Phụ nữ Hưng Yên tích cực phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, đánh giá cao các kết quả đạt được sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 178 do Hội LHPN tỉnh Hưng Yên chủ trì tham mưu thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Chiều 20/12/2024, Đoàn công tác do ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, làm Trưởng đoàn khảo sát, đánh giá tác động, hiệu quả thực hiện Đề án "Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2026" (Đề án 178) và thăm một số mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ trên địa bàn TP Hưng Yên và huyện Văn Lâm.
Cùng tham gia Đoàn công tác có đồng chí Doãn Thị Nguyệt - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, một số sở, ngành tỉnh, đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Hội LHPN huyện Văn Lâm, thành phố Hưng Yên...
Đoàn đã đến thăm một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình Hợp tác xã dược liệu Hoa Thiên Phú do phụ nữ làm chủ tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm; Mô hình 10 hộ liền kề thực hiện phân loại và xử lý rác bằng vi sinh IMO; mô hình trồng bưởi diễn, trồng cây hoa cúc chi vàng, rau màu được chăm sóc bằng rác hữu cơ ủ với men vi sinh IMO, tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm và mô hình xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO để trồng rau, mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần - thu gom rác thải nhựa tái chế tại xã Bảo Khê, TP Hưng Yên.
Tại xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, có 2.110 hộ dân thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình trong tổng số 2.740 hộ dân toàn xã, lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày giảm từ 1 đến 1,3 tấn.
Còn tại xã Bảo Khê hiện có 570 hộ thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh IMO; 5 câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần". Từ tháng 3/2023 đến nay, 5 câu lạc bộ tổ chức 59 đợt thu gom được hơn 11 tấn phế liệu, bán được trên 46 triệu đồng. Nguồn kinh phí này dùng để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, đồng thời góp phần giảm khoảng 20 - 30% lượng rác thải phải vận chuyển đi xử lý so với trước đây.
Qua nghe báo cáo của lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố, cơ sở và lãnh đạo địa phương về kết quả thực hiện Đề án 178 và các mô hình tiêu biểu tại các cơ sở mà Đoàn đã trực tiếp đến thăm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao các kết quả đạt được sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 178 do Hội LHPN tỉnh Hưng Yên chủ trì tham mưu thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đề án được tổ chức triển khai bài bản, linh hoạt, sáng tạo, các cấp Hội LHPN trong tỉnh thực hiện Đề án với quyết tâm cao, phấn đấu nỗ lực để hoàn thành Kế hoạch triển khai Đề án năm 2024 với quy mô, số lượng cơ sở thực hiện nhiều, vượt mức kế hoạch khung theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt. Đề án đã đem lại hiệu quả thiết thực, người dân đã có ý thức phân loại, xử lý rác thải hữu cơ xử lý bằng men vi sinh IMO thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Đề án đã được cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện, bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện. Nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt bằng men vi sinh IMO đã được nâng lên, kết quả thực hiện Đề án có tính lan tỏa tích cực tại các địa phương. Nhiều mô hình điểm, cách làm hay đã được nhân rộng tại các cơ sở, tiêu biểu như các mô hình Đoàn đã trực tiếp đến thăm. Ngoài ra còn một số mô hình mang lại hiệu quả cao như: mô hình thu gom rác ở chợ dân sinh, khu dân cư về ủ với men vi sinh IMO làm phân bón; mô hình xử lý rác hữu cơ bằng đất TAMA; mô hình nghiền rác trộn với IMO, cám, ngô… để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; mô hình trồng cây dược liệu từ rác hữu cơ…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên biểu dương các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tích cực triển khai Đề án và đem lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời yêu cầu trong năm 2025, Hội LHPN các cấp tiếp tục phát huy tốt kết quả đạt được, quán triệt, triển khai thực hiện Đề án tại các cơ sở còn lại, tiếp tục hướng dẫn hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng và Hội LHPN các cấp tiếp tục duy trì và nhân rộng thực hiện Đề án tại các thôn, khu phố, các hộ dân còn lại trên địa bàn nhằm hướng tới triển khai thực hiện việc phân loại và xử lý rác hữu cơ theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và theo quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên của UBND tỉnh Hưng Yên từ năm 2025.
Đề án "Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2026" (viết tắt là Đề án 178) được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt theo Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 19/01/2023.
Đề án được triển khai tại 100% cơ sở trên địa bàn tỉnh, với những mục tiêu: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi, thói quen của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên, phụ nữ, nhân dân thực hiện ứng dụng công nghệ làm vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu rác thải sinh hoạt ra các khu rác tập trung, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Rác hữu cơ được xử lý bằng men vi sinh IMO trở thành phân bón hữu cơ, từng bước thay thế cho phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, giúp cây trồng phát triển tốt, cải tạo hệ vi sinh vật có lợi, làm tơi xốp đất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, có 129 cơ sở của 10 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện với 97.899 hộ dân đã thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, trong đó có 69.825 hộ xử lý rác hữu cơ bằng men IMO và men khác, chiếm 71,3% tổng số các hộ thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình. Lượng rác sinh hoạt tại các địa bàn thực hiện Đề án thải ra môi trường giảm trên 50%.