Phụ nữ Hòa Bình tích cực hưởng ứng phong trào 'Bình dân học vụ số'
Trong thời đại chuyển đổi số toàn diện, việc nâng cao nhận thức và năng lực số cho người dân là nhiệm vụ mang tính chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hội viên phụ nữ huyện Lạc Sơn livestream bán hàng nông sản bản địa.
Thấu hiểu sâu sắc điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phát động phong trào "Bình dân học vụ số", mở ra một hướng đi thiết thực nhằm xóa mù công nghệ, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền và các nhóm dân cư.
Hội LHPN tỉnh Hòa Bình - với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ - đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tổ chức, lan tỏa sâu rộng phong trào này trong toàn thể hội viên.
Học để góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội trong thời đại mới
Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời cũng là năm tăng tốc, bứt phá để chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Hòa chung trong dòng chảy ấy, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình xác định, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là "chìa khóa" để nâng cao chất lượng hoạt động Hội và phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong công cuộc phát triển quê hương.
Gắn với Chủ đề năm 2025 "Phát huy vai trò phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới", các cấp Hội đã chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Hội và đời sống thường ngày.
Đặc biệt, phong trào "Xây dựng người Phụ nữ Hòa Bình thời đại mới" - với tinh thần Đoàn kết, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên - đã được cụ thể hóa bằng các hoạt động rèn luyện kỹ năng số, phát huy vai trò phụ nữ trong kinh tế số, trong gia đình và xã hội.
Phong trào "Xây dựng người Phụ nữ Hòa Bình thời đại mới" không chỉ là khẩu hiệu, mà là kim chỉ nam để mỗi chị em rèn luyện và phát triển toàn diện. Các tiêu chí của phong trào đã được cụ thể hóa, gần gũi nhưng có chiều sâu.
Việc tiếp cận công nghệ không chỉ giúp phụ nữ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, mà còn nâng cao tư duy độc lập, năng lực làm chủ và khẳng định vị thế người phụ nữ hiện đại trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, thực hiện phong trào bình dân học vụ số không chỉ là nhiệm vụ nhất thời, mà là một yêu cầu tất yếu của thời đại.
Các cấp Hội cần xác định rõ đây là nội dung xuyên suốt trong công tác Hội. Phụ nữ Hòa Bình cần được tiếp cận công nghệ một cách an toàn, chủ động, hiệu quả; từ đó nâng cao vị thế, quyền năng kinh tế và năng lực số, từng bước khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hội phải là cầu nối, là người bạn đồng hành, không để bất kỳ chị em nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số. Chỉ đạo này đã trở thành kim chỉ nam, lan tỏa mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở, thúc đẩy sự vào cuộc quyết liệt và linh hoạt trong tổ chức triển khai phong trào.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh Hòa Bình tham gia hỗ trợ hội viên phụ nữ và người dân cài đặt VneID; phần mềm tiện ích không dùng tiền mặt.
Hành trình tiếp nối truyền thống học tập
Nếu như những năm đầu Cách mạng, "Bình dân học vụ" giúp người dân Hòa Bình biết đọc, biết viết để thoát khỏi bóng tối mù chữ, thì hôm nay, "Bình dân học vụ số" chính là ánh sáng mới giúp chị em không bị bỏ lại phía sau trong thời đại số hóa.
Các mô hình như câu lạc bộ "Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng", các lớp học kỹ năng sử dụng phần mềm, sử dụng dịch vụ công, thanh toán không dùng tiền mặt, hay tạo gian hàng thương mại điện tử… đã mang lại thay đổi rõ rệt cho hàng nghìn hội viên.
Đến nay, toàn tỉnh có 164 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin với gần 5.000 hội viên tham gia; 100% cơ sở Hội có fanpage tuyên truyền, kết nối mạng xã hội; 161 lớp tập huấn kỹ năng số đã được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở; Hàng trăm phụ nữ tự tin livestream, mở gian hàng online, bán nông sản quê hương ra cả nước.
Không phân biệt tuổi tác, trình độ, vùng miền, phong trào "Bình dân học vụ số" của tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu rõ ràng: tạo điều kiện để mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, được trang bị công cụ để hội nhập, để vươn lên và tự bảo vệ mình trong thế giới số.
Phong trào cũng là dịp để Hội LHPN các cấp khẳng định vai trò tham gia xây dựng Đảng, phản biện chính sách, giám sát thực thi luật bình đẳng giới, kết nối quyền lợi chính đáng của phụ nữ trong không gian số và đời thực.