Phòng GD&ĐT Châu Thành và chủ trương xã hội hóa tủ sách thư viện trường học
Những tủ sách đến với các nhà trường giúp cho học sinh thêm hiểu biết, thêm tin yêu cuộc sống để vươn lên trong học tập ngày một tốt hơn.
Hiện nay, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có 4 nhà giáo. Cô Huỳnh Thị Thanh Tuyền - Trưởng phòng và 3 phó trưởng phòng, gồm: thầy Lâm Chí Thành; thầy Hồ Minh Thông; thầy Nguyễn Long Hồ.
Bốn lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hiện nay có hàng chục năm gắn bó, công tác cùng nhau đã tạo ra khối đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chuyên môn.
Đó cũng là điểm tựa giúp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành thực hiện chủ trương xã hội hóa tủ sách thư viện các trường đạt được nhiều thành công. Từ năm 2018 cho đến nay (tháng 12/2024), Phòng Giáo dục và Đào tạo đã vận động 11.967 cuốn sách cho 16 thư viện trường học với tổng kinh phí là 480.000.000 đồng.
Chủ trương xã hội hóa tủ sách thư viện các trường tiểu học
Tính đến năm học 2024-2025, ngành Giáo dục huyện Châu Thành có 12 trường trung học cơ sở; 27 trường tiểu học và 14 trường mẫu giáo. Chính vì số lượng trường học nhiều, không thể vận động xã hội hóa luôn một lúc được nên lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tính toán kĩ lưỡng việc xã hội hóa thư viện cấp học nào trước được bàn thảo kỹ lưỡng.
Sau khi phân tích các yếu tố, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo lựa chọn cấp tiểu học bởi đây là cấp học đầu tiên của bậc phổ thông. Nếu được đầu tư, chăm sóc, dạy dỗ tốt về tri thức, tâm hồn sẽ tạo tiền đề tốt cho các em phát triển sau này.
Việc chú trọng đầu tư vào các thư viện trường học để tủ sách của mỗi nhà trường có thêm nhiều đầu sách nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu, khám phá tri thức của cả thầy và trò tại các đơn vị là một việc làm thiết thực, phù hợp với thực tế và khả năng của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Khi đã có chủ trương, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Thành đã xây dựng kế hoạch kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức trong ngoài địa bàn chung tay, góp sức xây dựng tủ sách thư viện ở các trường tiểu học trên địa bàn. Điều thuận lợi nhất là lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tiếp cận và gặp được đại diện Ban quản trị chương trình “Đáp đền tiếp nối” trên địa bàn An Giang.
Khi gặp được Ban quản trị chương trình “Đáp đền tiếp nối”, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đã trình bày chủ trương, những khó khăn mà nhiều trường tiểu học trên địa bàn đang gặp phải. Đó là kinh phí mua sắm, trang bị các đầu sách cho thư viện còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được yêu cầu cho thầy và trò ở các nhà trường.
Chia sẻ về cơ duyên tài trợ các tủ sách cho thư viện trường tiểu học trên địa bàn huyện trong những năm vừa qua, ông Hồ Quốc Thái - đại diện của chương trình “Đáp đền tiếp nối” tại tỉnh An Giang tâm sự: “Khi biết Phòng Giáo dục có chủ trương xã hội hóa tủ sách thư viện các trường tiểu học, chúng tôi đã kết nối với cô Huỳnh Thị Thanh Tuyền, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành và báo với Ban quản trị chương trình “Đáp đền tiếp nối” kế hoạch tài trợ.
Những năm đầu, mỗi năm chúng tôi tài trợ 2 cho trường tiểu học nhưng đối với năm 2024 này, chúng tôi đã tài trợ cho 4 trường tiểu học vì thấy học sinh các trường trên địa bàn còn thiếu thốn nhưng các em rất ham đọc, ham hiểu biết. Chính vì thấy học sinh ở các nhà trường khai thác tủ sách tài trợ hiệu quả nên chúng tôi dự kiến năm 2025 tới đây sẽ tiếp tục tài trợ thêm 4 trường nữa”.
Chia sẻ về việc xã hội hóa tủ sách ở các trường tiểu học, cô Huỳnh Thị Thanh Tuyền, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cho biết, nhiều năm nay, lãnh đạo Phòng rất trăn trở về phát triển văn hóa đọc cho học sinh, nhất là ở cấp tiểu học.
Bởi, nếu làm tốt công việc này sẽ tạo cho học sinh được thói quen tốt, làm tiền đề cho các em phát triển về tâm hồn, trí tuệ. Vì thế, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chúng tôi đã bàn bạc với nhau tìm nguồn tài trợ sách đến các nhà trường.
Điều may mắn là chúng tôi gặp được chú Hồ Quốc Thái- người đại diện chương trình “Đáp đền tiếp nối” tại tỉnh An Giang. Những năm qua, các chú đã tài trợ tủ sách cho 16 trường tiểu học trên địa bàn.
Đa số những đầu sách hướng đến chủ đề: văn hóa, lịch sử, rèn luyện kỹ năng sống, truyện tranh nên rất ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, góp phần phát triển văn hóa đọc cho học sinh ở nhiều trường học. Từ đó, hướng đến các kĩ năng tự đọc, tự học và phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chính từ những kế hoạch cụ thể, thiết thực của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo nên từ năm 2018 cho đến nay (tháng 12/2024), chương trình “Đáp đền tiếp nối” tại tỉnh An Giang đã tài trợ cho thư viện 16 trường tiểu học trên địa bàn huyện Châu Thành với số lượng 11.967 cuốn sách. Tổng kinh phí tài trợ là 480.000.000 đồng.
Những cuốn sách nhân lên cơ hội học tập cho học trò
Nói về chương trình tủ sách “Đáp đền tiếp nối”, thầy Nguyễn Văn Xê- chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cho biết: Trước đây, khi còn làm Hiệu trưởng trường Tiểu học A Vĩnh An, được Ban quản trị chương trình “Đáp đền tiếp nối” tài trợ tủ sách cho thư viện nhà trường, tôi mừng lắm. Bởi, số lượng sách trong thư viện nhà trường ít ỏi. Trong khi, kinh phí của nhà trường còn hạn hẹp, học sinh thiếu sách để đọc nên việc tiếp nhận được tài trợ hơn 500 cuốn sách có một ý nghĩa rất đặc biệt với cả thầy và trò.
Sau này, khi về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, bản thân tôi có dịp cùng các chú trong đoàn tài trợ về các nhà trường càng cảm nhận rõ niềm vui của lãnh đạo, giáo viên và học sinh ở các nhà trường.
Nhìn các em học sinh say mê bên những cuốn sách trong những giờ ra chơi hay những buổi vào trường sinh hoạt ngoại khóa mới cảm nhận thấy ý nghĩa to lớn của việc tài trợ sách. Từ đó, càng trân quý những việc làm của nhà tài trợ và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đã dành sự quan tâm đặc biệt đến thư viện các trường tiểu học trong những năm học vừa qua.
Một chủ trương vì lợi ích cho học trò
Cô Huỳnh Thị Thanh Tuyền, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Tính đến thời điểm này, chương trình “Đáp đền tiếp nối” tại tỉnh An Giang đã tài trợ cho 16 trường tiểu học trên địa bàn.
Chúng tôi biết ơn chương trình “Đáp đền tiếp nối” nhiều lắm. Và, thông qua kết quả này, bản thân tôi cảm thấy may mắn khi được đồng hành cùng các phó trưởng phòng; các chuyên viên đang công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Bởi, kế hoạch được chúng tôi bàn bạc, tính toán và hỗ trợ nhau. Tất cả vì mong muốn học sinh trên địa bàn có được những đầu sách hay, bổ ích. Từ đó, giúp cho các em lĩnh hội được những kiến thức cần thiết, làm giàu cho tâm hồn và trí tuệ".
Từ những chia sẻ của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cho thấy, một khi lãnh đạo ngành có quyết tâm, đặt quyền lợi của người dân mà đối với ngành giáo dục- đó là những học trò lên trên hết thì sẽ nhận được sự đồng thuận, chung tay của những nhà hảo tâm đối với sự phát triển của ngành giáo dục.
Đặt những việc làm của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành chủ trương xã hội hóa thư viện trường học trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta mới thấy việc làm này thật ý nghĩa.
Bởi, những tủ sách đến với các nhà trường không chỉ đơn thuần là việc trao- nhận tài trợ mà từ những cuốn sách ấy sẽ giúp cho học sinh thêm hiểu biết, thêm tin yêu cuộc sống để vươn lên trong học tập ngày một tốt hơn.