Phòng, chống bão trên biển miền Trung

Trong khi cả nước đang chung tay hỗ trợ các tỉnh, thành miền Bắc khắc phục hậu quả nặng nề cơn bão số 3, thì bão số 4 đã vào miền Trung. Bờ biển miền Trung dài và biển rộng thuộc loại bậc nhất nước ta, các hoạt động sản xuất kinh tế, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản... diễn ra rất nhộn nhịp. Người dân miền Trung trải qua bao đời nay luôn phải 'chung sống' với bão lũ, phòng tránh bão trên biển, giảm thiểu thiệt hại là ưu tiên hàng đầu.

Chiếc tàu mành chụp cồng kềnh như thế này, mỗi khi có bão phải chạy đi tránh trú từ sớm để đảm bảo an toàn. Ảnh: Lệ Giang

Chiếc tàu mành chụp cồng kềnh như thế này, mỗi khi có bão phải chạy đi tránh trú từ sớm để đảm bảo an toàn. Ảnh: Lệ Giang

“Tàu đánh cá ở các tỉnh miền Trung hay lắp “máy bãi” (máy cũ), khi mùa mưa bão đến thường bị tai nạn. Vì sóng lớn, thuyền trưởng phải tăng ga hết cỡ để vượt qua đầu ngọn sóng, máy quá cũ chịu không nổi, bung ra hỏng hóc nhiều chỗ dẫn đến đứng chân vịt. Sóng biển phía sau phủ lên nhấn chìm cả chiếc tàu” - ông Nguyễn Văn Ninh, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thợ sửa máy tàu đánh cá chia sẻ.

Chăm máy như chăm con

Theo ông Ninh, mỗi lần tàu đánh cá chuẩn bị ra khơi, chủ tàu nên mời thợ máy lành nghề xuống tàu “khám” tổng thể, xem bộ phận nào cần thay thế phải thay ngay. “Suốt hành trình ngoài biển, thuyền trưởng phải cắt cử người túc trực chăm máy giống như chăm con, kiểm tra thường xuyên bộ phần bơm nhớt, ống dẫn nước làm mát máy... Đã có nhiều tàu đang chạy thì bị tắc ống dẫn nước, máy quá nóng dẫn đến hỏng nhiều bộ phận cùng một lúc, dân biển gọi là rúp bê” - ông Ninh nêu kinh nghiệm.

Từ bài học cơn bão Chanchu (năm 2006) và bão số 12 (năm 2017) đã cướp đi sinh mạng hàng trăm ngư dân miền Trung, ông Lê Văn Quyền, chủ 3 chiếc tàu đánh cá xa bờ ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nêu kinh nghiệm: “Trên mỗi tàu đánh cá xa bờ luôn có 3-5 bộ đàm đường dài, có tàu còn sắm điện thoại gọi trực tiếp từ vệ tinh, kết nối với đất liền. Khi biết tin có bão ở từ xa, hằng ngày, thuyền trưởng phải mở vào tần số của Đài Thông tin duyên hải Nha Trang hoặc đài của các tỉnh khác gần với tàu của mình nhất. Các đài thông tin duyên hải sẽ dự báo hướng đi của bão, phạm vi ảnh hưởng... giống như trên Đài Truyền hình Việt Nam. Từ đó, thuyền trưởng sẽ cho tàu chạy trốn bão lệch hướng của bão đang đi vào Biển Đông”.

Năm 2018, tâm bão vào Bình Định, nhiều tàu lưới vây khơi của tỉnh đã cho tàu chạy hướng về quần đảo Trường Sa, do phạm vi ảnh hưởng của bão rộng đã nhấn chìm nhiều tàu đánh cá. Chủ động cho tàu chạy tránh bão sớm là giải pháp an toàn nhất. Bão ở xa, các đài thông tin duyên hải sẽ phát thông báo bão 2-4 lần/ngày, bão gần đài phát tin khẩn cấp 15-30 phút/lần. Hiện nay, các đài thông tin duyên hải ven biển được đầu tư máy móc hiện đại, tàu đánh cá ở xa nhất vùng biển Việt Nam đều bắt được sóng và nghe đầy đủ thông tin. Nếu tàu đánh cá cần thông tin gì, hãy liên lạc với các đài thông tin duyên hải. Nhận được thông tin khẩn cấp trên biển, đài thông tin duyên hải có nhiệm vụ xác minh, hỗ trợ, hướng dẫn cho các thuyền trưởng những vấn đề cần thiết, đài sẽ thông báo với các cơ quan cứu hộ, cứu nạn của tỉnh hoặc khu vực.

“Trên cabin tàu đánh cá luôn ghi rõ tần số của các đài thông tin duyên hải, chẳng hạn tàu tôi thường hay đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa), thuyền trưởng phải ghi tần số Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu... Khi xảy ra bão gió, nếu đài này liên lạc không được, chuyển sang đài khác” - ông Quyền nêu bí quyết.

Một vấn đề khác, mùa mưa bão, các tàu đánh cá xa bờ phải có cơ số dầu chạy máy dự trữ dư ra vài tấn, phòng khi có bão ập đến, thuyền trưởng cho tàu chạy tránh bão với quãng đường xa, thậm chí phải chạy qua trú ẩn ở những đảo của các nước lân cận. Nhiều tàu hết dầu nửa chừng trên đường đi tránh bão.

Hiện nay, các xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa đã có âu tàu kiên cố, khi có bão, các thuyền trưởng nên cho tàu vào âu trú ẩn sớm. Nếu vào âu tàu chậm, sóng biển lớn sẽ bịt cửa vào, một số đảo có bãi rạn san hô rộng lớn, chỉ có lạch nhỏ dẫn vào âu tàu, sóng lớn rất dễ đưa đẩy tàu va vào rạn san hô mắc cạn hoặc bị vỡ tàu.

Gia cố ngay lồng bè nuôi thủy sản

Khu vực miền Trung có nhiều cửa sông, đầm, eo biển, vịnh, được người dân nuôi trồng thủy sản ven bờ và trên biển với số lượng lớn. Còn nhớ, cơn bão số 12 năm 2017 đổ bộ vào 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa gây thiệt hại nặng nề cho nuôi trồng thủy sản trên biển. Tốt nhất là tôm, cá đã đủ kích cỡ cần bán sớm. Nhiều người có tâm lý chủ quan cho tôm “chịu” qua mùa mưa bão để tăng thêm trọng lượng, bán vào dịp Tết Nguyên đán với giá cao. Sức tàn phá của thiên nhiên thật khủng khiếp, nó có thể phá tan mọi dự tính “tốt đẹp” của chủ lồng bè.

Vùng nuôi tôm hùm ở Vũng Rô, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Lệ Giang

Vùng nuôi tôm hùm ở Vũng Rô, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Lệ Giang

“Bước vào mùa mưa bão, phải gia cố ngay lồng bè, làm ngay ngày hôm nay, không đợi khi có bão vào mới chạy nháo nhào đi mua dây ra cột gấp, dẫn đến những đầu buộc sẽ bị lỏng lẻo, khó kiểm soát hết những nguy cơ mất an toàn. Nếu có điều kiện, cần di chuyển bè vào chỗ kín gió ẩn nấp, buộc thêm dây cước vào các phi nổi, tăng cường thêm những neo lớn chịu lực ở hướng xung yếu... Các bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam báo bão cách bờ 300-500km, lập tức tháo lưới lồng nuôi tôm hùm buộc túm lại (giống như bao đựng tôm), thả xuống nửa lưng chừng nước. Làm theo cách này, sóng biển có đánh gãy bè, những bao tôm cột ở phía dưới vẫn an toàn, hết bão kéo lên cột lại vào các lồng nuôi” - ông Nguyễn Điền, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, có thâm niên nuôi tôm hùm trên biển 35 năm nêu kinh nghiệm.

Thực tế, trước khi bão đổ bộ vào vùng biển này, người dân nuôi tôm hùm giống ở khu vực hòn Yến, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã chủ động kéo tôm vào bờ đưa lên xe ô tô chạy bão vào Vũng Rô (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa). “Mặt phía Đông ở vùng nuôi tôm giống không có hòn đảo nào che chắn, chỉ cần bão nhỏ thôi, sóng biển sẽ đưa toàn bộ lồng nuôi tôm giống lên bờ hết. Chính vì vậy, đài báo bão đang ở bên Philippines dự báo sẽ đi vào vùng biển từ Bình Định đến Khánh Hòa, dân thôn Nhơn Hội lo chạy gấp gối. Dưới biển, thuyền, thúng chai đua nhau ra lặn đưa lồng lên, bắt tôm bỏ vào thùng xốp, chạy máy oxy. Trên bờ, đủ các loại xe ô tô tải, xe con, taxi xếp hàng dài để chở tôm đi chạy bão” - ông Dương Ngọc Thắng, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An kể về cuộc sống người dân hằng năm phải trải qua.

Lệ Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phong-chong-bao-tren-bien-mien-trung-post481192.html
Zalo