Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo kỹ trị với những dấu ấn phát triển kinh tế Việt Nam
Ngày 20/5/2025, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Từ một kỹ sư địa chất, ông đã từng bước trở thành nhà lãnh đạo quốc gia, để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp phát triển kinh tế, hoàn thiện thể chế pháp luật và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy Việt Nam hội nhập quốc tế.
Từ kỹ sư địa chất đến nhà hoạch định chính sách
Khởi đầu sự nghiệp là một kỹ sư địa chất, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trực tiếp tham gia khảo sát, nghiên cứu tại nhiều vùng rừng núi trên khắp đất nước. Ông đã cần mẫn nghiên cứu, khảo sát địa chất và tham gia lập "Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000", phản ánh chi tiết về 1.796 mỏ và điểm quặng của hơn 50 loại khoáng sản. Công trình này không chỉ có giá trị khoa học mà còn đặt nền tảng cho việc hoạch định chiến lược khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp công nhân Công ty Than Khe Chàm trong hầm lò vào năm 2002. Ảnh: TTXVN
Gần ba thập kỷ gắn bó với ngành địa chất khoáng sản, ông không chỉ đảm nhiệm vai trò Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất mà còn đồng chủ biên cụm công trình khoa học "Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000" xuất bản năm 1988, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Những nghiên cứu này đặt nền móng khoa học cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời hỗ trợ hoạch định chính sách phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu - những vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia.
Tư duy kỹ trị, thực tiễn và khoa học hình thành từ giai đoạn này đã trở thành hành trang quý báu để ông bước vào con đường chính trị, kiến tạo những định hướng lớn cho nền kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Kiến tạo nền tảng pháp lý cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trước khi trở thành Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương có 10 năm tham gia điều hành Chính phủ với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987-1991) và Phó Thủ tướng Chính phủ (1992-1997). Ông được giao phụ trách các ngành kinh tế - kỹ thuật như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại, giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông… trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội đầu thập niên 1990.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, năm 1997. Ảnh: TTXVN
Ở thời kỳ đầu đổi mới, khi hệ thống pháp luật kinh tế còn sơ khai, với bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược, ông đã chỉ đạo và tham gia soạn thảo hàng loạt đạo luật nền tảng như Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Phá sản doanh nghiệp (1993), Luật Đất đai sửa đổi (1993), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1995), Luật Dầu khí (1993), Luật Hợp tác xã (1996)... Những văn bản pháp lý này góp phần định hình khung thể chế cho nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, xây dựng chính sách tự chủ tài chính, thành lập các tập đoàn kinh tế và khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước. Những cải cách này tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển - điều kiện không thể thiếu để nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định và hội nhập sâu rộng.

Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cắt băng khởi động tổ máy số 8 Thủy điện Hòa Bình, năm 1994. Ảnh: Sách Hòa Bình - Ánh điện không bao giờ tắt
Với vai trò đại diện thường trực của Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV), ông đã đề xuất duy trì và phát triển quan hệ hợp tác lâu dài với Liên bang Nga sau khi Liên Xô tan rã. Nhờ sự kiên trì và quyết đoán của ông, Việt Nam tiếp tục mua được các tổ hợp thiết bị cho thủy điện Hòa Bình, đồng thời Hiệp định hợp tác dầu khí Việt - Nga được ký lại trên cơ sở nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Qua đó, các dự án chiến lược vẫn được đảm bảo, đóng góp đáng kể vào an ninh năng lượng và phát triển công nghiệp.
Dấu ấn trong quá trình hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền
Trong nhiệm kỳ của mình (1997-2006), nguyên Chủ tịch Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa X. Ảnh: TTXVN
Ông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000. Hiệp định này đã mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là bước ngoặt quan trọng sau bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ năm 1995.
Đồng thời, ông cũng đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đánh dấu cột mốc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này vào tháng 11/2006. Đây là một trong những thành tựu hội nhập quan trọng nhất, đánh dấu bước chuyển mình lớn của đất nước vào nền kinh tế toàn cầu.
Nguyên Chủ tịch Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn để lại dấu ấn sâu đậm trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đề cao vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều luật, nghị định và văn bản pháp luật đã được ban hành, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế và thu hút đầu tư .
Bên cạnh những chính sách vĩ mô, ông luôn quan tâm đến việc lắng nghe tiếng nói của người dân và doanh nghiệp, xem đây là nền tảng để hoàn thiện chính sách. Những chuyến công tác đến các địa phương của ông là minh chứng cho tinh thần cầu thị và trách nhiệm của một nhà lãnh đạo tận tụy, sâu sát với thực tiễn đời sống.
Di sản mà nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại không chỉ nằm ở các thành tựu kinh tế, luật pháp hay hội nhập, mà còn ở tư duy lãnh đạo sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng. Ông là hình mẫu tiêu biểu của một nhà lãnh đạo kỹ trị, luôn gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giữa cải cách thể chế với ổn định chính trị - xã hội.
Ông đã để lại những bài học lớn về sự kiên định, khoa học trong quản lý và tinh thần đổi mới không ngừng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động hiện nay, sự nghiệp và tư duy chiến lược của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nguồn cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo và cộng đồng doanh nhân hôm nay để tiếp nối hành trình hội nhập, phát triển và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.