Phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em: Không thể chủ quan

Vào mỗi dịp nghỉ hè, số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em lại tăng lên. Nguyên nhân là do trẻ được nghỉ học, dành nhiều thời gian ở nhà hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời nhưng thiếu sự giám sát của người lớn. Để mùa hè không trở thành nỗi lo, chúng ta cần chủ động phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ.

Được tham gia buổi dạy học thực tế với chủ đề “Dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn” của cô và trò Lớp lớn 1, Trường Mầm non Hoa Mai (Quân chủng Phòng không-Không quân), chúng tôi thấy buổi học là một trải nghiệm sinh động và bổ ích với các em. Trong buổi học, các em được thử thách thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp. Mỗi bé được phát một khăn tay ướt nhỏ, lần lượt theo sự hướng dẫn của cô giáo và cán bộ hướng dẫn, các em nối đuôi nhau bò theo hàng, men theo vạch chỉ dẫn để thoát ra ngoài sân trường, nơi an toàn được chỉ định. Tiếng hô “cúi thấp người-bịt mũi-nhanh chóng di chuyển” của cô giáo vang lên. Dù có vài bé còn rụt rè, loay hoay, nhưng phần lớn đều tỏ ra háo hức, phối hợp tốt. Sau lần đầu, các em còn được thực hành thêm hai lượt để ghi nhớ kỹ năng. Cô giáo Bùi Thị Kim Anh, Chủ nhiệm Lớp lớn 1 cho biết: “Học sinh mầm non tuy còn nhỏ tuổi nhưng nếu được hướng dẫn đúng cách thì các con sẽ tiếp thu rất nhanh. Những gì các con học được hôm nay sẽ có thể cứu được bản thân hoặc ai đó ngày mai”.

 Học sinh Trường Mầm non Hoa Mai thực hành kỹ năng bảo vệ đường hô hấp trong hỏa hoạn.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Mai thực hành kỹ năng bảo vệ đường hô hấp trong hỏa hoạn.

Có thể thấy, với tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ hiện nay, những giờ học như vậy rất quan trọng. Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu, kế đến là tai nạn giao thông, ngã, bỏng, ngộ độc và tai nạn sinh hoạt... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em, nhưng tựu trung có thể phân thành 3 nhóm chính: Thiếu sự giám sát, trẻ bị tai nạn khi không có người lớn trông coi; thiếu kiến thức và kỹ năng phòng tránh tai nạn. Cả trẻ em lẫn phụ huynh nhiều khi chưa được trang bị kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm. Chẳng hạn, việc dạy trẻ biết tránh xa ổ điện, không chơi gần nước, hoặc kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn vẫn còn hạn chế trong chương trình giáo dục; môi trường sống tiềm ẩn nguy cơ, các vật dụng trong gia đình như nồi cơm điện, dao kéo, hóa chất tẩy rửa, ổ cắm điện... nếu không được bảo quản đúng cách sẽ trở thành “bẫy tử thần” cho trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng, cho biết: “Qua quá trình nghiên cứu nhiều năm tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy nguy cơ tai nạn thương tích luôn hiện hữu trong cộng đồng, đặc biệt trong từng giai đoạn phát triển của trẻ em. Trẻ em ở độ tuổi phát triển thường rất hiếu động, thích chơi, khám phá và thử thách bản thân nên rất dễ tiếp xúc với các tình huống nguy hiểm. Việc đào tạo, giáo dục kỹ năng sống an toàn cho trẻ hiện nay còn rất hạn chế. Hoạt động đào tạo kỹ năng sống mới chỉ dừng lại ở một số tiết học lý thuyết hoặc thực hành như dạy bơi an toàn, nhưng điều kiện về cơ sở vật chất như bể bơi đạt chuẩn còn nhiều hạn chế nên trẻ em ít có cơ hội được thực hành đầy đủ”.

Gia đình phải là “lá chắn” đầu tiên bảo vệ trẻ. Việc lắp đặt các thiết bị an toàn trong nhà, không để trẻ tiếp cận những vật dụng nguy hiểm, tăng cường thời gian giám sát, nhất là trong các kỳ nghỉ hè là việc làm cần thiết. Nhà trường có thể lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn thương tích vào các tiết học kỹ năng sống, tổ chức ngoại khóa như tập huấn bơi lội, sơ cứu, phòng cháy, chữa cháy. Chính quyền địa phương cần rà soát, phát hiện các khu vực tiềm ẩn nguy cơ như ao, hồ không có rào chắn, công trình xây dựng bỏ hoang, điểm vui chơi xuống cấp... để có biện pháp cải tạo, cảnh báo hoặc ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn thương tích.

“Trong năm học, trẻ thường ở trường hoặc học bài ở nhà nên thời gian tiếp xúc với nguy cơ bị hạn chế. Nhưng vào dịp hè, thời gian các em mong chờ nhất lại là lúc nguy cơ tai nạn thương tích tăng cao do trẻ tự do khám phá, chơi đùa ở những khu vực không an toàn. Ở nông thôn, nơi còn nhiều không gian trống, các em thường ra khu vực ao, hồ, sông, suối quanh nhà để chơi. Do vậy, tôi cho rằng các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con em mình về các nguy cơ mất an toàn”, PGS, TS Phạm Việt Cường cho biết thêm.

Tai nạn thương tích ở trẻ em hoàn toàn có thể phòng tránh nếu người lớn không chủ quan, luôn đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Mỗi hành động nhỏ hôm nay, từ việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ, giám sát con đúng cách, cho đến xây dựng môi trường sống an toàn, chính là cách chúng ta bảo vệ trẻ em trước những tai nạn thương tích.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phong-ngua-tai-nan-thuong-tich-o-tre-em-khong-the-chu-quan-829724
Zalo