Phòng, chống các nguy cơ gây tổn hại di tích: Hành động ngay trước khi quá muộn
Vụ cháy chùa Vẽ có tuổi đời 300 năm không chỉ là mất mát của Bắc Giang, mà còn là tổn thất chung đối với kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Sự kiện này thêm một hồi chuông cảnh báo, thúc đẩy các địa phương nâng cao trách nhiệm, siết chặt công tác bảo vệ, phòng, chống các nguy cơ có thể gây tổn hại đến di tích, để không lặp lại những bài học đau lòng.
Gióng hồi chuông cảnh báo phòng cháy, chữa cháy
Nhắc đến chùa Vẽ-ngôi chùa quê hương vừa bị cháy những ngày đầu năm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Long không khỏi bùi ngùi. Chùa Vẽ, tên gọi nôm là chùa làng Vẽ (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), tên chữ là Huyền Khuê tự, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1994. Đây là ngôi chùa cổ, có vị trí đặc biệt trong lịch sử đấu tranh giữ nước; đồng thời cũng là minh chứng cho sự tài ba trong nghệ thuật quân sự của dân tộc ta. Ngôi chùa nằm ngay ở vị trí cửa ngõ TP Bắc Giang hướng từ Lạng Sơn về Hà Nội, là địa bàn quan trọng trong trận chiến Chi Lăng-Xương Giang, năm 1427. Chiến thắng tại thành Xương Giang có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo sau 10 năm chiến đấu, ghi dấu mốc chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, quyết định nền độc lập dân tộc vào thế kỷ 15.
“Tôi được sinh ra ở trên chính mảnh đất này và suốt tuổi thơ gắn liền với những ngày đầu xuân theo hai chị gái nô nức đi trẩy hội làng Vẽ; rồi theo các bà học hát quan họ ở sân chùa Vẽ. Chùa làng Vẽ có thiết kế đẹp theo kiến trúc chùa truyền thống Bắc Bộ, có những pho tượng cổ đẹp, uy nghi. Sự việc cháy chùa Vẽ hết sức đáng tiếc, nhất là khi đang gần kề với mốc kỷ niệm 600 năm chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang, sẽ diễn ra vào năm 2027. Mong rằng Bắc Giang sớm khôi phục lại chùa với những cảnh quan như đã hiện hữu trước đây”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long bày tỏ.

Điện Thái Hòa (Cố đô Huế) - một trong những hình mẫu về tôn tạo, trùng tu bảo đảm yếu tố nguyên gốc nhờ ứng dụng số hóa di sản. Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cung cấp
Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, đây là vụ việc được lãnh đạo tỉnh, TP Bắc Giang và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, rốt ráo vào cuộc. Để kịp thời có phương án xử lý cho di tích chùa Vẽ, UBND tỉnh đã chỉ đạo phong tỏa, bảo vệ hiện trường. Các biện pháp cần thiết được khẩn trương triển khai như bao che khu vực hỏa hoạn; xác định nguyên nhân, đề ra biện pháp xử lý, khắc phục; rà soát, thống kê thiệt hại; đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo chùa làng Vẽ...
Theo đánh giá sơ bộ, vụ cháy tại di tích quốc gia chùa làng Vẽ để lại thiệt hại lớn. Toàn bộ tòa tam bảo với diện tích 263m² cùng nhiều hiện vật quý như 25 pho tượng, 8 bức hoành phi, 5 đôi câu đối và một số hạng mục khác như cửa võng, hương án... đều bị lửa thiêu rụi. Mất mát này không chỉ là tổn thất về kiến trúc mà còn là sự biến mất vĩnh viễn của những di vật mang dấu ấn lịch sử. Điều đáng lo ngại là đây không phải trường hợp đơn lẻ.
Trong những năm gần đây, nhiều vụ cháy di tích đã xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng. Tháng 10-2024, chùa Phổ Quang tại Phú Thọ-ngôi chùa hơn 800 năm tuổi bốc cháy dữ dội, thiêu rụi hoàn toàn tòa tam bảo cùng 27 pho tượng Phật, gây thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng. Tháng 1-2025, một đám cháy lớn tại khu vực núi Phật Tích (Bắc Ninh), may mắn có hàng trăm người tham gia dập lửa. Ngọn lửa không ảnh hưởng trực tiếp đến chùa Phật Tích, nhưng sự kiện này một lần nữa cho thấy nguy cơ cháy nổ tại các khu di tích là rất lớn.
Điều đáng nói, hầu hết các vụ cháy di tích đều bắt nguồn từ những nguyên nhân có thể phòng tránh, như: Hệ thống điện xuống cấp, thắp hương thờ cúng thiếu kiểm soát, thiếu hệ thống báo cháy và phương án chữa cháy phù hợp với công trình cổ bằng gỗ. Những hạn chế trong công tác bảo vệ di sản, từ ý thức cộng đồng đến sự chậm trễ của các cơ quan chức năng, đang khiến các di tích trở thành “mồi nhử” chỉ chờ bén lửa.
Tăng cường tính chủ động trong bảo vệ di tích
Làm thế nào để bảo vệ di tích, di sản khỏi những rủi ro khó lường? Phòng cháy, chữa cháy là giải pháp quan trọng, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ... Ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, phản ứng quyết liệt của Bắc Giang đối với di tích chùa Vẽ là điều đáng ghi nhận. Ghi nhận thực trạng, đánh giá thiệt hại, bảo vệ và giữ gìn những gì còn lại là những điều có thể làm ở thời điểm này, dù cũng đã muộn màng.
Các chuyên gia di sản từng nhận định, nhiều thứ mất đi có thể làm lại, nhưng riêng di tích bị phá hủy thì không thể khôi phục nguyên trạng. Những giá trị làm nên di tích không chỉ nằm ở kiến trúc vật lý mà còn là sự kết tinh của thời gian, văn hóa và lịch sử. Nếu chỉ phục dựng lại sau khi cháy, đó sẽ là một công trình mới, không còn mang giá trị nguyên bản. Nếu không hành động ngay hôm nay, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến thêm nhiều di sản quý giá biến mất trong tiếc nuối. “Điều cần thiết hơn là kết hợp công nghệ số hóa để vừa bảo vệ, vừa hỗ trợ phục dựng di tích trong trường hợp xấu nhất”, ông Trần Đình Thành nói.
Ông Thành lấy ví dụ, cả thế giới từng bàng hoàng với vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15-4-2019, khiến biểu tượng văn hóa của nước Pháp chìm trong biển lửa. Mái vòm đổ sập, ngọn tháp biểu tượng bị thiêu rụi. Những tưởng việc phục dựng sẽ vô cùng khó khăn, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra nhờ công nghệ số hóa 3D. Trước đó, một công ty bảo tồn đã thực hiện 150 bản quét laser scan khung sườn nhà thờ, giúp lưu giữ mọi chi tiết kiến trúc với độ chính xác đến từng mi-li-mét. Bên cạnh đó, trò chơi điện tử cũng vô tình trở thành nguồn tư liệu quý giá khi tái hiện chân thực nhà thờ, góp phần vào quá trình phục dựng. Bài học này cho thấy số hóa không chỉ là công cụ lưu trữ dữ liệu mà còn là phương tiện bảo vệ và khôi phục di sản hiệu quả. Nếu các di tích lịch sử tại Việt Nam được số hóa chi tiết, chúng ta sẽ có cơ hội phục dựng chính xác thay vì đối diện với mất mát vĩnh viễn.
Cũng theo ông Thành, công tác số hóa di sản đã được triển khai nhưng chưa thực sự chuyên sâu. Đa phần mới chỉ dừng ở việc lưu trữ tư liệu, hình ảnh mà chưa có các bản quét chi tiết phục vụ công tác phục dựng. Dù Chính phủ đã có chương trình số hóa di sản giai đoạn 2021-2030, nhưng việc thực hiện vẫn còn hạn chế do thiếu nhân lực chuyên môn, kinh phí và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Cùng quan điểm với ông Trần Đình Thành, PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, để “cứu” hoặc bảo tồn được di sản, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp và cộng đồng để quá trình số hóa được thực hiện bài bản, có chiều sâu. Bên cạnh số hóa, cần đẩy mạnh việc xây dựng quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy riêng cho di tích, ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm, nâng cao ý thức bảo vệ di sản trong cộng đồng. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, sẽ đến một ngày, những di sản văn hóa chỉ còn lại trên màn hình máy tính, thay vì tồn tại giữa đời thực như một phần không thể thiếu của lịch sử dân tộc.