Phu nhân thủ tướng Anh bị đổ lỗi khi chồng từ chức

Trong những tuần đầy biến động đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chấp nhận từ chức hôm 7/7, cuốn sách của Lord Ashcroft về phu nhân thủ tướng như đổ thêm dầu vào lửa.

Theo The Conversation, cuốn sách có tựa đề First Lady: Intrigue at the Court of Carrie and Boris Johnson cáo buộc bà Carrie Johnson, vợ thủ tướng, là "vấn đề số 1" trong chính quyền của ông Johnson.

Thủ tướng Anh được cho đã trả 120.000 USD để bà Carrie, khi đó mới là bạn gái của ông Johnson, có một công việc tại Văn phòng Đối ngoại vào năm 2019.

Bà Carrie cũng liên quan đến những cuộc tụ tập, bữa tiệc đông người tại Văn phòng Thủ tướng và nơi ở trong thời gian Anh phong tỏa toàn quốc năm 2020.

Phu nhân thủ tướng Anh còn bị cáo buộc tham gia quá sâu vào công việc của chồng, "đến mức thỉnh thoảng thì thầm vào tai ông Johnson những lời nhắc nhở theo đúng nghĩa đen".

 Carrie Johnson, vợ thủ tướng Anh, nhiều lần bị chỉ trích trong suốt 3 năm qua. Ảnh: PA.

Carrie Johnson, vợ thủ tướng Anh, nhiều lần bị chỉ trích trong suốt 3 năm qua. Ảnh: PA.

Tâm điểm của giới truyền thông

Theo The Guardian, Carrie Johnson là phu nhân thủ tướng đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi về ảnh hưởng chính trị của mình hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào, kể từ thời Cherie Blair, vợ cựu Thủ tướng Tony Blair (giữ chức giai đoạn 1997-2007).

Ông Boris Johnson là thủ tướng Anh đầu tiên bước vào căn nhà số 10 phố Downing với bạn gái chứ không phải phu nhân. Thời điểm đó, bà Carrie được nhiều trang báo gọi là "đệ nhất bạn gái".

Bà Carrie là con gái của nhà đồng sáng lập The Independent Matthew Symonds và luật sư Josephine McAfee.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử nghệ thuật tại Đại học Warwick, bà bắt đầu sự nghiệp với vị trí nhân viên phụ trách báo chí cho Đảng Bảo thủ.

Năm 2012, bà làm việc trong nhóm chiến dịch vận động tái tranh cử thị trưởng London của ông Johnson. Ở tuổi 29, bà trở thành giám đốc truyền thông trẻ nhất của Đảng Bảo thủ.

 Bà Carrie được cho tham gia quá nhiều vào công việc chính trị của chồng. Ảnh: Adrian Dennis/AFP.

Bà Carrie được cho tham gia quá nhiều vào công việc chính trị của chồng. Ảnh: Adrian Dennis/AFP.

Năm 2020, ông Johnson gây sốc khi đính hôn với bà Carrie, lúc đó đang mang thai, trong khi chưa hoàn tất thủ tục ly hôn với người vợ thứ 2, luật sư Marina Wheeler.

Theo The Washington Post, cả hai đã bí mật kết hôn vào tháng 5/2021 và hiện có hai con.

Năm 2019, The Times đăng bài viết với tiêu đề: "Johnson tried to give Carrie top Foreign Office job during affair" cáo buộc thủ tướng Anh chi tiền để giúp bà Carrie có một vị trí trong Văn phòng Đối ngoại.

Tuy nhiên, không lâu sau bài viết bị xóa khỏi trang web mà không có bất kỳ lời giải thích nào của The Times.

Người phát ngôn của Carrie Johnson nói với ITV News rằng bài báo "hoàn toàn không đúng sự thật".

Theo BBC, "người phát ngôn của thủ tướng nói rằng ông ấy hiểu câu chuyện là sai sự thật nhưng từ chối trực tiếp phủ nhận nó".

Tuy bài báo gốc đã biến mất, câu chuyện này vẫn được nhắc đi nhắc lại như một scandal lớn trong sự nghiệp chính trị của thủ tướng Anh. Trong bài viết hồi cuối tháng 6, The Washington Post thậm chí khẳng định: "Vụ bê bối Boris Johnson tìm việc cho vợ sẽ không biến mất".

Insider nói rằng bà Carrie hiếm khi có mặt trong các cuộc họp nhưng thích gây ảnh hưởng với chồng bằng cách gọi điện, nhắn tin hoặc nói chuyện riêng. Phu nhân thủ tướng thường tập trung vào các vấn đề mình quan tâm như môi trường, động vật, quyền của LGBTQ+.

Đôi khi bà thích kể chuyện với truyền thông mà không thông qua văn phòng báo chí, đặc biệt là về quyền lợi động vật. Theo bà, những chủ đề như vậy "vượt ra ngoài chính trị truyền thống".

Những người biết phu nhân nói rằng bà thường "phê bình báo chí, đường hướng chính sách hiện tại" và rất quan tâm đến việc bổ nhiệm các cố vấn chính trị.

Tất cả những điều đó khiến bà Carrie luôn trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Nhưng cùng với đó, sự ảnh hưởng và vai trò của bà tại căn nhà số 10 phố Downing bị nhiều người đặt câu hỏi.

 Bà Carrie bước chân vào căn nhà số 10 phố Downing với tư cách bạn gái, chứ không phải phu nhân thủ tướng. Ảnh: Marie Claire.

Bà Carrie bước chân vào căn nhà số 10 phố Downing với tư cách bạn gái, chứ không phải phu nhân thủ tướng. Ảnh: Marie Claire.

3 năm sóng gió

Trong cuốn First Lady: Intrigue at the Court of Carrie and Boris Johnson, Lord Ashcroft viết: "Hành vi của Carrie Johnson đang ngăn cản thủ tướng lãnh đạo nước Anh một cách hiệu quả như những gì mà cử tri đáng được nhận".

Nhưng theo Paul Goodman, biên tập viên của Conservative Home, nhận định này không hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ dù lời khuyên của bà Carrie đúng hay sai, quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay ông Johnson.

"Không phải vợ/chồng, bản thân thủ tướng phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình".

Trên thực tế, nhiều phụ nữ có địa vị cao cũng từng phải đối mặt với những câu hỏi tương tự về vai trò và ảnh hưởng của họ với tư cách là nữ chính trị gia hoặc vợ của chính trị gia.

Năm 1992, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố rằng ông và vợ, bà Hillary, giống như ưu đãi "mua một tặng một" (chọn một người, được 2 người). Ảnh hưởng của bà Hillary tiếp tục khiến mọi người phải chú ý rất lâu sau nhiệm kỳ của chồng.

Nhưng chiến dịch tranh cử tổng thống của chính bà Hillary hơn 20 năm sau đó lại cho thấy những lo ngại khác biệt xung quanh vai trò của vợ và chồng.

Không tập trung vào ông Clinton hay tác động của ông đối với vợ, những người chỉ trích tiếp tục tấn công bà Hillary vì ảnh hưởng trong quá khứ của bà đối với một tổng thống đã rời nhiệm sở hơn một thập kỷ trước đó.

 Nhiều người cũng từng đặt câu hỏi về ảnh hưởng của bà Hillary trong sự nghiệp chính trị của chồng. Ảnh: Justin Sullivan.

Nhiều người cũng từng đặt câu hỏi về ảnh hưởng của bà Hillary trong sự nghiệp chính trị của chồng. Ảnh: Justin Sullivan.

Bà Hillary thậm chí thường bị so sánh với Lady Macbeth, một trong những nhân vật nữ khét tiếng tinh ranh và tham vọng của Shakespeare.

Điều tương tự không xảy ra đối với các nam chính trị gia nổi tiếng, từ Bill Clinton đến Dennis Thatcher (chồng cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher) hay Philip May (chồng cựu Thủ tướng Anh Theresa May).

Philip May được mô tả là người mạnh mẽ như "đá tảng" bên cạnh vợ ông. Bà May từng thừa nhận đã đưa ra quyết định về cuộc bầu cử trước thời hạn vào năm 2017 trong một chuyến đi bộ với chồng.

Bất chấp sự thất bại thảm khốc của cuộc bỏ phiếu đó, ông May dường như đối mặt với rất ít nghi vấn từ công chúng về ý kiến đóng góp của mình.

Tất cả điều này trái ngược hoàn toàn với cách mà truyền thông đã và đang mô tả về phu nhân Thủ tướng Anh đương nhiệm.

Sau khi ông Boris Johnson chấp nhận từ chức, The Guardian đã đăng tải một bài viết về bà Carrie với đoạn kết như sau: "Không như chồng, bà Carrie Johnson sẽ rời phố Downing với phần lớn sự nghiệp còn ở phía trước. Nhưng giống như ông Johnson, bà sẽ muốn và cần phải đổi mới bản thân trước những sóng gió, tranh cãi trong suốt 3 năm qua".

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nhan-thu-tuong-anh-bi-do-loi-khi-chong-tu-chuc-post1334679.html
Zalo