Mùa chôm chôm núi
Khi những cơn mưa đầu mùa vừa thấm đất rừng, cũng là lúc trên các triền đồi miền núi Quảng Ngãi, những chùm chôm chôm núi bắt đầu chín rộ. Loại quả thân thuộc với người vùng cao không chỉ mang hương vị đặc trưng của đại ngàn, mà còn góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều hộ đồng bào miền núi.
Gần trưa, anh Đinh Văn Tình, ở xã Sơn Tây, gùi trên vai hơn 30kg chôm chôm rừng vừa hái trên rẫy về, để bên hiên nhà. Vừa lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, anh vừa lật từng chùm chôm chôm trong chiếc gùi mây để lựa ra những trái đẹp.
“Năm nay mưa xuống đúng đợt, cây nào cũng trĩu quả. Mười mấy năm trồng chôm chôm rừng, không phân bón, không tưới nước, vậy mà năm nào cũng có trái. Của rừng cho, mình chỉ việc hái mang về”, anh Tình cười tươi, đôi tay rám nắng thoăn thoắt lựa những chùm trái chín đẹp, xếp ngay ngắn vào rổ chuẩn bị bán cho thương lái.

Chôm chôm núi vỏ mỏng, trái nhỏ hơn chôm chôm trồng ở đồng bằng.
Khác với những giống chôm chôm trồng phổ biến ở đồng bằng, chôm chôm núi, hay còn gọi là “chôm chôm rừng”, phát triển hoàn toàn tự nhiên, không cần phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Loại trái này có kích thước nhỏ, vỏ mỏng, gai mềm. Khi chín, lớp vỏ chuyển sang sắc đỏ nâu đặc trưng, phần ruột vàng óng, vị ngọt thanh xen chút chua dịu, tạo nên hương vị mộc mạc, thanh lành mà không loại chôm chôm nào khác có được.
Chôm chôm núi là giống cây bản địa, được người dân vùng cao Quảng Ngãi trồng rải rác trên rẫy, ven vườn, các triền đồi. Mỗi hộ thường chỉ trồng vài ba cây, hộ nhiều thì vài chục cây, mọc thưa xen giữa các loại cây trồng khác. Cây sống khỏe, không cần chăm bón, lớn lên nhờ mưa nắng của núi rừng.

Khi chín, ruột chôm chôm núi có màu vàng.
Mỗi năm chỉ một vụ, từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8. Cây trổ hoa, kết trái theo chu kỳ tự nhiên, không phân, không thuốc. Khi quả chín đỏ nâu, người dân gùi về bán hoặc làm quà. Nhờ trồng tự nhiên, không hóa chất, chôm chôm núi được xem là một trong những loại trái cây sạch, mang đậm hương vị rừng của miền tây Quảng Ngãi.
“Chôm chôm núi sạch, không hóa chất, ăn lạ miệng nên khách đặt mua nhiều lắm. Cứ hái xuống là có người mua. Có hôm chưa kịp gùi xuống chợ đã có thương lái vào tận rẫy thu mua”, anh Đinh Văn Tình cho biết.

Người dân miền núi có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ chôm chôm núi.
Vào mùa thu hoạch, trung bình mỗi cây chôm chôm núi có thể cho từ 50 - 60kg trái. Thương lái đang thu mua với giá từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 25 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch, nhà ít cũng thu nhập vài triệu đồng, nhà nhiều hơn chục triệu. Đối với đồng bào miền núi, đây là khoản thu nhập đáng kể.
“Nhà tôi có 14 cây chôm chôm núi, mấy ngày nay tôi thu hoạch đợt đầu được hơn 200kg, bán được gần 4 triệu đồng. Tiền này để dành lo sách vở cho con, mua ít vật dụng trong nhà. Trồng keo, mì thì phải chờ lâu, còn chôm chôm núi năm nào cũng có, lại dễ tiêu thụ”, chị Đinh Thị Hạnh, ở xã Sơn Tây, bày tỏ.

Chôm chôm núi được thương lái thu mua và mang về xuôi bán cho người tiêu dùng.
Không chỉ bán trái tươi, một số hộ dân còn dùng trái chôm chôm núi chín để làm mứt, ngâm đường hoặc sấy khô phục vụ thị trường, tăng thêm giá trị sản phẩm.
Giữa những ngọn đồi chênh vênh của miền tây Quảng Ngãi, cây chôm chôm núi vẫn bền bỉ lớn lên, trổ hoa, kết trái theo vòng quay của đất trời. Mỗi mùa cây trổ hoa là một mùa hy vọng lại nhen lên nơi lưng đồi. Với người dân vùng cao, giữ được cây chôm chôm là giữ được một phần ký ức rừng, giữ lại giống bản địa quý mà cha ông đã trồng từ bao đời.
Bài, ảnh: LINH ĐAN