Phụ nữ dân tộc thiểu số lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới
Phát huy những giá trị tài nguyên bản địa, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại khu vực miền Bắc đã khởi nghiệp với niềm đam mê, nhiệt huyết, khát khao, tinh thần đổi mới sáng tạo. Nhiều dự án khởi nghiệp của các chị đã được vinh danh tại vòng chung kết cấp vùng miền Bắc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023.
Cuộc thi cấp vùng khu vực phía Bắc vừa diễn ra với sự tranh tài của 32 Dự án khởi nghiệp của 18/25 tỉnh thành khu vực miền Bắc, thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng như: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế tạo; chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; giáo dục, du lịch...
Trong đó có 14 thí sinh (chiếm 43,8%) là người dân tộc thiểu số. Sau vòng thi thuyết trình, nhiều dự án có chất lượng của phụ nữ dân tộc đã được ban tổ chức lựa chọn và trao giải.
Các giải Ba của Cuộc thi được trao cho các dự án của phụ nữ DTTS đến từ các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Thái Nguyên
Các dự án đạt giải Khuyến khích
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh: "Có thể nói các dự án/ý tưởng khởi nghiệp dù ở bất kỳ mức độ tham gia nào đều thể hiện niềm đam mê, nhiệt huyết, khát khao, tinh thần đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của đông đảo các tầng lớp phụ nữ.
Tôi đặc biệt trân trọng những nỗ lực vượt bậc của các thí sinh ở độ tuổi không còn trẻ, các thí sinh dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đồng thời xin được bày tỏ sự tự hào, khâm phục tinh thần quyết tâm, sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của các tác giả để tìm ra lời giải cho các vấn đề hiện hữu của cuộc sống, chứng minh một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ vượt qua những khó khăn của khủng hoảng kinh tế, góp phần gia tăng giá trị tài nguyên bản địa và đóng góp cho một Việt Nam phát triển bền vững".
Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương
Với dự án "Xây dựng chuỗi giá trị Hoa hồi, dược liệu dưới tán hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số", chị Hoàng Bích Ngọc (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: "Khi khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân tôi là phụ nữ dân tộc nên chưa mạnh dạn tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội, tiếp cận các lớp học mà chỉ biết lao đầu làm cật lực bằng tay chân.
Trên con đường khởi nghiệp, tôi được tham gia lớp khởi nghiệp khởi sự kinh doanh do Hội LHPN huyện, cấp tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Qua những khóa tập huấn này, tôi được tiếp cận với các kiến thức kinh doanh, được các thầy cô giáo chỉ cho định hướng để phát triển kinh tế. Cuộc thị Phụ nữ khởi nghiệp 2023 giúp tôi có thêm quyết tâm khởi nghiệp, phát triển HTX giúp chị em phụ nữ tại địa phương phát triển kinh tế".
Giành giải Ba tại vòng chung kết miền Bắc, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023 với dự án "Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, Chí chọp", chị Lò Chúc Chi (tỉnh Điện Biên) mong muốn những món đặc sản của dân tộc mình được nâng tầm, được người tiêu dùng mọi miền đón nhận, góp phần tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương và thúc đẩy bình đẳng giới.
Danh sách các dự án của phụ nữ khởi nghiệp DTTS đạt giải cao tại vòng chung kết cấp vùng, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023:
- Giải Nhất: Dự án Phát triển chuỗi giá trị hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng, tác giả Vương Thị Thương (tỉnh Lạng Sơn).
- Giải Ba: Dự án Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, Chí chọp, tác giả Lò Chúc Chi (tỉnh Điện Biên).
- Giải Ba: Dự án Bảo tồn và nhân giống các cây thuốc bản địa kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, tác giải Hà Thị Thơm (tỉnh Hòa Bình).
- Giải Ba: Dự án Khởi nghiệp mô hình kinh doanh online đa kênh trên các nền tảng mạng xã hội giúp bà con vùng Tây Bắc tiêu thụ nông sản, đặc sản và dược liệu, tác giả Khà Thị Hạnh (tỉnh Lai Châu).
- Giải Ba: Dự án Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo bao thai VIETGAP trên địa bàn xã Kim Phượng, Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vĩ, Tân Thịnh, Phúc Chu huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tác giả Hoàng Thị Tân (tỉnh Thái Nguyên).