Đại biểu Quốc hội đề nghị chế tài mạnh hơn với vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Sáng 24-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các ĐB đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định để chế tài mạnh hơn, nghiêm minh hơn trong xử lý vi phạm.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

Xử phạt vi phạm phải mạnh hơn

Các ĐB đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, vì thực tiễn thời gian qua, hiện tượng lộ lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Từ những thông tin tưởng như vô hại như: số điện thoại, địa chỉ email, đến thông tin về tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế... đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép. Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát mạnh mẽ, gây bất ổn trong xã hội và ảnh hưởng tới niềm tin của người dân. Trong khi đó, nước ta vẫn chưa có một đạo luật riêng để điều chỉnh đầy đủ và đồng bộ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

 ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành cao với quy định xử phạt vi phạm hành chính 1-5% doanh thu của năm liền trước đối với tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Lý do, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có chế tài nghiêm khắc để bảo vệ dữ liệu cá nhân trước những hành vi thu thập, sử dụng trái phép với mục đích trục lợi. Tuy nhiên, để quy định này khả thi hơn trong thực tiễn, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần bổ sung quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp không có doanh thu, hoặc doanh nghiệp có doanh thu nhưng không có lợi nhuận. Bởi, nếu chỉ căn cứ vào doanh thu của năm liền trước thì sẽ không bao quát được đầy đủ các tình huống phát sinh.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần quy định rõ việc bồi thường thiệt hại khi có hành vi xử lý, xử lý dữ liệu cá nhân trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của chủ thể của cả tổ chức và cá nhân.

 ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) cho rằng, trong nền kinh tế số và xã hội số hiện nay, dữ liệu cá nhân trở thành một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng. Do đó, các quy định của dự luật này phải cân bằng được giữa hai mục tiêu là bảo vệ được quyền riêng tư của cá nhân và phục vụ cho sự phát triển về kinh tế. Do đó, chế tài xử phạt phải nghiêm minh, khả thi, không chỉ là giúp cho bảo vệ người dân mà còn tạo ra môi trường pháp lý, minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Theo ĐB Trần Kim Yến, hiện tại, các chế tài xử phạt vi phạm về quyền riêng tư nói chung và dữ liệu cá nhân riêng tư nói riêng vẫn thấp so với các quốc gia khác, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, chưa đảm bảo được tính răn đe. Vì vậy, việc có chế tài nghiêm khắc hơn, đặc biệt là về xử phạt hành chính, về trách nhiệm dân sự cần quy định rõ ràng hơn, nhất là về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân vi phạm; cần tạo cơ chế thuận lợi để cá nhân bị xâm phạm dữ liệu cá nhân khởi kiện đòi bồi thường; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả liên quan đến vi phạm; bổ sung thêm chế tài hình sự điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân...

Nghiêm cấm các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái phép

Về quyền của chủ thể dữ liệu, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị quy định rõ: chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc từ chối cho phép thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đối với các quyền truy cập, chỉnh sửa và xóa dữ liệu, ĐB đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về yêu cầu chủ thể cung cấp thông tin chính xác và các trường hợp cụ thể mà chủ thể dữ liệu được tự thực hiện quyền này, nhằm bảo đảm tính chính xác của dữ liệu, đồng thời ngăn chặn nguy cơ bị lạm dụng gây sai lệch thông tin.

Đồng thời, theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, cần quy định rõ bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân không chỉ có nghĩa vụ liệt kê, mà phải liệt kê đầy đủ, rõ ràng, không mập mờ các mục đích thu thập và xử lý. Việc này nhằm tránh tình trạng lợi dụng các mục tiêu chung chung, đánh tráo mục đích để hợp thức hóa hành vi vi phạm quyền riêng tư.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cũng bày tỏ đồng tình với việc nghiêm cấm các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái phép. Tuy nhiên, nếu quy định theo hướng cấm tuyệt đối mà không có ngoại lệ hợp lý sẽ gây khó khăn trong thực thi, đồng thời có thể triệt tiêu một số mô hình kinh doanh số hợp pháp đang phát triển. Do đó, ĐB đề nghị sửa quy định này theo hướng: nghiêm cấm hành vi mua bán, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.

 ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, quy định nghiêm cấm hành vi mua bán dữ liệu cá nhân chưa thật rõ, chưa dự tính hết được các trường hợp giao dịch dân sự. Ví dụ, chủ thể tham gia giao dịch có thể lách luật bằng cách giao dịch tặng cho, trao đổi có lợi ích, thuê mượn dài hạn. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu dữ liệu cá nhân có thể thực hiện các giao dịch như hợp đồng mua bán, tặng cho trao đổi, thuê mượn quyền tài sản, dữ liệu cá nhân.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-che-tai-manh-hon-voi-vi-pham-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-post796610.html
Zalo