Phụ nữ cần làm gì để bảo vệ quyền nuôi con sau ly hôn?
Hòi: 'Tôi là người dân tộc Tày, ở Bắc Kạn. Chúng tôi kết hôn năm 2022 và có một con trai 2 tuổi. Trong một lần cãi nhau chồng tôi đuổi tôi ra khỏi nhà nhưng giữ con tôi lại và nói sẽ ly hôn. Nhà chồng cũng nói con tôi là 'của nhà chồng'. Tôi không biết phải làm sao để giữ con hợp pháp'.

Pháp luật nói gì về quyền nuôi con sau ly hôn?
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khi vợ chồng ly hôn, hai bên có quyền thỏa thuận người trực tiếp nuôi con. Nếu không thỏa thuận được, tòa án sẽ quyết định giao con cho bên nào có điều kiện tốt hơn về mọi mặt (tinh thần, vật chất, chăm sóc, giáo dục).
Đặc biệt trẻ dưới 36 tháng tuổi (3 tuổi) sẽ được ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện.
Vì vậy, trong trường hợp ly hôn, người mẹ hoàn toàn có quyền nuôi con hợp pháp nếu con dưới 3 tuổi và không có lý do đặc biệt nào cho thấy mẹ không đủ khả năng chăm sóc con.
Những hiểu lầm phổ biến cần làm rõ
Trong tập quán của nhiều cộng đồng vẫn có hiểu lầm: "Con là của nhà chồng, sau ly hôn phải giao cho chồng hoặc ông bà nội nuôi." Tuy nhiên thực tế pháp luật không phân biệt trai hay gái, nội hay ngoại – con là của cả cha và mẹ. Việc ai nuôi con phải dựa vào điều kiện thực tế, không theo tập quán, thói quen nào.
Bên cạnh đó còn có hiểu lầm: "Phụ nữ không có việc làm thì không được quyền nuôi con." Nhưng Tòa án không chỉ xét điều kiện kinh tế, mà còn xét các yếu tố khác như tình cảm, môi trường sống, khả năng chăm sóc, đạo đức, sự ổn định tinh thần của người nuôi dưỡng. Nhiều phụ nữ dân tộc dù không có việc làm ổn định vẫn có thể được giao nuôi con nếu chứng minh được mình chăm lo tốt cho con.
Nếu bị ép giao con, bị giữ con người mẹ phải làm gì?
Không tự ý giao con khi chưa có phán quyết của tòa án.
Trình báo với công an hoặc Hội Phụ nữ xã/phường nếu bị đe dọa, cưỡng ép giao con, giữ con.
Nếu gia đình chồng giữ con, bắt con có thể nộp đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm bên kia đưa con đi nơi khác.
Nếu tòa giao con cho mẹ nuôi, cha có trách nhiệm gì?
Dù không trực tiếp nuôi con, người cha vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến khi con đủ 18 tuổi hoặc khi con đã trưởng thành nhưng mất khả năng lao động.
Phụ nữ có thể yêu cầu tòa án buộc người cha cấp dưỡng hàng tháng, số tiền cụ thể tùy thu nhập và nhu cầu thực tế của con.
Phụ nữ – dù ở đồng bằng hay vùng cao, dân tộc Kinh hay thiểu số – đều có quyền bình đẳng trong việc nuôi con sau ly hôn. Đừng vì sợ hãi, thiếu hiểu biết mà chấp nhận từ bỏ quyền làm mẹ.
Hãy mạnh dạn đến Hội Phụ nữ, UBND xã, trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc gọi số 111 (Tổng đài bảo vệ trẻ em.