Phòng ngừa dịch sốt xuất huyết từ ô nhiễm kênh rạch

Sâu trong nội thành TPHCM, những bờ kênh, mương chứa đầy rác thải là nơi trú ngụ lý tưởng cho muỗi, tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch sốt xuất huyết (SXH) trong cộng đồng dân cư.

Nguy cơ bùng dịch SXH

Nhiều kênh rạch trong nội thành như rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), kênh Tàu Hủ, kênh Đôi (quận 8), kênh A41 (quận Tân Bình), rạch Chín Xiểng (quận Gò Vấp)… hiện đen ngòm vì ô nhiễm bởi rác và nước thải sinh hoạt. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, đây còn là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi phát triển, nguy cơ bùng phát những ổ dịch SXH ở khu vực này rất cao. Người dân sống quanh những con kênh rạch này cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương, tình nguyện viên thường xuyên tổ chức các đợt vớt rác, lắp phao chắn rác, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại tiếp tục thấy rác xuất hiện dày đặc.

Đi dọc theo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), chúng tôi thấy môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, rác thải chất đống hai bên bờ, nước đen kịt cả dòng kênh, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Ông Trần Hữu Cảnh, người dân sống cạnh con kênh, kể: “Mùa mưa năm nay, muỗi sinh trưởng nhiều lắm. Người dân ở đây phải sống chung với rác, với nước thải hôi tanh và muỗi suốt hàng chục năm qua. Ngay cạnh nhà tôi, trong tuần qua đã có 2 ca SXH do muỗi đốt, phải nhập viện cấp cứu. Buổi tối hầu như gia đình nào cũng phải đóng kín cửa, giăng màn mới có thể ngủ ngon”.

 Rạch Chín Xiểng (quận Gò Vấp, TPHCM) ngập tràn rác thải sinh hoạt, màu nước đen ngòm

Rạch Chín Xiểng (quận Gò Vấp, TPHCM) ngập tràn rác thải sinh hoạt, màu nước đen ngòm

Tại rạch Chín Xiểng (phường 5, quận Gò Vấp), tình trạng ô nhiễm không kém phần nghiêm trọng. Nhiều loại rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh trên bề mặt rạch, hai bên bờ là đủ các loại rác, chai lọ, xà bần... Dọc theo con rạch, chúng tôi nhận thấy hầu như không có dòng chảy, nước thải sinh hoạt; nước mưa tích tụ, ứ đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối.

Ông Trần Văn Ân, sống cạnh rạch Chín Xiểng, bày tỏ: “Rác thải đầy khắp rạch, nước ô nhiễm và dòng chảy gần như tắc nghẽn nên gây ra mùi hôi tanh bốc lên cả ngày lẫn đêm, cuộc sống người dân xung quanh rạch bị ảnh hưởng. Thời gian gần đây, tình trạng ruồi muỗi phát sinh nhiều do thời tiết ẩm thấp, mưa nắng thất thường. Mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp cải tạo, làm sạch con rạch để môi trường sống được trong lành hơn”.

Chủ động phòng tránh

TPHCM đang trong mùa mưa, môi trường nóng ẩm, dễ phát sinh nhiều muỗi và lăng quăng ở các ổ nước tù đọng, kênh rạch, bãi rác… Đây là thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh SXH. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần 34 (từ ngày 19-8 đến ngày 25-8), TPHCM ghi nhận thêm 301 trường hợp mắc bệnh SXH, cao hơn 3,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca SXH tại TPHCM tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 34 là 6.091 ca.

Bác sĩ CKII Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), cho rằng, do tâm lý chủ quan nên một số trường hợp bị SXH nhập viện điều trị muộn, dẫn đến bệnh diễn tiến nhanh và trở nặng. Người bệnh SXH sẽ bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có các dấu hiệu như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, phát ban, đau nhức toàn thân... Trường hợp bệnh nặng sẽ có thể kèm theo triệu chứng vật vã, lừ đừ, đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, nôn nhiều.

“Trung gian truyền bệnh SXH Dengue chủ yếu là muỗi vằn Aedes aegypti và Aedes Albopictus. Môi trường mặt nước tù đọng hoặc nơi ẩm ướt, ít ánh sáng là điều kiện để muỗi đẻ trứng sinh trưởng, hút máu và truyền virus Dengue từ người bệnh sang cho người lành. Để phòng tránh SXH, người dân cần dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước, không để lăng quăng phát triển.

Ngoài ra, cần ngủ mùng, tiêu diệt muỗi bằng cách dùng bình xịt muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... Khi phát hiện địa điểm dịch bệnh hoặc có nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi vằn, người dân cần thông báo với y tế địa phương để có biện pháp xử lý”, bác sĩ CKII Trần Thị Vân Anh nêu ý kiến.

Còn theo bác sĩ Phan Nguyễn Liên Anh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), hiện số ca SXH nội trú tại bệnh viện đang dao động ở mức 30-35 ca, riêng bệnh ngoại trú khoảng 40 ca/ngày, trong đó có 2 ca đang phải điều trị hồi sức tích cực do bệnh trở nặng. SXH có nguy cơ gây biến chứng cao và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.

Do vậy, khi có các dấu hiệu đáng nghi, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, SXH chưa có thuốc đặc trị, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, để tránh bệnh trở nặng và nguy hiểm đến tính mạng thì người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ, hướng dẫn của bác sĩ.

ThS - Bác sĩ Lê Hữu Cường, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, thông tin, tính từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn quận có tổng cộng 122 ca bệnh SXH, ghi nhận 7 ổ dịch, giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình bùng phát dịch SXH, nhiều tháng qua, trung tâm y tế phối hợp với các lực lượng địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như tuyên truyền người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, phun thuốc diệt muỗi ở những khu vực có nguy cơ và những khu vực bùng phát dịch. Bên cạnh đó, hàng ngày nhân viên y tế tại trung tâm đến khảo sát tại 16 trạm y tế phường trên địa bàn để nắm tình hình dịch bệnh, điều tra các ca bệnh để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

BÙI TUẤN - KIM HUYỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phong-ngua-dich-sot-xuat-huyet-tu-o-nhiem-kenh-rach-post760545.html
Zalo