Phòng truyền thống - 'tiếp lửa' dạy tốt, học chăm

Phòng truyền thống trong các trường học là nơi lưu giữ và trưng bày hình ảnh, tư liệu về lịch sử nhà trường ngay từ khi mới thành lập. Qua các buổi tham quan phòng truyền thống, mỗi học sinh sẽ có thêm động lực để phấn đấu, góp phần viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngôi trường thân yêu.

Phòng truyền thống Trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên được xây dựng từ những ngày đầu thành lập trường. Trong đó trưng bày nhiều tài liệu, tranh ảnh về lịch sử hình thành và phát triển của trường với nội dung phong phú: các danh hiệu thi đua mà cá nhân, tập thể nhà trường được trao tặng; ảnh của lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ, được sắp xếp theo trình tự thời gian, dễ xem và dễ nhớ. Trung tâm của Phòng truyền thống là mô hình thu nhỏ về nhà trường, đặt trang trọng trong tủ kính.

Đến thăm Phòng truyền thống, em Bùi Thúy Hằng, học sinh lớp 7A2 chia sẻ: Em ấn tượng nhất là nơi ghi danh những học sinh và giáo viên giỏi của trường qua các năm. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để chúng em - thế hệ đi sau nỗ lực, cố gắng hơn trong học tập, rèn luyện.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Khuyên, Tổng phụ trách Đội của Trường THCS số 1 Phố Ràng cho biết: Phòng truyền thống có đầy đủ thông tin của các thế hệ đi trước, đặc biệt là cựu học sinh của trường đã có nhiều thành tích cao trong học tập. Qua đó, các thế hệ học sinh sau này có động lực học tập và vươn lên khẳng định bản thân và phát huy truyền thống nhà trường. Kể từ ngày thành lập đến nay, Phòng truyền thống đã đón nhiều học sinh cũ của trường về thăm, chia sẻ về những kỷ niệm đã qua với thầy cô giáo và học sinh hiện tại, góp phần “tiếp lửa” để nhà trường nỗ lực dạy tốt và học tốt hơn nữa.

Trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập thành phố Lào Cai, Trường Tiểu học Bắc Lệnh đã ra mắt Phòng truyền thống 3D. Giới thiệu về công trình, cô giáo Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh cho biết: Phòng truyền thống 3D là không gian số hóa đặc biệt, nơi lưu giữ và trưng bày tư liệu lịch sử, thành tích dạy và học, hoạt động văn hóa - văn nghệ của nhà trường. Bằng công nghệ không gian 3D thực tế ảo, mỗi hiện vật, hình ảnh được tái hiện sinh động. Đây thực sự là công cụ giáo dục hiện đại, hữu ích, giúp kết nối và khơi dậy lòng tự hào của học sinh về ngôi trường mình đã và đang theo học. Những học sinh cũ có thể “quay lại” thăm trường qua không gian số hóa dù ở bất kỳ đâu. Phụ huynh và học sinh mới cũng hình dung rõ hơn về ngôi trường sắp tham gia, giúp tăng cường sự gắn kết và niềm tự hào với truyền thống vẻ vang của nhà trường.

Anh Nguyễn Trung Hải Đăng, cựu học sinh Trường Tiểu học Bắc Lệnh chia sẻ: Trải nghiệm Phòng truyền thống 3D khiến tôi vô cùng xúc động, những hình ảnh về trường xưa, thầy cô giáo cũ hiện lên giúp tôi được “sống lại” quãng đời học sinh tươi đẹp dưới mái trường này. Đến nay, nhà trường khang trang hơn nhưng những kỷ niệm về thời còn khó khăn được tái hiện nhắc nhở chúng tôi biết trân trọng hơn, cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với bề dày lịch sử của nhà trường.

Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, sau lễ khai giảng, các giáo viên chủ nhiệm khối lớp 1 sẽ tổ chức tiết học đầu tiên mang tên “Học tập truyền thống của nhà trường”. Tại đây, các em được nghe cô giáo giới thiệu về lịch sử ra đời và phát triển; các thế hệ lãnh đạo, giáo viên qua các thời kỳ và thành tích của nhà trường đã đạt được trong những năm qua. Qua tiết học, các em thể hiện sự ngưỡng mộ, quyết tâm cố gắng học tập và tu dưỡng tốt để đạt thành tích cao, kế thừa và phát huy truyền thống của các anh, chị học sinh đi trước.

Mỗi tấm huy chương, bằng khen hay mỗi bức ảnh đều chứa đựng câu chuyện sinh động về đóng góp của các thế hệ đi trước. Chính vì thế, Phòng truyền thống là “địa chỉ đỏ” giáo dục học sinh tự hào về ngôi trường các em theo học, từ đó ý thức được trách nhiệm của mình cần rèn luyện, học tập để viết tiếp truyền thống tốt đẹp đó.

Thầy giáo Dương Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Cốc Lầu.

Thanh Huệ - Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phong-truyen-thong-tiep-lua-day-tot-hoc-cham-post396574.html
Zalo