Phong Thổ: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Khi hoa đào, hoa mai trên khắp các triền đồi, vườn nhà của các gia đình nở rộ, báo hiệu mùa xuân mới đang về, gác lại mọi công việc đồng áng, nhân dân huyện Phong Thổ đang tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Nhất là các chị em đua tài khéo léo may những bộ trang phục truyền thống diện ngày Tết; các ông, các bà tập luyện múa hát trình diễn vào các lễ hội đầu xuân. Ai ai cũng tưng bừng phấn khởi để chờ đón xuân sang, điều quan trọng là góp sức nhỏ trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong thời kỳ mới.
Đi dọc các xã vùng cao biên giới như Dào San, Pa Vây Sử, Mồ Sì San, Vàng Ma Chải những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi gặp hình ảnh của các bà, các chị đang ngồi dưới hiên nhà thêu những họa tiết sặc sỡ trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc: Mông, Hà Nhì, Dao. Tùy vào từng địa phương, từng nhóm ngành dân tộc mà họa tiết trang trí trên váy, áo, mũ khác nhau.
Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã biên giới với hơn 8,4 vạn người, 9 dân tộc cùng sinh sống như: Dao, Mông, Thái, Kinh, Hà Nhì, Hoa, Giáy… Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, thời gian qua, các cấp, các ngành huyện Phong Thổ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phong Thổ giai đoạn 2021-2025”.
Mặt khác, huyện Phong Thổ lựa chọn một số giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sức cạnh tranh, thu hút du khách. Xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc riêng của địa phương kết hợp với du lịch cộng đồng nhằm đưa du lịch Phong Thổ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 bản du lịch cộng đồng, gồm: bản văn hóa du lịch cộng đồng Vàng Pheo (Mường So), bản Sin Suối Hồ - bản du lịch cộng đồng ASEAN thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Mông.
Được biết, thực hiện Nghị quyết số 04, từ năm 2021 đến nay, huyện Phong Thổ đã thực hiện sưu tầm và tổ chức phục dựng thành công 8 Lễ hội truyền thống gồm: Đua thuyền, Nàng Han, Then Kin Pang, Kin lẩu khẩu mẩu (dân tộc Thái); Gầu tào, Cúng thần rừng (dân tộc Mông); Tết quả trứng (dân tộc Hà Nhì); Lộc xuân (dân tộc Dao). Bảo tồn, phát huy 4 Di sản văn hóa phi vật thể: trò chơi kéo co trong nghi lễ dân tộc Thái; di sản nghệ thuật hát then đàn tính dân tộc Thái; di sản nghệ thuật múa xòe dân tộc Thái; lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông. Vận động đồng bào các dân tộc duy trì mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, tết và các sự kiện quan trọng của đồng bào các dân tộc; các trường học tổ chức cho học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc vào ngày thứ 2 đầu tuần, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa.
Riêng trong năm 2024, ngoài duy trì tổ chức 8 lễ hội, huyện Phong Thổ hỗ trợ duy trì tổ chức lễ hội Áp hô chiêng của dân tộc Thái xã Mường So sau khôi phục; lồng ghép hỗ trợ cho 149/177 đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện; hỗ trợ trang thiết bị 78 nhà văn hóa, xây dựng 5 nhà văn hóa, đầu tư cho bản du lịch Sin Suối Hồ từ nguồn vốn Dự án 6 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tổng nguồn vốn hỗ trợ trên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, huyện phối hợp với các sở, ngành tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền dạy nghề thủ công truyền thống cho các thế hệ trẻ như: đan lát, chế tác đàn tính, hướng dẫn viên du lịch…
Được dự các lễ hội như: Nàng Han, Then Kin Pang hay Gầu tào của huyện Phong Thổ, chúng tôi và du khách được hòa mình vào không gian văn hóa vô cùng đặc sắc. Ở đó, du khách không chỉ được ngắm nhìn các thiếu nữ rạng ngời trong bộ trang phục truyền thống dân tộc; thưởng thức các tiết mục văn nghệ ca - múa - nhạc hấp dẫn; xem các nghệ nhân thi tay nghề, thực hành di sản; trải nghiệm các hoạt động như bắt cá suối, chơi trò chơi dân gian (đánh yến, tung còn, tó má lẹ, ném pao, đẩy gậy, bịt mắt đánh chiêng, đi cà kheo…); đắm chìm trong các hương vị hấp dẫn của những món ẩm thực độc đáo của dân tộc Thái, Mông…
Ông Thùng Văn Được ở bản Vàng Pheo (xã Mường So) vui mừng cho biết: Năm nào có lễ hội là tôi cũng tham gia với vai trò là nghệ nhân biểu diễn văn nghệ. Với tôi văn hóa dân tộc rất quý giá, là cội nguồn để nhớ về tổ tiên. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm và răn dạy con cháu phải luôn gìn giữ “hồn cốt” của dân tộc Thái từ trang phục, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, âm nhạc, kiến trúc nhà ở. Dù hơn 70 tuổi, nhưng hiện nay tôi vẫn giữ và truyền nghề đan lát, chế tác đàn tính cho thế hệ trẻ; làm các sản phẩm từ nghề truyền thống dân tộc để bán. Khi tỉnh, huyện có chủ trương về phát triển du lịch cộng đồng, gia đình tiên phong sửa sang nhà sàn để làm homestay đón khách du lịch. Tôi rất vui khi nhân dân trong bản luôn đoàn kết gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Mùa xuân đã về, khắp các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Phong Thổ, nhân dân đang hăng say tập luyện văn nghệ, náo nức để chuẩn bị cho các lễ hội đầu xuân. Bà Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết thêm: Mùa xuân là mùa của lễ hội. Trong mùa xuân này, huyện có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Gầu tào, Đua thuyền, Nàng Han, Then Kin Pang, Lộc Xuân. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo cho các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức lễ hội, có những chương trình, điểm nhấn mới nhằm thu hút đông đảo du khách đến với địa phương. Trong năm 2024, toàn huyện đã thu hút hơn 80.000 lượt khách đến huyện, địa bàn huyện, doanh thu hoạt động du lịch ước đạt trên 20 tỷ đồng. Hy vọng trong năm 2024, Phong Thổ sẽ đón được nhiều hơn nữa du khách trong nước, quốc tế đến dự lễ hội và du lịch tại các bản du lịch nổi tiếng ở địa phương.