vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi rất may mắn được dự án hỗ trợ cho vay số tiền lớn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Với diện tích 3,4ha, tổ hợp tác trồng đa dạng các loại bí xanh, cải thảo, khoai tây…, trong đó chú trọng trồng bí xanh. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn bí xanh phát triển tốt, cho nhiều quả với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng, bán ra thị trường với giá thành ổn định. Nhờ đó, mức thu nhập của các thành viên trong tổ tương đối cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các chị em phụ nữ”.

Mô hình sinh kế nuôi dê của phụ nữ xã Thèn Sin (huyện Tam Đường).

Mô hình sinh kế nuôi dê của phụ nữ xã Thèn Sin (huyện Tam Đường).

Hiện nay, huyện Tam Đường có 3/12 xã nằm trong vùng dự án của Tổ chức CARE gồm: xã Bình Lư, Thèn Sin, Bản Bo. Đây là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số như: Thái, Mông. Tại 3 xã đang triển khai các mô hình sinh kế như: nuôi dê, nuôi lợn bản địa, trồng chè... góp phần nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Nhiều năm trước đây, chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số phải dành nhiều thời gian cho công việc gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc con cái, nội trợ, rất ít được quyết định những công việc quan trọng trong gia đình. Chính vì vậy, dự án đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho nam giới tiên phong, thu hút đông đảo các anh tham gia, các đợt tập huấn nhằm thúc đẩy truyền thông về bình đẳng giới, giúp các anh chia sẻ việc nhà với chị, em. Đồng thời giúp các chị em phụ nữ có thời gian cho bản thân, được tham gia các hoạt động xã hội, thể hiện vai trò bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các công việc trong gia đình.

Phụ nữ xã Thèn Sin sử dụng máy thái chuối giúp tiết kiệm thời gian, công sức.

Phụ nữ xã Thèn Sin sử dụng máy thái chuối giúp tiết kiệm thời gian, công sức.

Song song với đó, trong khuôn khổ của dự án, phụ nữ tại 3 xã Thèn Sin, Bản Bo, Bình Lư được cấp máy thái chuối và bếp tiết kiệm củi. Chị Vàng Thị Dúa (bản Sin Câu, xã Thèn Sin) chia sẻ: "Gia đình tôi được hỗ trợ vốn để nuôi dê phát triển kinh tế. Ngoài ra, tôi còn được phát bếp tiết kiệm củi và máy thái chuối. Trước đây, khi chưa có máy thái chuối tôi phải mất hàng giờ đồng hồ để thái, băm chuối, nhưng từ khi được phát máy tôi chỉ mất khoảng 10 phút là xong công việc. Bếp tiết kiệm củi sử dụng rất hiệu quả, không tốn nhiều củi, tiết kiệm thời gian. Rút ngắn được thời gian làm việc nhà, tôi dành thời gian để tham gia những công việc xã hội, tôi rất cảm ơn Tổ chức Care đã hỗ trợ để phụ nữ dân tộc thiểu số như chúng tôi thêm tự tin, có quyền tự quyết, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội".

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lành Thị Tươi - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Đường cho biết: Dự án được triển khai tại huyện Tam Đường từ năm 2021 đến nay đã góp phần tạo chuyển biến tích cực tới đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện. Thông qua dự án đã tác động đến mọi mặt của hội viên, phụ nữ, đồng thời hỗ trợ chị em các tư liệu sản xuất như: bếp tiết kiệm củi, máy thái chuối. Cùng với đó, dự án hỗ trợ sửa chữa điểm trường, phục vụ học sinh mầm non được ăn, ngủ trưa tại điểm trường thu hút nhiều học sinh đến lớp hơn, phụ huynh yên tâm lao động sản xuất khi gửi trẻ đến trường. Từ đó, các mẹ bớt thời gian làm việc nhà, dành nhiều thời gian cho việc phát triển kinh tế gia đình và chăm lo cho bản thân, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Tại 3 xã có 14 nhóm sinh kế; 39 nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản với 1.018 thành viên; cho 585 lượt hội viên, phụ nữ vay, với số tiền 987 triệu đồng, thực hiện mô hình sinh kế nuôi lợn đen bản địa, dê, trồng chè. Nhiều chị em hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn trong phát triển kinh tế, dám nghĩ, dám làm khi được tham gia dự án và đã có những thành công bước đầu trong khởi nghiệp.

Sau khi dự án của Tổ chức CARE triển khai đã tác động rất lớn đến việc phát triển phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số. Năm 2023, thu nhập bình quân của huyện Tam Đường đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 18,95%, từ đó góp phần xây dựng gia đình ngày một no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Phương Thanh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-tam-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-n%C3%A2ng-cao-v%E1%BB%8B-th%E1%BA%BF
Zalo