Phòng, chống thuốc lá trong học sinh
Gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên, học sinh hút thuốc lá đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Để phòng, tránh tác hại thuốc lá trong học sinh, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Tuyên truyền tại trường học
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên vừa tổ chức tuyên truyền kỹ năng “Phòng, chống ma túy học đường và tác hại của thuốc lá điện tử” tại trường tiểu học Tân Thành.
Công an huyện Bắc Tân Uyên tuyên truyền tác hại thuốc lá tại Trường Tiểu học Tân Thành
Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh được cán bộ Công an huyện Bắc Tân Uyên phổ biến khái niệm về thuốc lá điện tử, tìm hiểu kiến thức qua trò chơi đố vui để hiểu hơn về thành phần cũng như các tác hại của thuốc lá điện tử. Các em học sinh đã tham gia sôi nổi và được giải đáp nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử và nhận nhiều phần quà từ các anh, chị đoàn viên, thanh niên xã Thường Tân. Buổi tuyên truyền giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử, xây dựng môi trường sư phạm, lối sống lành mạnh cho thanh thiếu niên.
Tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu đối với sức khỏe
Đại úy Lê Ngọc Sáng, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế và môi trường Công an huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ, thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch lỏng hòa tan. Chất lỏng sau khi được đốt cháy sẽ biến thành một luồng khói có hương thơm và có chứa nicotine để người sử dụng hít vào luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật.
Thuốc lá điện tử hiện nay len lỏi vào trường học bằng cách giả dạng son môi, USB, bút hoặc dạng hình khẩu súng…với nhiều hương vị hấp dẫn như vani, nước hoa, gà rán, hoa quả (chuối, xoài, dâu, cam, táo, nho), kẹo (anh đào,bông gòn, chocolate, bạc hà), nó được ví như cạm bẫy hương vị.
“Buổi tuyên truyền giúp học sinh có hành vi đúng đắn: không bán, không sử dụng, không dụ dỗ, lôi kéo các bạn khác sử dụng; tránh xa thuốc lá điện tử. Thời gian tới, Công an huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền tác hại thuốc lá điện tử, góp phần cùng nhà trường tạo môi trường học đường lành mạnh”, Đại úy Lê Ngọc Sáng nói.
Các thành phần trong dung dịch thuốc lá điện tử
Dấu hiệu sớm nhận biết trẻ dùng thuốc lá điện tử
Hiện nay, thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, bút vape… được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son... Do vậy, học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng và có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện. Khi cha mẹ thấy trẻ thay đổi hành vi, có biểu hiện lo âu, cáu gắt hay tìm thấy một số vật dụng lạ trong nhà xuất hiện dưới dạng ống cần cảnh giác con đã hút thuốc lá điện tử. Một số dấu hiệu sớm nhận biết trẻ dùng thuốc lá điện tử:
- Trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: trẻ có thể có các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi.
- Trẻ thay đổi hành vi: trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
- Tìm thấy những vật lạ trong nhà: thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB… Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà thì có thể đưa đến bệnh viện để kiểm tra.
- Xuất hiện mùi lạ: Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.
- Những hành vi hoặc trò chuyện đáng ngờ với bạn bè: trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè. Do vậy, cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật.
Vai trò của gia đình và nhà trường:
Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình, trong đó cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Cha mẹ cần chú ý:
- Dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.
- Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ.
- Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
- Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào tệ nạn xã hội.
- Giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện.
- Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, giải tỏa căng thẳng sau giờ học cho trẻ.
- Ngoài ra, gia đình cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất cấm ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.