Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sau mưa lũ

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi trời mưa nhiều, độ ẩm tăng cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, do đó thức ăn dễ bị ôi, thiu, mốc và sinh ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm.

 Nếu nguồn nước đã bị ô nhiễm, người dân có thể sử dụng nước khoáng đóng chai để uống và chế biến thực phẩm tạm thời cho đến khi nguồn nước được xử lý sạch sẽ trở lại. Ảnh minh họa: LĐ

Nếu nguồn nước đã bị ô nhiễm, người dân có thể sử dụng nước khoáng đóng chai để uống và chế biến thực phẩm tạm thời cho đến khi nguồn nước được xử lý sạch sẽ trở lại. Ảnh minh họa: LĐ

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn lưu ý, sau mưa lũ, người dân không nên sử dụng thực phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng, thối, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng,… Không ăn thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản chết bệnh, chết đuối, chết không rõ nguyên nhân. Cần rửa thực phẩm với nguồn nước sạch, không dùng nguồn nước đã bị ô nhiễm để rửa hay chế biến thực phẩm. Luôn ăn chín, uống sôi để đảm bảo diệt hết vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm, nước uống.

"Nếu không thể mua được thực phẩm tươi sống, người dân có thể ưu tiên dùng đồ đóng gói như lương khô, mì tôm, bánh ngọt, xúc xích, sữa tươi,… để chống chọi qua thời điểm bão lũ. Sau đó khi khu vực sinh sống đã ổn định lại nguồn thực phẩm thì người dân có thể tiếp tục ăn uống đủ các nhóm chất. Nếu nguồn nước đã bị ô nhiễm, người dân có thể sử dụng nước khoáng đóng chai để uống và chế biến thực phẩm tạm thời cho đến khi nguồn nước được xử lý sạch sẽ trở lại. Trường hợp nguồn nước đóng chai không đủ, có thể áp dụng biện pháp xử lý nước sinh hoạt trong mùa lũ như sử dụng phèn chua theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có nguồn nước sạch sử dụng tạm thời, chờ đến khi điện nước có trở lại. Đặc biệt, đối với người dân các tỉnh vùng sâu, vùng xa, không nên hái những cây rừng, quả rừng, nấm dại không rõ nguồn gốc để ăn vì dễ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm" - Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn tư vấn.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Khi ăn phải thực phẩm hay nước uống có chứa tác nhân gây ngộ độc như vi khuẩn, virus, chất độc, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm sẽ có các triệu chứng khác nhau tùy vào nguyên nhân gây ngộ độc và mức độ ngộ độc. Nhẹ thì đau bụng, nôn và buồn nôn, bị tiêu chảy, có dấu hiệu mất nước như khát nước, môi khô, mắt trũng, nếp véo da mất chậm, mệt mỏi, tiểu ít, nước tiểu màu vàng sậm hoặc không có nước tiểu. Triệu chứng của nhiễm trùng là sốt cao, vã mồ hôi, đau đầu, chóng mặt, đau cơ bắp. Ngộ độc nặng có thể có thêm các triệu chứng như mạch nhanh, tụt huyết áp, mệt mỏi, li bì, co giật, ngưng tim, ngưng thở…

Trong trường hợp người bị ngộ độc thực phẩm không thể được di chuyển ngay đến trạm xá hay bệnh viện thì cần sử dụng một số biện pháp sơ cứu, xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm tại nhà. Người bị ngộ độc có thể tự gây nôn bằng cách đặt ngón trỏ vào cạnh lưỡi để kích thích phản xạ nôn, giúp tống chất độc ra nhanh hơn. Uống oresol được pha đúng tỷ lệ để bù điện giải. Sử dụng men vi sinh để cải thiện hệ vi sinh và tăng cường miễn dịch cho đường ruột.

Nếu người bệnh có biểu hiện nghiêm trọng như mất nước nặng, rối loạn ý thức, co giật, suy hô hấp, li bì, cần theo dõi nhịp tim, nhịp thở liên tục. Nếu bệnh nhân thấy khó thở, người nhà có thể kéo lưỡi của người bệnh ra để giúp dễ thở hơn. Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi trong lúc đợi tình trạng cách ly được cải thiện và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham-sau-mua-lu-20240923174639152.htm
Zalo