Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Nâng nhận thức, rèn kỹ năng

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm một số trẻ em và cả người lớn tử vong, để lại nỗi đau khôn nguôi cho các gia đình. Người dân bày tỏ sự lo ngại khi mùa hè đã đến, trẻ được nghỉ học cũng là thời điểm mùa mưa, nước ở các ao hồ, sông suối dâng cao, nguy cơ mất an toàn luôn rình rập.

Xảy ra nhiều vụ đuối nước

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), 3 năm gần đây, số vụ tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh có giảm. Tuy vậy, số giảm không đáng kể (năm 2021 xảy ra 31 vụ, năm 2022 xảy ra 30 vụ, năm 2023 xảy ra 28 vụ).

 Huyện đoàn Tân Yên tặng áo phao cho học sinh Trường Tiểu học Phúc Hòa (Tân Yên).

Huyện đoàn Tân Yên tặng áo phao cho học sinh Trường Tiểu học Phúc Hòa (Tân Yên).

Theo tài liệu công bố tại hội thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 10/2023 về phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh tổ chức tại Hà Nội, Bắc Giang là một trong 10 địa phương trên cả nước có tỷ lệ trẻ đuối nước cao nhất giai đoạn 2020 - 2022 gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang, Quảng Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Bình, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Hưng Yên. Tại Bắc Giang, số liệu các năm gần đây cho thấy địa bàn hay xảy ra tai nạn đuối nước là các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên. Rải rác ở các đơn vị còn lại đều có các vụ đuối nước.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ đuối nước làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em bao gồm: Lục Ngạn 2 vụ làm 2 trẻ em và 2 người lớn tử vong; Việt Yên 1 vụ làm 2 trẻ tử vong; Hiệp Hòa 1 vụ làm 1 trẻ tử vong; so với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ, tăng 1 người chết. Vụ gần đây nhất xảy ra vào chiều 24/5, tại sông Lục Nam, đoạn thuộc địa phận thôn Hòa Thịnh, xã Tân Lập (Lục Ngạn).

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ đuối nước làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em bao gồm: Lục Ngạn 2 vụ làm 2 trẻ em và 2 người lớn tử vong; Việt Yên 1 vụ làm 2 trẻ tử vong; Hiệp Hòa 1 vụ làm 1 trẻ tử vong.

Anh Nguyễn Văn H. (SN 1992) và em ruột là Nguyễn Công H. (SN 1997), cùng trú tại thôn Hòa Thịnh rủ nhau ra sông mò ốc, câu cá. Sau đó, hai anh em cùng bơi qua sông (khoảng cách 2 bờ ước tính 200 m). Khi người anh bơi tới bờ sông bên kia nhìn lại không thấy em trai nên đã về báo gia đình và chính quyền. Đến khoảng 18 giờ 20 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của nạn nhân và bàn giao cho gia đình an táng.

Cũng tại Lục Ngạn, chiều 9/5, tại hố nước ở khu Dọc Bon, thôn Cái Cặn, xã Hộ Đáp xảy ra vụ đuối nước khiến ông Vi Văn Ố (SN 1965) và hai cháu nội 11 tuổi và 9 tuổi tử vong (hai cháu là anh em ruột). Nơi xảy ra tai nạn cách nơi ở của nạn nhân khoảng 1 km; hố nước này do một gia đình trong thôn đào cách đây vài tháng để chứa nước tưới cây. Trước thời điểm xảy ra sự việc, 2 cháu cùng anh họ là Vi Bảo An (SN 2017) ra khu vực hố nước chơi.

Khi thấy 2 em xuống nghịch nước, tắm rồi chìm An chạy về gọi ông Ố và mọi người tới cứu giúp. Tuy nhiên, do ông không biết bơi nên khi xuống cứu hai cháu, ông cũng bị đuối nước. Được biết, 2 trẻ tử vong là con trai anh T. (SN 1992) và chị N. (SN 1994). Anh chị đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên) nên 2 cháu ở với ông nội.

Tại thị xã Việt Yên, chiều ngày 10/5, cháu N.T.D ở thôn Ruồng và cháu Đ.A.T ở thôn Bói, (cùng SN 2010), trú tại xã Thượng Lan đi học về sớm đã rủ nhau xuống ao nước của một hộ dân ở thôn Bói tắm. Khoảng 1 tiếng sau, người dân phát hiện hai cháu bị đuối nước đã vớt lên, báo với cơ quan công an. Tại khu vực hiện trường có biển cảnh báo ao sâu nguy hiểm nhưng không có rào chắn xung quanh.

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra

Theo tổng hợp, đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn ở trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước do một số nơi công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, công tác tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều gia đình thiếu sự quan tâm, quản lý, giám sát đối với con em. Qua các vụ tai nạn thương tích, đuối nước cho thấy đa phần trẻ hạn chế về kiến thức, kỹ năng nhận biết các yếu tố nguy hiểm cũng như ý thức phòng tránh. Còn nữa, tai nạn đuối nước xảy ra thường do trẻ thiếu sân chơi lành mạnh, không gian sống xung quanh có nhiều yếu tố nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn đuối nước như: Sông, suối, ao, hồ, hố công trình...

 Thiếu nhi học bơi tại bể bơi Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh (TP Bắc Giang).

Thiếu nhi học bơi tại bể bơi Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh (TP Bắc Giang).

Trước tình hình đó, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở LĐTBXH liên tục có các văn bản đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, đoàn thể quan tâm đến công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Tại huyện Lục Nam, từ trung tuần tháng 5 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với các nhà trường, đơn vị tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn gần 2 nghìn học sinh kỹ năng phòng ngừa đuối nước, sơ cứu cho nạn nhân đuối nước.

Ở huyện Lạng Giang, cùng với tuyên truyền, Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bắc Giang chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo đuối nước thông qua nhóm phụ huynh nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường trong quản lý con em. Đồng thời, tổ chức các lớp dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho trẻ, giúp các em có thêm kỹ năng tự bảo vệ mình và ứng phó với những sự cố bất ngờ xảy ra xung quanh.

Em Nguyễn Thành Đạt (SN 2008) ở tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết: “Nhà em gần sông nên ông bà, bố mẹ và các thầy cô giáo thường nhắc nhở chúng em không được tự ý ra sông chơi để phòng tránh đuối nước. Vào dịp nghỉ hè, bố mẹ đều cho em đi học bơi. Giờ đây, em đã biết bơi và biết thêm nhiều kỹ năng khác để bảo vệ bản thân, thông báo tín hiệu cứu trợ hoặc tránh đuối nước khi bị chuột rút”.

Theo ông Bùi Quang Phát, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, để giảm thiểu số vụ tai nạn đuối nước, Sở LĐTBXH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh và đa dạng nội dung, cách thức tuyên truyền. Sở sẽ tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; cha, mẹ, người chăm sóc, giám hộ và trẻ em.

Bên cạnh đó, thành lập các đoàn liên ngành đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tai nạn đuối nước tại địa phương, cơ sở theo định kỳ và đột xuất. Thành lập tổ kiểm tra, xác minh 100% các vụ trẻ em bị đuối nước đông người; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (nếu có) để báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm theo quy định, triển khai các biện pháp ngăn ngừa.

Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh

Cần cảnh báo hằng ngày

Theo số liệu của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 2 nghìn trẻ em bị tước đi mạng sống vì tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, đuối nước và nguyên nhân khác; trong đó tai nạn đuối nước gây tử vong nhiều nhất. Cùng với tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, các gia đình và trẻ em trong việc phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh chỉ đạo các cơ sở hội vào cuộc bám sát, nắm chắc tình hình, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền những biện pháp cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về bảo vệ quyền sống của trẻ em theo Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Việc tuyên truyền, cảnh báo, nhắc nhở cần làm hằng ngày, bằng nhiều kênh (loa công cộng, tờ gấp, trên nhóm zalo, facebook) đến tận cộng đồng, đến từng gia đình.

Anh Giáp Xuân Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn

Xây dựng nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh cho trẻ

Với trách nhiệm của mình, tổ chức đoàn các cấp ở các địa phương đã có các hoạt động như: Tuyên truyền qua các diễn đàn, phát tờ rơi, rà soát cắm biển cảnh báo, tổ chức một số khóa dạy bơi cho trẻ em. Mặc dù vậy, tai nạn đuối nước vẫn là nguy cơ luôn rình rập, đe dọa sự an toàn của trẻ.

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ đuối nước, tổ chức Đoàn, Đội tiếp tục phối hợp các ngành triển khai các hoạt động nhằm trang bị kỹ năng bơi lội, kỹ năng cứu đuối, kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em và người dân. Lắp đặt các hệ thống biển báo ở những nơi nước sâu, nước xoáy nguy hiểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người dân tránh xa những tụ điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; vận động các nguồn lực xã hội trang bị hệ thống phao bơi cứu hộ, phao cứu sinh, dụng cụ cứu hộ khi xảy ra đuối nước. Xây dựng và duy trì hiệu quả các không gian vui chơi an toàn, lành mạnh cho thanh thiếu nhi; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giúp trẻ em phát triển toàn diện.

Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn

Tăng cường kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn

Địa bàn huyện Lục Ngạn có nhiều hồ nước lớn, dòng chảy mạnh, vực sâu và địa hình phức tạp. Cùng đó là tình trạng các gia đình tự đào hố chứa nước để phục vụ tưới tiêu. Để giảm thiểu thương vong do đuối nước trên địa bàn, Công an huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện xây dựng nội dung tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo về những khu vực thiếu an toàn cho người dân trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Trong tháng 5, công an các xã, thị trấn đã tổ chức 6 buổi tuyên truyền, tổ chức cho gần 3 nghìn học sinh ký cam kết thực hiện an toàn về phòng, chống đuối nước.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm các điều kiện về cứu nạn, cứu hộ theo phân công, phân cấp đối với các cơ sở kinh doanh bể bơi hoặc điểm du lịch có ao, hồ, bãi tắm. Rà soát, khắc phục, loại bỏ những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn tai nạn, thương tích cho trẻ.

Mỹ Bình - Thái An

Nhóm PVVX

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-nang-nhan-thuc-ren-ky-nang-075702.bbg
Zalo