Miền Trung ứng phó bão số 4

Trước diễn biến của bão số 4 và dự báo hoàn lưu sau bão sẽ có mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, các tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bộ đội biên phòng giúp ngư dân di chuyển tàu thuyền đến nơi an toàn. Ảnh: X.T.

Bộ đội biên phòng giúp ngư dân di chuyển tàu thuyền đến nơi an toàn. Ảnh: X.T.

Lên kế hoạch di dời hàng nghìn hộ dân đến nơi an toàn

Theo dự báo, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) là địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão số 4, do đó, chính quyền địa phương đã lên phương án di dời hơn 1.400 hộ dân ở các vùng ngập lụt, sạt lở đến nơi tránh trú an toàn.

Ông Phan Thành Biển - Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã lên phương án sẵn sàng di dời 1.409 hộ dân với 4.080 nhân khẩu ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 4, nhiều tỉnh miền Trung sẽ có mưa lớn dồn dập, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt trên khu vực các tỉnh vùng núi Thanh Hóa trở vào đến Quảng Trị.

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, cập nhật thông tin đến 16 giờ chiều 19/9, bão số 4 đã di chuyển vào đất liền khu vực các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.

Về tình hình mưa lớn sau bão, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nên mưa lớn vẫn còn tiếp tục từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Trị. Đặc biệt cần lưu ý là mưa lớn với cường suất lớn như thế này thì khả năng gây ngập lụt khu vực đô thị, đặc biệt là những khu vực mà có đông dân cư sinh sống.

P.V

Các hộ dân ở vùng nguy hiểm sẽ được di dời lên các trường học, nhà văn hóa thôn để đảm bảo an toàn. Địa phương này đã yêu cầu nhân dân chặt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn. Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thị xã Kỳ Anh cũng túc trực 24/24h, thường xuyên liên hệ với các địa phương để kịp thời xử lý những tình huống xảy ra.

Ngoài ra, các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh cũng xây dựng kịch bản cụ thể để ứng phó với bão số 4, triển khai các phương án, sẵn sàng di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ngập lụt cao về nơi tránh trú an toàn; đồng thời, sẵn sàng phương tiện, nhân lực, trang thiết bị cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi nước lũ dâng cao do mưa lớn.

Qua rà soát, trên địa bàn toàn huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) có 2.259 hộ dân, 6.389 nhân khẩu cần di dời về nơi an toàn khi mưa lớn dài ngày, nước dâng cao gây ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa. Huyện Thạch Hà đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực với 431 tàu thuyền (ca nô, xuồng, thuyền máy) 3.491 áo phao, 1.054 phao cứu sinh tại huyện và tại các xã, thị trấn để thực hiện sơ tán người dân đến các địa điểm an toàn.

Lốc xoáy khiến 51 nhà dân ở Hà Tĩnh bị tốc mái, hư hỏng. Ảnh: H.N.

Lốc xoáy khiến 51 nhà dân ở Hà Tĩnh bị tốc mái, hư hỏng. Ảnh: H.N.

Trước khi bão số 4 đổ bộ đã có lốc xoáy xảy ra, khiến 12 nhà dân ở xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) và 39 nhà ở xã Cẩm Dương, Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) bị tốc mái, hư hỏng nặng; hàng trăm cây cối, cột điện gãy đổ. Ngay sau đó, địa phương đã huy động nhân lực khắc phục thiệt hại cho người dân và triển khai các biện pháp phòng, chống bão, hoàn lưu sau bão.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 19/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh này cho biết, địa phương đã lên phương án di dời hơn 16.000 hộ dân với hơn 52.000 nhân khẩu đến nơi an toàn để ứng phó với bão số 4; di dời để đối phó lũ quét, sạt lở đất hơn 3.700 hộ dân với 13.600 nhân khẩu. Tại các khu vực xung yếu, lực lượng chức năng đã tiến hành di dời hàng trăm hộ dân đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng dự trữ 100 tấn gạo, 10 tấn mì ăn liền, sẵn sàng ứng phó mưa bão.

Tại UBND huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), địa phương đã huy động hơn 150 lực lượng dân quân tự vệ địa phương, người dân sử dụng 20 rọ đá và 260 m3 đá hộc để gia cố 50m kè tại hói Hàn Tổng, xã Quảng Phước.

Mưa lớn những ngày qua khiến một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Huế bị ngập sâu, cây xanh bị ngã đổ. Người dân tại một số vùng thấp trũng nhanh chóng chuyển phương tiện, tài sản lên những vị trí cao để đề phòng ngập lụt.

Ông Đồng Sỹ Toàn - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Huế cho biết, đơn vị phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành việc xây dựng bản đồ các tuyến đường đậu đỗ phương tiện khi xảy ra ngập lụt. Việc này nhằm hỗ trợ người dân chủ động đưa phương tiện lên cao, tránh để xảy ra tình trạng ngập xe làm thiệt hại về tài sản như đợt mưa lũ năm 2023.

Ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay các hồ chứa nước, đê điều, nuôi trồng thủy sản đang vào thời kỳ cuối mùa khô, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện ở mức thấp, các hồ đang vận hành đảm bảo an toàn.

Theo ông Hòa, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.884 phương tiện tàu thuyền với khoảng 10.600 lao động. Ngoài ra, ở các điểm tránh trú có 23 phương tiện với 194 lao động ngoại tỉnh vào neo đậu. Hiện, tất cả các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào bờ an toàn. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu đảm bảo trong thời gian bão lũ xảy ra.

Đồng thời, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế lên phương án huy động người và phương tiện túc trực, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ người dân khi xảy ra thiên tai.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị tiến hành lập chốt tại các vị trí bị ngập nước. Ảnh: CTV.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị tiến hành lập chốt tại các vị trí bị ngập nước. Ảnh: CTV.

Mưa lớn, nhiều nơi bị chia cắt

Ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, từ trưa ngày 19/9 đến trưa 20/9, trên địa bàn tỉnh này có mưa lớn, với tổng lượng mưa ở các huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa từ 100-250, có nơi trên 350mm; các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới từ 110-260mm có nơi trên 360mm; huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy từ 120-270 có nơi trên 380mm.

Do mưa lớn nên ở Quảng Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông dao động ở mức báo động 1 đến báo động 2 và gây ngập lụt tại các địa phương vùng thấp trũng, ven sông. Tại khu vực các huyện miền núi có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương đã tổ chức sơ tán 238hộ/ 918 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn.

Mưa lớn gây sạt lở, chia cắt cục bộ ở một số địa phương tại tỉnh Quảng Bình. Ngầm K Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) nước dâng cao hơn 1m; ngầm Cu Pi, Tà Cổ (xã Trọng Hóa, Minh Hóa) nước dâng cao khoảng 0,5-0,7m người và phương tiện không qua lại được. Riêng ngầm Cu Pi đã bị xói, lở hoàn toàn. Ngầm cầu tràn bản Lương Năng (xã Hóa Sơn) nước ngập sâu khoảng 0,6m.

Tại các ngầm, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã đặt biển cảnh báo cấm người và phương tiện qua lại. Một số điểm, vị trí trên quốc lộ 12A đã xảy ra sạt lở đất đá trôi xuống đường khiến giao thông đi lại khó khăn.

Tại tỉnh Quảng Trị, nhiều tuyến đường ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị chia cắt cục bộ do một số tràn bị ngập sâu như tràn Ly Tôn nước ngập khoảng 0,2m; tràn qua thôn Loa, xã Ba Tầng nước dâng cao 1m. Tại các khu vực này, lực lượng chức năng đã tiến hành dựng rào chắn, nghiêm cấm người và phương tiện lưu thông.

Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã bố trí nhân sự, phương tiện tiến hành rào chắn ở những vị trí xung yếu. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền, vận động người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét sơ tán đến nơi an toàn.

Trong khi đó, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã vận động và di dời 7 hộ dân với 25 nhân khẩu (tại huyện Hướng Hóa) nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Ngoài ra, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây xuất hiện điểm sạt lở nhẹ tại Km 169+100, giao thông vẫn lưu thông bình thường.

Bão số 4 suy yếu thành vùng áp thấp

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 16 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc - 106,7 độ kinh đông; trên đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Đến 22 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão vào khu vực Trung Lào, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hoàn lưu bão số 4 sẽ bao trùm rất rộng. Không chỉ khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ chịu tác động trực tiếp mà còn mở rộng ra các khu vực khác là phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Lượng mưa trong hai ngày 19 và 20/9 ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ từ 100 - 300mm, một số nơi trên 500mm, trọng tâm là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. “Cần đặc biệt chú ý hoạt động ven biển, vùng biển ven bờ tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, mưa ở Tây Nguyên có thể gây ra sạt lở đất; mưa ở Nam Bộ có thể gây ra ngập úng. Tất cả khu vực vùng núi phía tây Trung Bộ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất” - ông Khiêm cho biết.

H.NGUYÊN - N.QUỐC - X.THI - N.VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mien-trung-ung-pho-bao-so-4-10290714.html
Zalo