Chán quán cafe, giới trẻ Trung Quốc tới Disneyland làm việc

Trong khi mọi người xếp hàng để chơi trò mạo hiểm tại Disneyland Thượng Hải, Cai Cai (22 tuổi) lại chọn ngồi ở băng ghế, đọc giáo trình tiếng Anh.

 Môi trường công viên giải trí có thể truyền cảm hứng và động lực học tập cho một số người.

Môi trường công viên giải trí có thể truyền cảm hứng và động lực học tập cho một số người.

Cai Cai (Trung Quốc), một fan Disney “chính hiệu” từ thuở nhỏ, đã mạnh dạn mua tấm thẻ thường niên có giá 1.399 NDT (khoảng 193 USD) hồi tháng 3 năm ngoái. Trường đại học của cô chỉ cách Shanghai Disneyland chừng 30 phút di chuyển, vì vậy chuyện “tạt qua” công viên bất cứ lúc nào không phải là điều khó khăn, theo Sixth Tone.

Lúc các kỳ thi cận kề, Cai đắn đo tìm cách vừa học vừa tận dụng thời gian giải trí, và sinh viên ngành Toán quyết định gộp cả 2 việc trong cùng một không gian.

Giữa các buổi học, cô tranh thủ đi dạo quanh công viên, chụp ảnh cùng nhân vật Disney, liên tục lặp lại chu trình học – nghỉ – học.

“Tôi muốn thư giãn nhưng lại sợ lãng phí cả ngày ở Disneyland. Vừa học vừa chơi giúp tôi giải tỏa về mặt tinh thần nhưng vẫn làm được việc", cô chia sẻ.

 Với tiếng ồn, dòng người đông đúc, công viên không phải môi trường phù hợp cho những người dễ mất tập trung.

Với tiếng ồn, dòng người đông đúc, công viên không phải môi trường phù hợp cho những người dễ mất tập trung.

Thư viện, văn phòng di động

Trong bối cảnh áp lực học tập và giờ làm việc kéo dài, những địa điểm “không tưởng” để học hành hay làm việc đã dần trở thành lựa chọn quen thuộc của giới trẻ Trung Quốc.

Giờ đây, quán cà phê, sảnh khách sạn, phòng tự học đến karaoke ban ngày, nhà tắm công cộng hay thậm chí là quán bar tổ chức tranh luận học thuật... tất cả đều có thể biến thành “lớp học”, "văn phòng" di động.

Tại Shanghai Disneyland và Universal Studios Beijing, không khó bắt gặp các sinh viên cắm cúi bên sách vở ở khu vực quán cà phê ngoài trời, hay nhân viên văn phòng lật dở tài liệu giữa lúc chờ đến lượt chơi tàu lượn.

Có người tìm chỗ ngồi ở các khu nghỉ chân, máy tính bảng hoặc sổ tay luôn sẵn sàng, trong khi số khác tranh thủ học vào những khung giờ vắng khách, đợi buổi diễu hành hoặc màn pháo hoa để “thưởng” cho bản thân.

 Những người trẻ đang tận dụng thẻ thường niên để vừa học vừa giải mà vẫn tối ưu chi phí.

Những người trẻ đang tận dụng thẻ thường niên để vừa học vừa giải mà vẫn tối ưu chi phí.

Xu hướng này đặc biệt phổ biến với những người sở hữu thẻ thường niên, vì chỉ cần vài lần ghé thăm là họ gần như hoàn lại vốn. Chẳng hạn, tại Universal Studios, sinh viên có thể mua thẻ với giá 988 NDT (khoảng 137 USD). Sau 3 lần đến công viên, chi phí này xem như “hòa vốn”, khiến việc đầu tư vào thẻ trở nên hấp dẫn hơn cho những ai thường xuyên lui tới.

Trào lưu “vừa học vừa chơi” tại các công viên cũng trở thành chủ đề nóng mạng xã hội Trung Quốc. Điển hình trên Xiaohongshu, chỉ cần tìm từ khóa “học bài ở Disney” hoặc “tự học tại Universal Studios” sẽ thấy hàng nghìn bài đăng, với vô số bí kíp chọn góc học, sắp xếp thời gian và thậm chí cả cách tranh thủ xếp hàng để ôn bài.

Không gian làm việc hiệu quả

Dù được nhiều người ủng hộ, không ít ý kiến cho rằng công viên giải trí khó là môi trường học lý tưởng, khi tiếng ồn, dòng người đông đúc và vô số yếu tố gây xao nhãng khó đảm bảo khả năng tập trung. Một số người còn mỉa mai đây chỉ là “màn biểu diễn học tập,” chủ yếu để "phông bạt" thay vì thực sự đào sâu kiến thức.

Tuy nhiên, với Xian Douhua (26 tuổi, Trung Quốc), nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Y khoa, công viên giải trí lại mang đến nguồn năng lượng thư viện không thể có.

Trước đây, Xian từng thích ngồi ở các quán cà phê nhờ tiếng ồn trắng (white noise) giúp cô tập trung hơn. Thế nhưng từ khi thử đến Universal Studios ở Bắc Kinh (Trung Quốc), cô bất ngờ nhận ra không khí sôi động ở đây khiến việc đọc tài liệu nghiên cứu ít “khó nuốt” hơn.

“Thấy mọi người ăn mặc đẹp, tràn ngập niềm vui, tôi cũng thấy nhẹ nhõm và bớt áp lực khi ngồi viết luận”, Xian chia sẻ.

 Nhiều người trẻ coi đây là cách “phần thưởng” cho bản thân sau những giờ học tập căng thẳng.

Nhiều người trẻ coi đây là cách “phần thưởng” cho bản thân sau những giờ học tập căng thẳng.

Từ mùa hè năm ngoái, Gen Z tuân thủ lịch trình quen thuộc: đến công viên khoảng giữa trưa, học khi chưa đến giờ các buổi biểu diễn, và thường ra về tầm 19h hoặc 20h. Để tiết kiệm thời gian, Xian chọn những trò chơi có thời gian chờ dưới 30 phút.

Song, Xian thừa nhận không phải ai cũng phù hợp với kiểu học này.

“Nếu bạn dễ bị xao nhãng hoặc có những công việc gấp rút, thư viện vẫn là nơi hiệu quả hơn”, cô nói.

Để giữ sự riêng tư và hạn chế ảnh hưởng đến du khách khác, Xian thường tìm những góc yên tĩnh, ví dụ quán ăn ít người, và ưu tiên đi vào khung giờ thấp điểm.

Cô cho rằng chỉ cần tuân thủ đúng nội quy, việc thử học tập tại công viên giải trí là một trải nghiệm đáng để thử ít nhất một lần.

Như Phương

Ảnh: Xiaohongshu.

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/disneyland-thanh-van-phong-mo-cua-nguoi-tre-trung-quoc-post1527346.html
Zalo