Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong mùa hè

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, khó lường trước được. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những tổn thương ở trẻ cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn, phòng, chống TNTT cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhất là trong mùa hè.

Huấn luyện viên hướng dẫn các em kỹ năng xử lý khi gặp trường hợp đuối nước

Huấn luyện viên hướng dẫn các em kỹ năng xử lý khi gặp trường hợp đuối nước

Những tai nạn thường gặp ở trẻ

TNTT thường xảy ra ở trẻ em và lứa tuổi thanh, thiếu niên do các em hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Có nhiều kiểu TNTT xảy ra, tùy từng độ tuổi, môi trường, trẻ em có những nguy cơ gặp tai nạn khác nhau.

Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, nhà ở là nơi xảy ra các TNTT cao với chính những vật dụng trong gia đình. Những tai nạn thường gặp là bỏng nước sôi, té ngã, ngạt thở,... Nhiều trường hợp, các em bị TNTT do chính đồ chơi sắc nhọn, dễ vỡ hay những đồ chơi nhỏ cho vào miệng, bị trôi xuống họng gây hóc.

Bên cạnh đó, những hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước ở trẻ em đã gióng lên từ rất lâu nhưng vấn nạn này vẫn luôn chực chờ. Nhiều vụ đuối nước xảy ra, nhất là vào kỳ nghỉ hè, để lại nỗi đau dai dẳng cho các bậc phụ huynh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, năm 2023, toàn tỉnh có 22 ca tử vong do tai nạn đuối nước, trong đó có 5 ca trẻ em. Trong quí I/2024, toàn tỉnh xảy ra 6 ca tử vong do tai nạn đuối nước, trong đó có 4 ca trẻ em.

Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi gia đình tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, tránh đuối nước, để các em có những ngày nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích.

Cần giáo dục, nhắc nhở trẻ không được bơi, chơi xung quanh ao, hồ khi không có người lớn

Cần giáo dục, nhắc nhở trẻ không được bơi, chơi xung quanh ao, hồ khi không có người lớn

Tai nạn điện, tai nạn do leo trèo, tai nạn giao thông cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể và còn rất nhiều kiểu TNTT có thể xảy ra do sự bất cẩn của người lớn và trẻ em.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, tôi luôn quan tâm đến con mình. Các vật dụng trong nhà được sắp xếp gọn gàng. Đồ điện, phích nước nóng, vật dụng dễ gây thương tích đều để xa tầm với của con.

Ngoài ra, gia đình tôi kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của con; thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con không được bơi, chơi xung quanh ao, hồ khi không có người lớn”.

* Để phòng ngừa tai nạn điện, phụ huynh nên đặt ổ điện ngoài tầm với của trẻ. Ổ cắm điện luôn phải có nắp đậy, hướng dẫn cho trẻ biết cách sử dụng điện đúng cách, an toàn, không chọc vào ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường dây điện đi qua. Trong gia đình, trường, lớp học, đường dây điện và các thiết bị điện phải bảo đảm an toàn, không bị hở và được kiểm tra thường xuyên.

* Để phòng tránh đuối nước, các địa phương cần nhân rộng các lớp dạy bơi miễn phí. Đối với trẻ em khi đi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Ở những gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để lu, thùng chứa nước, nếu có phải đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được. Nhà có hồ, ao cần phải rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được. Ngoài ra, cần giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn.

Trang bị kỹ năng, kiến thức cho trẻ

TNTT để lại những tổn thương cho trẻ, thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy, để hạn chế TNTT, cần trang bị cho trẻ những kỹ năng, kiến thức để phòng tránh.

Thời gian qua, các cấp, các ngành triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống TNTT ở trẻ. Trong đó, nổi bật là công tác phòng, chống đuối nước. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

Thực hiện chương trình này, Huyện ủy, UBND huyện Cần Đước luôn quan tâm và dành nhiều hoạt động cho công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn huyện.

Bên cạnh vận động đầu tư xây dựng các hồ bơi, chương trình dạy bơi cho trẻ em luôn được quan tâm. Học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì được miễn học phí. Cuối tháng 5/2024, Huyện ủy, UBND huyện vận động các nhà tài trợ xây dựng thêm 2 hồ bơi đặt tại Trường Tiểu học Tân Chánh và Tiểu học Long Hựu Tây.

Đến nay, toàn huyện hiện có 12 hồ bơi, trong đó có 4 hồ bơi được đầu tư xây dựng bằng hình thức xã hội hóa.

Chương trình dạy bơi cho trẻ luôn được huyện Cần Đước quan tâm

Chương trình dạy bơi cho trẻ luôn được huyện Cần Đước quan tâm

Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức cho hơn 700 em học sinh học bơi, trong đó có hơn 150 em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được dạy học bơi miễn phí. Qua đó, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận những kỹ năng cần thiết, góp phần phòng, chống tai nạn đuối nước.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Đước - Nguyễn Phúc Trường, đối tượng tham gia học bơi là học sinh cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học và THCS chưa biết bơi. Khi tham gia lớp dạy bơi, các em được trang bị những kỹ năng phòng tránh đuối nước như cách xuống hồ an toàn, cách thở trong nước, nổi người khi ở mực nước cao, kỹ năng bơi,...

Các huấn luyện viên còn hướng dẫn cách xử lý tình huống trong khi bơi và kỹ năng sơ, cấp cứu, xử lý khi gặp trường hợp bị đuối nước. Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục thực hiện văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tiết dạy bơi thực hiện phổ cập bơi cho học sinh trong giờ học thể dục.

Ngoài ra, 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai, thực hiện hiệu quả mô hình Trẻ em toàn xã biết bơi; các trường học triển khai mô hình Học sinh toàn trường biết bơi. Nhiều gia đình chủ động phối hợp chính quyền địa phương và nhà trường trang bị kiến thức, kỹ năng bơi, phòng, chống đuối nước cho con em mình.

Chị Ngô Thị Thanh Phương (ấp 5, xã Tân Ân, huyện Cần Đước) cho biết: “Tôi đã chủ động đăng ký cho con mình tham gia khóa dạy học bơi an toàn nhằm giúp con có những kỹ năng phòng, chống đuối nước. Tôi cho rằng đây là hoạt động cần thiết, bổ ích, giúp trẻ nâng cao sức khỏe và tránh xa các thiết bị điện tử”.

Để kỳ nghỉ hè của các em bổ ích, phụ huynh cần cho trẻ tham gia những sân chơi an toàn, lành mạnh

Để kỳ nghỉ hè của các em bổ ích, phụ huynh cần cho trẻ tham gia những sân chơi an toàn, lành mạnh

Thạnh Hóa là một trong những huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, có nhiều sông ngòi, kênh, rạch, ao, hồ. Vì vậy, những vụ đuối nước ở trẻ em rất dễ xảy ra. Nguyên nhân là trẻ chưa biết bơi, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình đối với trẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Trừ Vĩnh Thăng thông tin: “Nhằm trang bị cho trẻ một số kỹ năng cơ bản về phòng, chống TNTT, nhất là phòng, chống đuối nước, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền và tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn.

Cùng với đó, huyện tuyên truyền trực quan thông qua phát tài liệu, hệ thống loa truyền thanh, treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường chính, trường học, khu dân cư,... Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Trẻ em, công tác phòng, chống đuối nước và TNTT ở trẻ em. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về an toàn cho trẻ”.

Việc trang bị kiến thức về phòng, chống TNTT để các em có thể tự bảo vệ mình và giúp đỡ bạn bè khi không may xảy ra tai nạn, góp phần tạo nên môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, mỗi gia đình cần rèn cho trẻ kỹ năng, kiến thức phòng tránh những tai nạn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-chong-tai-nan-thuong-tich-cho-tre-em-trong-mua-he-a177615.html
Zalo