Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè

BBK- Mùa hè nắng nóng là thời điểm côn trùng phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm. Ngành Y tế Bắc Kạn đang tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè, chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

 Phun thuốc khử trùng phòng, chống bệnh viêm não do mô cầu tại xã Cổ Linh (Pác Nặm).

Phun thuốc khử trùng phòng, chống bệnh viêm não do mô cầu tại xã Cổ Linh (Pác Nặm).

Việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm không chỉ giúp cho cá nhân ngăn ngừa bệnh và tránh các tổn hại do bệnh nhiễm trùng gây ra, mà còn ngăn chặn việc lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

Thời gian qua, cùng với cả nước, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và kiểm soát tốt các bệnh có vắc xin dự phòng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tuy nhiên, trên thế giới và khu vực, dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát, bệnh mới nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân.

Các đợt bùng phát dịch bệnh như mpox (bệnh đậu mùa khỉ), dịch tả, bại liệt, Marburg (sốt xuất huyết Marburg) tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực, cho thấy các bệnh truyền nhiễm luôn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Vì vậy, ngành Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong thời gian tới, để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản chỉ đạo ngành Y tế và các địa phương chủ động giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập vào địa bàn.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, Bắc Kạn đã ghi nhận 02 ca tử vong do bệnh dại; 89 ca mắc thủy đậu; 06 ca tay chân miệng; 01 ca viêm màng não do mô cầu; cúm 1.283 ca; quai bị 05 ca; tiêu chảy 336 ca; viêm gan vi rút 05 ca.

Đặc biệt, các đơn vị y tế trong tỉnh đã tiếp nhận 241 ca sốt phát ban do bệnh sởi. Trong đó, có 139 bệnh nhân ngoại tỉnh, 103 bệnh nhân trong tỉnh, ghi nhận 01 bệnh nhân của tỉnh Cao Bằng tử vong do bệnh sởi tại Trung tâm Y tế Pác Nặm.

Qua theo dõi trên hệ thống tiêm chủng quốc gia, sổ quản lý tiêm chủng lưu tại trạm, sổ tiêm chủng cá nhân, đa số các trường hợp mắc sởi không rõ tiền sử tiêm chủng, chưa được tiêm vắc xin có thành phần sởi hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin có thành phần sởi.

Ông Lý Văn Quân 41 tuổi, ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đến điều trị bệnh sởi tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cho biết: "Bắt đầu bị bệnh tôi thấy sốt, đau đầu, đau tức ngực. Sau đó thấy sốt cao quá tôi ra trạm y tế xã khám lấy thuốc về uống nhưng không đỡ, nên đã chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm. Tại đây, tôi được các bác sĩ kết luận mắc bệnh sởi và cho nhập viện điều trị theo dõi. Sau một thời gian điều trị tại đây tôi đã thấy đỡ hơn, sốt đã giảm nhiều".

Để chủ động kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, ngành Y tế đã tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Đồng thời, triển khai điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Chú trọng công tác tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Dịch bệnh truyền nhiễm được dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhất là thời điểm thời tiết giao mùa từ xuân sang hè, nhiệt độ nóng ẩm. Đơn vị đã tham mưu cho Sở Y tế có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh bảo đảm vật tư y tế, nguồn lực các tình huống của dịch bệnh, làm tốt công tác khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan rộng.

Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của ngành Y tế ngay từ đầu năm, trong thời gian tới, các dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục được kiểm soát tốt, tập trung theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh bùng phát lan rộng ra cộng đồng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức đến các đơn vị, người dân trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế./.

Lý Dũng - Hoàng Chúc

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-mua-he-post70538.html
Zalo