Phòng, chống cháy nổ tại các di tích
Mùa cao điểm du lịch hè đang đến gần, với nhiều đợt nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao tại các điểm di tích, đặc biệt là những công trình có kiến trúc gỗ, hệ thống điện xuống cấp... Trong khi đó, một số di tích trên địa bàn tỉnh có những ngày đón tới hàng nghìn lượt khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Công tác tuyên truyền PCCC tại đền Độc Cước (TP Sầm Sơn) được đặc biệt chú trọng.
Thanh Hóa có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Cùng với việc tu bổ, chống xuống cấp, việc đầu tư hệ thống trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại nhiều di tích ngày càng được quan tâm.
Tại TP Sầm Sơn, chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch hè, chính quyền thành phố đã phối hợp với lực lượng chức năng triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn PCCC tại các di tích, danh thắng, trọng tâm là đền Độc Cước, đền Cô Tiên và đền thờ Tô Hiến Thành. Vào mùa du lịch hè có những ngày các điểm di tích này đón hàng nghìn lượt khách đến dâng hương, vãn cảnh. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn Dương Đức Hưng cho biết: “Mùa hè nắng nóng cộng với lượng khách có những thời điểm tập trung khá đông, nguy cơ cháy nổ tại các di tích rất có thể xảy ra. Tại đền Độc Cước và đền Cô Tiên, mỗi điểm di tích được bố trí 15 bình PCCC, đền thờ Tô Hiến Thành bố trí 10 bình PCCC; các khu vực hóa vàng mã được bố trí cách xa di tích. Đến nay, 100% thủ từ tại di tích và đội ngũ cán bộ, nhân viên của trung tâm đã được tập huấn công tác PCCC, nắm vững các bước tiêu lệnh chữa cháy. Trước khi bước vào mùa du lịch hè, hệ thống bình chữa cháy, điện và các điều kiện PCCC tại mỗi di tích đã được kiểm tra, rà soát lại. Các biển nội quy PCCC được dán tại khu vực du khách thường xuyên qua lại, dễ dàng nhìn thấy. Ngoài ra, do kiến trúc, nội thất bên trong di tích bằng gỗ, có nhiều vật liệu dễ cháy, vì vậy mỗi di tích đã bố trí 5 thủ từ và ít nhất 1 cán bộ của trung tâm thường xuyên túc trực, hướng dẫn, nhắc nhở du khách thực hiện nội quy PCCC, không để du khách thắp hương ở bên trong đền thờ”.
Thực tế từ những vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một số di tích như đền thờ Trung túc vương Lê Lai (Ngọc Lặc), đền thờ tướng quân Nguyễn Chích (TP Thanh Hóa), cho thấy khó khăn chung là hệ thống PCCC thiếu đồng bộ, hiện đại, thậm chí đường dây điện cũ kỹ, dây dẫn hở, dễ dẫn đến chập cháy. Trong khi đó, điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, vì vậy việc kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di tích được các địa phương, ban quản lý di tích đặc biệt chú trọng.
Trưởng Tiểu Ban quản lý di tích đền Chín Giếng (thị xã Bỉm Sơn) Nguyễn Anh Huấn cho biết: “Đặc thù của đền Chín Giếng và đền Sòng Sơn là lượng khách đến dâng hương, vãn cảnh quanh năm. Thậm chí có những ngày lượng khách lên tới hàng nghìn người, việc kiểm soát tuyệt đối các nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất khó. Chính vì vậy, cùng với tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, việc tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, bảng nội quy, pa nô, áp phích để Nhân dân và du khách thực hiện nội quy PCCC được ban quản lý đặc biệt chú trọng. Trong đó tập trung nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân và du khách trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Thời gian gần đây, hầu hết người dân đến với di tích đều đốt vàng mã đúng nơi quy định, không chen lấn xô đẩy, không hút thuốc trong các khu vực thờ tự”.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, cùng với lượng khách đổ về các di tích trong dịp hè ngày càng đông, một ngọn lửa nhỏ hay sự cố chập điện cũng có thể xóa sổ một di tích. Mỗi người dân, du khách cần nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC. Mỗi hành vi nhỏ như thắp hương đúng cách, dâng hương đúng nơi quy định, không đốt lửa tùy tiện hay báo với ban quản lý di tích ngay khi phát hiện dấu hiệu cháy nổ... đều góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn những rủi ro không mong muốn.